Hơn 88,5 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển sản xuất

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Trà Vinh thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tổng kinh phí hơn 88,5 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 87 tỷ đồng, số tiền còn lại địa phương đối ứng.

Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh sẽ được tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh, như được hỗ trợ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hỗ trợ lãi suất vay vốn…

Cụ thể, doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển đổi phương thức quản lý, điều hành từ phương pháp truyền thống sang phương thức ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong quản lý, quy trình sản xuất một cách toàn diện. Trong đó, tỉnh hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về các quy trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh (không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa)

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả các quy trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh (không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa)...

thumb-660-ad487b67-0df5-4b01-8c75-86df634b2579-1638335219.jpg
Ảnh minh họa.

Cùng với đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận mạng lưới tư vấn viên để được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với mức hỗ trợ từ 30-100% giá trị hợp đồng tư vấn (tối đa từ 50-200 triệu/năm tùy từng đối tượng cụ thể).

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hỗ trợ từ 20-50 triệu/năm trong thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước; tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; chi phí cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật…

Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành lập doanh nghiệp. Hộ kinh doanh chuyển đổi được tư vấn, hướng dẫn miễn phí hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu; miễn lệ phí môn bài 3 năm. Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp trong tỉnh. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm phát triển mới tối thiểu 500 doanh nghiệp; khoảng 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ đào tạo trực tiếp trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, chế biến; 720 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, dự án khởi nghiệp tham gia vào các khóa đào tạo khởi nghiệp tại Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh; từ 100 - 160 doanh nghiệp được huấn luyện học viên khởi nghiệp; trong đó, có từ 10 -16 doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Đến năm 2025 trên, địa bàn tỉnh có ít nhất 5 doanh nghiệp thành lập mới tham gia chuyển đổi công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 3.251 doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 98%. Do đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên thời gian qua các doanh nghiệp trong tỉnh còn nhiều hạn chế về năng lực hoạt động, khả năng tài chính, tiếp cận thông tin thị trường, khả năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay…/.