Mục tiêu của chương trình là nhằm: Tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; Tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của thành phố, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ yếu là: sản xuất linh kiện phụ tùng (công nghiệp hỗ trợ sản xuất, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và đồ uống), công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày).
Đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long; Đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố thông qua việc nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; Ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; đồng thời thu hút đầu tư các thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố. Trong đó có trên 50% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đến hết năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố.
Để đạt được mục tiêu kể trên, Cần Thơ đưa ra các nhóm giải pháp, gồm:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi, và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Thứ hai, rà soát, bổ sung và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế khuyến khích hấp dẫn hơn cho đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (nhất là các doanh nghiệp có năng lực vốn lớn để đầu tư công nghiệp hỗ trợ và có mạng lưới sản xuất toàn cầu).
Thứ ba, hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.
Thứ tư, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng cho phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Thứ sáu, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, phát triển gắn với bảo vệ thị trường. Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.
riển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển tham gia hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; tích cực tháo gỡ các rào cản, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh; phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại.
Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển.
Thứ bảy, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thẩm định dự án, cấp giấy phép đầu tư, thỏa thuận địa điểm cấp đất, cấp giấy phép xây dựng một cách nhanh chóng. Tổ chức thực hiện nghiêm quy chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã theo đúng nội dung quyết định được công bố; thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, thực thi các thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các nội dung theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thực hiện các giải pháp trong đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố.