Danh xưng Nữ du kích Củ Chi lại được tái hiện với những chiến công hiển hách và ký ức oai hùng... Tái ngộ trong niềm vui khôn xiết, các nữ du kích Củ Chi năm xưa bồi hồi nhớ lại những ngày đồng cam cộng khổ, sát cánh bên nhau trong những trận chiến đấu anh dũng, mưu trí, táo bạo.
Bà Lê Thị Sương (Năm Sương), người chiến sĩ đầu tiên của Trung đội Nữ du kích Củ Chi, năm nay đã gần 70 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh nhớ lại: Ngày 10-11-1965, Đội Nữ du kích huyện Củ Chi được thành lập. Ban đầu, đội gồm 3 thành viên là Nguyễn Thị Nê (Bảy Nê), đội trưởng; Trần Thị Nhỡ (Út Nhỡ) và tôi.
Từ sự vận động của 3 chị em, dần dần đội nữ du kích đã phát triển thành cấp trung đội, tập hợp được gần 20 người và được Huyện đội Củ Chi đưa đi huấn luyện quân sự, rồi chia thành từng tổ, nhập vào các đơn vị chiến đấu ở vành đai vòng ngoài, đối mặt với địch ở căn cứ Đồng Dù - Tây Ninh, cách Củ Chi vài chục ki-lô-mét.
Nhiệm vụ của các chị là động viên người dân tòng quân, nhập ngũ, tham gia đào hầm, địa đạo bí mật, tải lương thực, đưa đạn dược, vũ khí vào Củ Chi, Tây Ninh, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những năm 1967-1968, Trung đội Nữ du kích Củ Chi bắt đầu đẩy mạnh tham gia các trận chống càn, hóa trang trinh sát, xây dựng cơ sở trong lòng địch…
Bà Năm Sương kể: “Đầu năm 1966, tổ 3 người gồm tôi, Út Nhỡ và chị Nga nhận nhiệm vụ đánh Mỹ đi càn ở ngã ba Nhuận Đức. Trong trận càn này, 3 chị em chỉ dựa vào các hầm chông, hố đinh, bãi mìn tự tạo và hệ thống địa đạo liên hoàn để đánh địch. Kết quả, tổ đã tiêu diệt tại chỗ 30 lính Mỹ và một xe tăng. Một trận đánh đáng nhớ nữa là vào tháng 5-1967, tổ 3 người được giao đánh vào căn cứ Đồng Dù.
Chúng tôi phải lần lượt vượt qua 26 lớp kẽm gai bùng nhùng có gài mìn, chiếu đèn sáng rực… để vào trinh sát, nắm chắc vị trí từng chiếc xe tăng, khẩu pháo của chúng. Chỉ trong một đêm, chúng tôi đã dùng mìn định hướng và thuốc nổ tiến công tiêu diệt 50 lính Mỹ, phá hủy 7 xe tăng và 5 khẩu pháo 105mm. Sau trận đánh, tất cả đều rút lui an toàn về căn cứ, còn địch kinh hồn bạt vía. Chúng cứ ngỡ đó là một đơn vị đặc công tinh nhuệ chứ không nghĩ trận đánh do trung đội nữ du kích thực hiện”.
Tuy nhiên, sau vài lần bị tiến công, chúng đã phát hiện và treo thưởng rất cao cho những ai lấy được đầu của các nữ chiến sĩ du kích Củ Chi. Song, trong lòng dân, các chị vẫn kiên cường bám trụ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Dù đã sử dụng các thiết bị, phương tiện quân sự hiện đại nhưng địch vẫn không lần ra manh mối của các nữ du kích.
Lập được nhiều chiến công xuất sắc, nhưng Trung đội Nữ du kích Củ Chi đã chịu không ít mất mát, hy sinh. Nhiều người nằm xuống khi còn rất trẻ, tuổi mới chỉ 18-20, thậm chí có những chị mới tròn 17 tuổi, chưa có gia đình, chưa một lần hò hẹn người yêu. Điển hình như Đội trưởng Nguyễn Thị Nê, hy sinh khi mới 22 tuổi.
Chị là người chỉ huy gan dạ, dũng cảm, thông minh, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu hơn 100 trận, cùng đồng đội diệt gần 500 tên địch, trong đó có 200 lính Mỹ; phá hủy 70 xe tăng, xe bọc thép, 5 khẩu pháo, bắn rơi 15 máy bay. Bản thân chị đã diệt 50 tên địch, trong đó có 15 lính Mỹ, phá hủy 4 xe tăng, 3 khẩu pháo, làm cho kẻ thù nhiều phen khiếp sợ. Chị đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1995...
Tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh, những cựu nữ du kích đã thành lập Ban liên lạc truyền thống Trung đội Nữ du kích Củ Chi. Hằng năm lấy ngày 10-11 là ngày giỗ chung những đồng chí đã hy sinh. Ngoài 24 liệt sĩ, những nữ du kích còn sống trở về địa phương ai cũng một, hai lần bị thương nặng. Họ luôn nỗ lực bươn chải, động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống đời thường.
Ban liên lạc Trung đội Nữ du kích Củ Chi đã huy động các nguồn lực cùng chung tay góp sức giúp đỡ đồng đội thoát nghèo, xây dựng quê hương. Đến nay, Ban liên lạc đã vận động xây tặng 6 nhà tình nghĩa, 10 nhà tình thương, một ngôi nhà mơ ước tặng các cựu nữ du kích bệnh tật, neo đơn, giúp họ ổn định cuộc sống./.