Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Nhật Bản

Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng chung, nhưng thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,4%; nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 22,6 tỷ USD, tăng 11,3%.

Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm từ nước ngoài, bao gồm cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020. Mặc dù mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này là hàng thủy sản có mức giảm 7,4%, các mặt hàng còn lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt như: Cà phê tăng 25,5%, hàng rau quả tăng 20%, hạt điều tăng 39%, hạt tiêu tăng 56%. Một số mặt hàng trái cây Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường, như thanh long, xoài, dừa, vải.

1-1649318718.jpg
Nhật Bản là thị trường rất nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản, thực phẩm đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đến nay, một số sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản, có thể kể đến các sản phẩm nước dừa, sữa dừa đã được công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi các cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và các tỉnh lân cận; hay như sản phẩm cà phê Việt Nam đã được nhập khẩu và bán tại chuỗi siêu thị OK (chuỗi siêu thị bình dân rất được ưa chuộng tại Tokyo). 

Cùng với đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng, người dân Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng cao được nhập khẩu từ nước ngoài. Các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng xuất hiện phổ biến với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản, như: AEON, Donkihote, Itoyokado.

Đồng thời, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này. Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì vậy, giữa 2 nước có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác giao thương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông sản, thực phẩm. 

Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm với thị trường Nhật Bản với những quy định, chính sách liên quan, yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu, ngày 8/4/2022, Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội.

Tại phiên tư vấn, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ giới thiệu tổng quan thị trường hàng các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm của Nhật Bản; vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Nhật Bản.

Tiếp đó, ông Vũ Hoàng Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản sẽ chia sẻ về nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản và một số lưu ý khi xuất khẩu hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến sang thị trường Nhật.

Được biết, hiện nay tại Nhật Bản, số lượng người dân đến từ các nước Châu Á đang sinh sống và làm việc lên tới 10 triệu người, đồng thời số lượng người Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua, với số liệu thống kê khoảng gần 500.000 người trong năm 2021. Do vậy hàng nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật, cộng đồng người Việt và người dân các nước Châu Á khác đón nhận, lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản. Đây là những tiền đề cho thấy hàng nông thủy sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hơn nữa sang Nhật Bản trong thời gian tới.

Đạm Quang Lê