Về lại La Hiên - Võ Nhai

Hơn hai chục năm về trước, tôi đã biết đến Võ Nhai, nơi có mỏ vàng sa khoáng Thần Sa nổi tiếng. Đó là xã có địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn nhưng có trữ lượng vàng sa khoáng lớn thu hút những đại ca từ các nơi đổ về.
1024px-thitrandinhca-vonhai-1646626153.jpg
Một góc Đình Cả Võ Nhai

Nơi đây từng diễn ra nạn khai thác vàng trái phép tại Hẻm núi Cô Tiên, khu vực hang Rắn, Boong Xay, vũng Tu Lườn, hang Hút, thác Kiệm, hang Dơi - Bản Ná nổi tiếng một thời.

Trí tò mò của người làm báo khiến tôi một mình một ngựa mò tới vùng đất này. Đó thực sự là nơi có sức hút giới giang hồ các miền đổ về. Nơi mà những kẻ có số má được đo bằng số lần vào tù ra khám và cả những lần vượt ngục. Không ít kẻ từng đấu súng với công an hoặc trốn trại tiếp tục gây án… Nơi đây cũng nổi tiếng bởi lực lượng con nghiện đông đúc và giới giang hồ đổi ma túy lấy vàng rất nhộn nhịp.

Nhưng đó chỉ là chuyện xưa, nay mọi thứ đã khác. Bãi vàng Thần Sa đã bị đóng cửa và đám giang hồ cũng dạt vòm đi nơi khác. Đường từ Thái Nguyên về Võ Nhai nay được nâng cấp, xe hơi có thể lướt với tốc độ trăm cây số/giờ. Hai bên đường, dân cư không còn có vẻ nheo nhóc, nghèo đói mà thay vào đó là những ngôi nhà ngói hai ba tầng khá khang trang.

Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã La Hiên cho biết: Võ Nhai có địa hình phức tạp, đồi núi là chủ yếu, đất ruộng ít, phần lớn diện tích là đồi thấp và núi đá vôi, những vùng đất bằng phẳng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhỏ, chủ yếu theo các khe suối, triền sông và thung lũng.

Sự hiểm trở của những dãy núi đá vôi dựng đứng khiến nơi đây còn sót lại rừng nguyên sinh Thần Sa. Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng với tổng diện tích hơn 17.000 ha rừng, đây là khu vực hiện còn nhiều loại gỗ quý hiếm như nghiến, trai, lý, sến... với trữ lượng khá lớn nhưng vì hiểm trở nên lâm tặc chưa đụng đến.

Khu di tích Thần Sa nằm trọn trên địa bàn xã Thần Sa, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi dày đặc thuộc phần cuối của dãy núi Bắc Sơn và những dải thung lũng hẹp dọc theo sông Thần Sa. Tại khu di tích này đã phát hiện một di chỉ khảo cổ học Thần Sa gắn liền với thời đại đồ đá cũ có niên đại trên dưới 3 vạn năm lần đầu tiên tìm được ở Đông Nam Á, thu hút sự chú ý của các nhà khoa học trong nước và thế giới.

Với địa hình có dãy núi đá vôi xen lẫn núi đất trung điệp tạo nên những thắng cảnh đẹp tự nhiên của núi rừng. Quần thể hang động Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà và hang động khác như: Nà Kháo, Hang Huyền,... có nhiều nhũ đá tạo nên cảnh quan đẹp hấp dẫn những du khách ưa khám phá.

Mái Đá Ngườm ở xã Thần Sa là cái nôi ra đời sớm nhất của người Âu Lạc. Rừng Khuôn Mánh xã Tràng Xá là nơi thành lập đội cứu quốc quân II và nhiều hang động, di tích khác đã đi vào lịch sử của dân tộc.

Nay trở lại, hệ thống giao thông khá tốt, một vài điểm cua gấp đang được chỉnh sửa, tiềm năng du lịch của huyện đang được phát huy cùng với hệ thống du lịch trong toàn tỉnh. Huyện có 8 dân tộc anh em là: Kinh 38%; Tày, Nùng 21%; các dân tộc  Dao, H’Mông, Cao Lan, Sán Chí, Hoa chiếm 41%.

La Hiên tiếp giáp với Thần Sa ở phía Bắc là xã có tài nguyên phốt pho với trữ lượng gần triệu tấn. Trên địa bàn xã có nhà máy xí măng La Hiên được xây dựng từ những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước và hiện có năng lực sản xuất trên triệu tấn mỗi năm.

Từ năm 2001, người La Hiên bắt đầu trồng cây na ở hai xóm La Đồng và Hiên Bình. Quả na trồng tại xã được người tiêu dùng đánh giá rất ngon, có loại vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị ngọt đậm, mùi thơm, có vỏ dày nhưng trọng lượng quả lớn. La Hiên cũng có các diện tích trồng chè, ngô, thuốc lá với chất lượng rất tốt.

Võ Nhai tự hào là mảnh đất cội nguồn, mang đậm những dấu ấn trong văn hóa truyền thống và lịch sử dựng nước, lịch sử cách mạng Việt Nam. Ngày 12/3/1945, Cứu quốc quân tiến về bao vây phố Đình Cả. Cuộc chiến đấu diễn ra trong gần chục ngày là cuộc đọ sức chính diện và táo bạo của Cứu quốc quân với giới cầm quyền thân Pháp. Sáng 21/3/1945, quân địch đầu hàng. Châu lỵ La Hiên được giải phóng và là một trong những châu quận đầu tiên thành lập chính quyền Việt Minh.

Võ Nhai nơi lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Tiềm năng du lịch là rất lớn, song nó lại chưa được khai thác một cách hiệu quả và chưa có nhiều dịch vụ để giữ chân du khách…./.

Phan Thế Hải