Nội dung trên được chia sẻ tại phiên toàn thể Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần 2 (Mekong Startup năm 2024) diễn ra tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Diễn đàn do Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”.
Phát triển kinh tế ĐBSCL theo hướng bền vững và tạo dấu ấn riêng cho vùng
Nhận định về ý nghĩa của sự kiện này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL được tổ chức thường niên nhằm hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy hành động của cả hai khu vực công - tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tất cả hướng đến mục tiêu chung là phát triển kinh tế ĐBSCL theo hướng bền vững, kết hợp hài hòa các yếu tố và tạo dấu ấn riêng cho vùng.
Trong dịp này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng có một vài nhận định về Diễn đàn Mekong Startup 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp", lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, sự kiện đã đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc mở rộng kết nối các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đến nay, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai, đem lại nhiều giá trị giúp nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Minh chứng cho bước ngoặt này, là các mô hình sinh thái đã được triển khai thành công, hiệu quả ở các địa phương như: mô hình tôm lúa ở Cà Mau, mô hình lúa - cá - vịt ở Đồng Tháp, trồng lúa chất lượng cao với đề án một triệu ha lúa gắn với phát thải thấp ở 12 tỉnh ĐBSCL... Song song đó là sự hưởng ứng mạnh mẽ, nhiệt tình mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2025, do Chính phủ phát động.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ĐBSCL hiện đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Sự thay đổi này đã làm thay đổi xu thế tiêu dùng lẫn tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Thứ trưởng khẳng định, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và là chiến lược được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin... ở ĐBSCL sẽ là cơ hội để thúc đẩy khởi nghiệp, tạo việc làm cho cộng đồng cư dân khu vực. Những dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, du lịch sinh thái, logistics... cũng góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển trong tương lai.
Thông tin tại Diễn đàn, ông Trần Trí Quang - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với gần 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trung bình hằng năm có khoảng 400 - 500 dự án khởi nghiệp; đồng thời, còn là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng một phần ba tổng GDP nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi nền kinh tế của ĐBSCL, trong đó chuyển đổi nông nghiệp cần phải giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững và đổi mới sáng tạo.
Nhận định nông nghiệp xanh, giảm phát thải của ĐBSCL là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu, là lời giải cho bài toán nông nghiệp, tạo sự bứt phá cho kinh tế vùng. Năm 2022, lần đầu tiên Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có sáng kiến và đồng tổ chức Diễn đàn Mekong Startup lần I, với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” hướng đến mục tiêu giảm biến đổi khí hậu và hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên tại 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, góp phần giải quyết bài toán trọng tâm là chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế vùng.
Theo ông Trần Trí Quang, Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL - Lần II năm 2024 được tổ chức nhằm thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ và tạo phong trào triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, trong đó, chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là “Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực ĐBSCL” trong tình hình mới.
Đồng thời, duy trì và phát triển diễn đàn trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng ĐBSCL. Thông qua các hoạt động của diễn đàn để kết nối nguồn lực và thị trường nhằm hỗ trợ phát triển những sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ của tỉnh Đồng Tháp và ĐBSCL và tôn vinh những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.
Ông Trần Trí Quang cũng kỳ vọng, qua Diễn đàn lần này sẽ tạo một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình để Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng một nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, để góp phần hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng ĐBSCL.
Đề xuất những giải pháp để ĐBSCL vươn mình chuyển đổi xanh
Tham gia diễn đàn, đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ tâm tư trong quá trình sản xuất kinh doanh bền vững, đồng thời đưa ra kiến nghị tháo gỡ khó khăn để ĐBSCL vươn mình chuyển đổi xanh.
Ông Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty TNHH Nông Trại 123 cho rằng xây dựng và phát triển nông nghiệp xanh đòi hỏi phải hiểu biết nhiều kiến thức, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, cần sự tư vấn và hỗ trợ từ chính quyền và các quỹ đầu tư.
Ông đưa ra ba kiến nghị. Thứ nhất là cần đặt trọng tâm canh tác theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Chẳng hạn tái sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hoặc nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, như biến vỏ trấu thành viên nén trấu, vỏ sầu riêng thành than sinh học, vỏ cam, thơm thành nước rửa chén hữu cơ và phân bón hữu cơ. Thứ hai, chú trọng hơn trong đầu tư các hạ tầng mềm đặc biệt ứng dụng công nghệ số và dữ liệu lớn trong nông nghiệp.
Thứ ba, cần đặc biệt quan tâm việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan. Thách thức đặt ra là chuyển đổi xanh từ các mô hình canh tác truyền thống không phải điều dễ dàng, nhất là khi các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu ngày càng khắt khe.
"Chúng ta không thể chuyển đổi lớn nếu không có cùng nhận thức, không có hiểu biết đủ", ông Viễn nhấn mạnh.
