Và, may mắn đã mỉm cười với cha mẹ tôi: Sinh được con trai, sau 8 năm nên nghĩa vợ chồng. Thiết nghĩ, nếu không có lần đó, tôi mãi mãi là hạt bụi giữa vô cùng. Ngẫm lại, qua nhiều đời, gia đình tôi thuộc loại nông dân nghèo, trong một dòng họ công thần giàu truyền thống lịch sử hàng mấy trăm năm, nhưng cũng nghèo về kinh tế, trên một miền quê đồng khô cát bạc, khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Nơi đó, từ bao đời nay, mọi người dân quanh năm lam lũ mà vẫn bốn mùa đói nghèo, thiếu thốn...
Tôi cứ nghĩ, nếu không có cuộc Cách mạng Tháng Tám và đi liền sau đó không có mấy chục năm trường kỳ kháng chiến đầy ác liệt, hy sinh, gian khổ, rồi trong mấy chục năm đi theo con đường đã chọn, thì thân phận gia đình mình sẽ thế nào đây? ra sao đây? Tôi không đủ điều kiện kiến thức thực tiễn để lập luận dự đoán. Nhưng qua lời kể của cha mẹ và các bậc bề trên, với cái vốn khởi điểm đó, dù chế độ cũ tiếp tục tồn tại và có điều chỉnh đổi thay này nọ, thì thân phận gia đình tôi, tình cảnh làng quê tôi cũng không thể khác trước được - Nghĩa là, vẫn đói nghèo, lạc hậu!
Từ sau Cách mạng Tháng Tám, trải qua hy sinh mất mát vô cùng to lớn trong mấy chục năm chiến tranh; cộng với tác hại của cơ chế bao cấp dai dẳng; cùng những sai lầm, thiếu sót nghiêm trọng trong lãnh đạo quản lý ở các cấp, các ngành, các địa phương - đặc biệt là nạn tham nhũng, lãng phí và tệ quan liêu - làm cho Đất nước ngày càng tụt hậu hơn so với các nước trong khu vực; không thể phát triển tương xứng với tiềm năng, xu thế và triển vọng.
Đó là một thực tế không ai có thể biện minh, chối cãi! Có người nói, nếu như không đi theo con đường Cách mạng Tháng Tám, không kháng Pháp trường kỳ, không chống Mỹ quyết liệt với biết bao xương máu, mà đi theo con đường khác..., thì Đất nước ta sẽ giàu mạnh hơn bây giờ rất nhiều!
Tôi nghĩ rằng, trong phương pháp luận, khi so sánh, đừng bao giờ dùng chữ " nếu như "khi bình xét về lịch sử của một Dân tộc, cũng như đánh giá về số phận một con người! Vậy "nếu như" thuở trước, trong chiều dài lịch sử dựng nước & giữ nước, ông cha ta không phá Tống, chống Nguyên, đuổi Minh, bình Thanh, giành thắng lợi huy hoàng. Và, tiếp đó không nam chinh mở cõi thật vẻ vang, thì Đất nước ta ngày nay sẽ là thế nào nhỉ. Chắc chắn là, đã bị đồng hóa và chỉ là một tỉnh, một quận của ngoại bang mà thôi!
Giành Độc lập cho Dân tộc là chân lý vĩnh hằng, là khát vọng cháy bỏng của mọi dân tộc cũng như mọi người dân bị thuộc địa áp bức. Lịch sử hàng ngàn năm của Dân tộc ta và của cả thế giới đã minh chứng điều đó! Với Dân tộc ta, kháng Pháp, chống Mỹ là điều bất khả kháng, là tất yếu khách quan, là con đường độc đạo máu lửa phải đi qua để giành lại Độc lập và Thống nhất cho Tổ quốc.
Chúng ta cũng biết, Bác Hồ vĩ đại đã có nhiều lần, bằng việc này việc khác, nhằm cố tránh cuộc chiến. Nhưng kẻ thù không chấp nhận, buộc dân tộc chúng ta, dẫu không hề muốn, cũng phải vùng lên cầm súng, bất chấp sự hy sinh to lớn.
Sai lầm trong lãnh đạo quản lý như thế nào, nguyên nhân từ đâu, tác hại to lớn ra sao, thì cũng đã chân nhận mổ xẻ từ hơn 30 năm trước, để rồi đi vào công cuộc Đổi Mới. Có người nói, Đổi Mới chẳng qua là đi trái với qui luật vốn có của tự nhiên - mà nay do tình thế khách quan, chủ quan, buộc phải đi lại cho đúng! Tôi cho rằng, nói thế cũng chẳng sai! Qui luật chung là: Hợp lý thì tồn tại. Không hợp lý thì cuộc sống không chấp nhận, do đó bị đào thải!
