Vận tải xanh-Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại tăng trưởng xanh phát triển bền vững

Các chuyên gia nhận định, logistics xanh ngày càng được Chính phủ và các doanh nghiệp tập trung quan tâm, đầu tư một cách chuyên nghiệp. Tuy vậy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay vẫn hoạt động một cách manh mún và thiếu tính liên kết giữa các vùng. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các vùng miền tại Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ.

Nội dung trên được thảo luận tại Hội thảo “Vai trò của Vận tải xanh-Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại tăng trưởng xanh phát triển bền vững hướng tới Net-zero 2050” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phối hợp với Báo Giao thông, Hiệp hội Logistics Việt Nam VLA và các đơn vị đồng hành tổ chức vào chiều 15/10.

hoi-thao-lo-gis-tic-xanh-3-1729000495.jpg
Toàn cảnh Hội thảo “Vai trò của Vận tải xanh-Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại tăng trưởng xanh phát triển bền vững hướng tới Net-zero 2050”. (Ảnh: BTC)

Cơ hội đề xuất khung pháp lý, giải pháp phát triển bền vững ngành vận tải

Hội thảo nhằm góp phần cụ thể hóa “Mục tiêu Net-zero đến năm 2050”, trong lĩnh vực vận tải tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các đại biểu, các diễn giả, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, trao đổi, đề xuất khung pháp lý; giải pháp, định hướng cụ thể về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững trong ngành vận tải nói chung và lĩnh vực logistics Việt Nam nói riêng.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), logistics xanh được hiểu là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường; bao gồm: hoạt động dịch vụ vận chuyển, xử lý và lưu trữ nguyên vật liệu, kiểm soát hàng tồn kho, kho bãi, đóng gói và các quyết định vị trí phân bổ hàng hóa…

Việt Nam hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, được Cơ quan hàng hải Mỹ cấp phép. Việt Nam cũng xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, theo bảng xếp hạng Agility 2022.

hoi-thao-lo-gis-tic-xanh-1-1729000524.jpg
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT). (Ảnh: BTC)

Theo các đại biểu, logistics xanh ngày càng được Chính phủ và các doanh nghiệp tập trung quan tâm, đầu tư một cách chuyên nghiệp. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ngày càng được đầu tư xây dựng và mở rộng.

Đặc biệt, một loạt hệ thống đường cao tốc trọng điểm được xây dựng, cải tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển. Hệ thống cảng biển cũng được cải thiện, chú trọng đầu tư, cải tiến liên tục; tiếp cận những dịch vụ vận tải tiên tiến, hiện đại và thân thiện môi trường hơn.

Tuy vậy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay vẫn hoạt động một cách manh mún và thiếu tính liên kết giữa các vùng. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các vùng miền tại Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ.

Theo thống kê, ngành giao thông nội địa đang chiếm 50% lượng phát thải khí nhà kính. Do đó, hướng logistics xanh tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường là hướng đi bắt buộc.

Chuyển đổi xanh để hướng tới mục tiêu Netzero vào năm 2050 đã có lộ trình rõ ràng

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải cùng trao đổi xung quanh hai nội dung chính: Chuyển đổi xanh - cơ hội và thách thức đối với ngành logistics Việt Nam và nguồn lực, vai trò của các bên liên quan cũng như mô hình chuyển đổi ngành logistics Việt Nam.

TS. Lê Ngọc Cầu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã lộ trình rõ ràng về chuyển đổi xanh để hướng tới mục tiêu Netzero vào năm 2050.

Mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải. Đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

hoi-thao-lo-gis-tic-xanh-2-1729000560.jpg
Các chuyên gia, diễn giả, đại diện doanh nghiệp vận tải bàn về cơ hội, thách thức ngành logistics với chuyển đổi xanh. (Ảnh: BTC)

Theo TS. Lê Ngọc Cầu, ngành giao thông vận tải, logistics nói chung có tiềm năng cắt giảm khí nhà kính thông qua chuyển đổi nguồn nhiên liệu, năng lượng.

Ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển ASEAN – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, để thực hiện chương trình vận tải xanh, rất cần các yếu tố về thể chế, hạ tầng và con người. Tất cả các quy định của Nhà nước phải hỗ trợ việc phát triển xanh. Cần đầu tư về hạ tầng tài chính và công nghệ, năng lượng xanh và sạch.

"Chúng ta đang cần sự hỗ trợ về mặt tài chính các nguồn, trong đó Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có các chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp tái đầu tư sử dụng nguồn vốn rất lớn để đầu tư vào vận tải xanh", ông Bùi Văn Quỳ nói.

hoi-thao-lo-gis-tic-xanh-4-1729000484.jpg
Logistics xanh ngày càng được Chính phủ và các doanh nghiệp tập trung quan tâm, đầu tư một cách chuyên nghiệp. (Ảnh minh họa)

TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, thuận lợi của giao thông, vận tải xanh là chính quyền các thành phố và doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện, hệ thống hạ tầng liên quan nhằm đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện giao thông xanh vẫn gặp một số khó khăn trong việc thuyết phục để người dân chủ động chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng nói chung và phương tiện giao thông xanh.

Bên cạnh đó, thị trường hiện chưa tiếp cận được nhiều nguồn cung cấp để có sự cạnh tranh và có lựa chọn hấp dẫn hơn về giá để người dân lựa chọn.../.

Bình Nguyên