Ở khía cạnh quốc tế, ông Peter Johnson - chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) cho rằng những xu hướng toàn cầu và các giải pháp thích ứng là nguồn nguyên liệu giúp tạo cơ hội đổi mới trong nông nghiệp xanh. Theo đó, ông đưa ra những khuyến nghị về kết hợp nguồn lực công - tư hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh khu vực ĐBSCL.
Góp phần cụ thể hóa các khuyến nghị trên, ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Rustic Hospitality, chuyên gia đổi mới sáng tạo của Tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ) đưa các đề xuất kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo cho mục tiêu phát triển du lịch xanh khu vực này. Chuyên gia gợi ý một số mô hình du lịch cộng đồng, gắn với các tiêu chí bền vững như: du lịch nông nghiệp, sinh thái farmstay và kỹ năng sinh tồn chống biến đổi khí hậu.
Nối tiếp những gợi ý về nâng cao nguồn lực chuyển đổi nông nghiệp xanh, ông Vũ Chí Công - Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, Tập đoàn VinaCapital, nêu góc nhìn, khẩu vị rủi ro từ quỹ đầu tư về các dự án xanh. Ông cho biết quỹ VinaCarbon sẽ đồng hành cùng chính phủ, hướng tới mục tiêu NetZero.
Trong đó, ĐBSCL giữ vai trò quan trọng khi chịu nhiều tác động ừ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên với những lợi thế sẵn có từ năng lượng gió, mặt trời, phân bón hữu cơ, lúa gạo... ông Vũ Chí Công cho rằng có thể tập trung cho các dự án lớn, thu hút đầu tư quốc tế, thúc đẩy startup hiện thực hóa ước mơ. Ông cũng kiến nghị nên phát hành quy định về chứng chỉ carbon. Điển hình như mô hình than sinh học, phân hữu cơ, thị trường rất được quan tâm nhưng thiếu chính sách.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, một trong các thành quả của cam kết hành động chính là sự ra mắt Mạng lưới Chuyển đổi Xanh Mekong - một sáng kiến của sự hợp tác của hai khối công - tư, nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại khu vực.
Chủ đề năm nay của Diễn đàn Mekong Startup lần II đã thể hiện đúng khát vọng vươn mình của ĐBSCL. Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao ý tưởng hình thành mạng lưới chuyển đổi xanh của đơn vị tổ chức. Mong có nhiều dự án cho sự phát triển xanh của khu vực và cả nước.
Có thể nói thời gian qua, khu vực ĐBSCL đã thực hiện quyết liệt, ghi nhận nhiều kết quả tích cực về chức năng về đổi mới sáng tạo. Sau lần đầu năm 2022, Mekong Startup được đánh giá cao về tinh thần liên tục đổi mới.
Năm nay, sự tham gia đông đảo của các đại biểu cũng là minh chứng cho những nỗ lực trong thực hiện đề án từ Chính phủ của doanh nghiệp, người dân cả vùng.
Bộ Khoa học và Công nghệ còn đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL chia làm 3 nhóm điểm số trong chuyển đổi, thứ tự sắp xếp phù hợp với điều kiện tự nhiên trong vùng. Với tinh thần quyết liệt trên, Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng sẽ sớm hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL để những sáng kiến của diễn đàn năm nay có cơ hội hiện thực hóa.
Trong thời gian tới, để các ý tưởng có cơ hội hiện thực hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh các địa phương, bộ, ngành cần tích cực nghiên cứu, mạnh dạn tham mưu, thử nghiệm hiệu quả hơn. Gắn cơ chế với các đề án, chương trình quốc gia cụ thể. Mỗi địa phương nên tập trung nhận diện, tháo gỡ vướng mắc trong khởi nghiệp, kinh tế xanh theo từng tỉnh, thành và cả vùng ĐBSCL.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, cải thiện nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương. Địa phương tận dụng tiềm năng sẵn có để nâng cao năng suất, cạnh tranh cho nền kinh tế, kỳ vọng tăng trưởng GDP trên 10%, từ năm 2026.
Quá trình phát triển tăng liên kết vùng, đầu tư nâng cao tiềm lực, huy động ngân sách cho khoa học, đổi mới sáng tạo, năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Ông cho biết thời gian tới sẽ có thêm luật mới về khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo, trong đó đưa ra yêu cầu tôn trọng tính đặc thù của hoạt động khoa học, chấp nhận rủi ro, độ trễ, khoán toàn diện đến sản phẩm cuối. Cơ chế thương mại hóa dự án nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước. Thành lập doanh nghiệp khởi nguồn, hoạt động thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp.
"Mỗi công dân là một nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để Việt Nam bắt kịp, vượt lên tiến trình đổi mới sáng tạo thế giới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh./.