Trước mắt, tôi thiết nghĩ: Quyết liệt, triệt để và thiết thực, hiệu quả trong chống tham nhũng, quan liêu; Kỷ cương phép nước nghiêm minh; Phát huy dân chủ; Khơi dậy khả năng tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế xã hội của mọi người dân,... thì chắc chắn Đất nước ta sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và đàng hoàng hơn. Nhân đây, tôi xin được nói thêm điều này, có tính chất kiềm nghiệm, so sánh mà thôi. Cụ thể là:
Khi đương chức, tôi có một số ít lần ra nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia, Singape, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…) theo chế độ công vụ, nên không có điều kiện quan sát kỹ về đời sống của người dân nơi đó. Sau khi nghỉ hưu, năm 2015 và năm 2016, tôi được bạn bè mời sang tham quan, du lịch một số nước ( Anh, Pháp, Ý, Đức, Nga ). Thời gian không dài, cũng chỉ là dạng cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng cái may lần này là tôi có điều kiện quan sát, trực tiếp tiếp xúc.
Khi ở Pháp, tôi đã ở khách sạn loại bình dân ở Paris; đã tham quan một số di tích, danh lam thắng cảnh và đi dạo ban đêm ở sông Seien, tháp Truyền hình Eiffel… Khi ở Đức, tôi đã đến xem di chứng Bức tường Berlin, xem Nhà Quốc hội Đức...
Khi ở Anh, tôi đã nghỉ lại Luân Đôn dạo chơi trên bờ sông Thames, dọc nhiều con phố. Và cũng đã có mấy ngày, với vốn tiếng Anh rất ít ỏi, khi nói phải minh họa bằng tay, trong túi có vài trăm đồng Bảng Anh, một mình tôi lang thang đi chơi qua các khu phố lớn, tiếp đến những đường ngang ngõ tắt trong thành phố Manchester, không gặp bất cứ người Việt nào. Đi bộ mỏi chân, tôi nhảy lên tàu điện hoặc tắc xi. Trong những ngày lưu lại thành phố Manchester, tôi cũng đã đi ra vùng ngoại ô chơi.
Tôi đã đến tham quan du lịch thành phố Venie ngập trong nước biển của Ý. Giữa một buổi đêm trời tối đen như mực, ngồi trên chiếc thủy Tắc xi chạy qua biển vào kênh rạch, muỗi nhiều vô kể - giống như vùng sông nước ở Đồng Tháp Mười Nam Bộ - để vào các khu phố cổ (cũ) đang ngâm mình trong nước. Và ngày hôm sau, khi thì đi bộ, khi thì đi thuyền, chúng tôi lang thang qua từng khu phố nhỏ...
Thời gian tham quan du lịch và lưu trú ở mấy nước ấy không nhiều. Trước khi lên đường, có người nói với tôi, ông sang đó tranh thủ xem thử “Tư bản nó đang giẫy chết thế nào nhé". Tôi chẳng nghĩ thế! Trong đầu tôi hình dung ngược lại. Tôi coi đây là dịp có điều kiện chứng kiến cảnh sống sung sướng, đầy đủ của người dân các nước nhóm G 7. Và quả thật tôi khá bất ngờ! Phải khẳng định rằng, họ giàu có, hiện đại hơn nước ta về mọi phương diện là điều hiện hữu, không thể chối cãi.
Tuy nhiên, bên cạnh những tòa nhà đồ sộ, hiện đại với nhiều kiểu dáng đẹp đẽ, cao vút chọc trời xanh, thì vẫn còn nhiều nhà ở của người dân lao động cũng vầy vậy như vẫn thấy trên nhiều thành phố của Việt Nam ta. Một số phố xá mà tôi đã đi qua, tình trạng ăn xin, móc túi, lừa đảo, say rượu nằm bê bết, vạ vật trên các mặt đường, trên các vỉa hè, trên các ga tàu xe, ga tầu điện ngầm là không hiếm. Còn nhiều con phố chật hẹp và không sạch.
Có người nói, do nạn nhập cư ồ ạt từ các nước Đông Âu sang mới nên thế. Tôi chẳng biết có đúng vậy không! Và tôi có suy nghĩ: Với mấy nước phát triển thuộc nhóm G 7 tôi đã ghé qua: Đều có trình độ khoa học công nghệ rất cao; Đã hơn 70 năm không hề chiến tranh; Lại cũng không bị cơ chế hành chính quan liêu bao cấp ( như đã diễn ra ở nước ta ) trói buộc. Ấy vậy mà, đời sống của những người dân tôi đã tiếp xúc cũng chưa giàu có như tôi từng nghĩ.
Tóm lại, cuộc Cách mạng này dù có thời điểm vấp váp sai lầm - nó như các trận bão - gây hậu quả to lớn và là điều không ai mong muốn. Nhưng xét về đại cục, Cách mạng đã đem lại Độc lập, Thống nhất cho Tổ quốc, Tự do và từng bước đem lại từng phần Hạnh phúc cho nhân dân - Trong đó có gia đình tôi. Đó là một thực tế khách quan, dù với cách nhìn nào, cũng không thể chối cãi, không thể phủ nhận! Đôi điều mộc mạc lan man giải bày tâm sự. Suy nghĩ của tôi có thể không trùng khớp với suy nghĩ của ai đó, ở đâu đó, với góc nhìn nào đó - Âu đó cũng là lẽ bình thường, dễ hiểu. Muôn đời nay, đa dạng là thuộc tính của mọi xã hội./.