Phát triển chuỗi liên kết trong tái cơ cấu nông nghiệp ở Sóc Trăng

Qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng tại Sóc Trăng có sự chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, người sản xuất biết nắm bắt thị trường, tổ chức theo quy mô lớn và liên kết trong tiêu thụ nông sản, tuân thủ hợp đồng để phát triển lâu dài.
87360dd0c3942fa3ddc94b376b6840e3-1637396752.jpg
Thu hoạch lúa thơm ST trên cánh đồng lớn ở Sóc Trăng.

Chuyển đổi cơ cấu, mô hình sản xuất

Sản xuất nông nghiệp là tập quán lâu đời của người dân Sóc Trăng; trong đó, chủ đạo là cây lúa và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản. Mới đây, cây ăn trái được phát triển để phục vụ nhu cầu chế biến, xuất khẩu, giúp người sản xuất có được sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, tiêu thụ hàng hóa dễ dàng và thu nhập cao hơn.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, địa phương đang triển khai hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh; sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

 Nhiều địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản phù hợp với đặc điểm thực tế, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, nhất là gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tỉnh triển khai hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

 Sóc Trăng triển khai song song nhiều chính sách bổ trợ để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi chủ lực như: đẩy mạnh phát triển công nghệ số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt công nghệ sinh học trong sản xuất.

 Việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng nhanh, hiệu quả nguồn giống tốt, chất lượng cao, sạch bệnh vào sản xuất cũng đang được triển khai. Tỉnh chủ trương tăng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cho các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao phù hợp thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng đó, tỉnh tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình sản xuất sạch áp dụng biện pháp kiểm soát chất lượng theo quy trình GAP (VietGAP, GlobalGAP), hữu cơ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường và phát triển bền vững.

Hiện nay, Sóc Trăng tập trung triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Chiến lược phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện có hiệu quả kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

 Ngành nông nghiệp phát triển đa dạng hình thức liên kết sản xuất (nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp trong và ngoài địa phương); chú trọng hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; khuyến khích liên doanh liên kết các trang trại, thành lập hợp tác xã nông sản để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động; phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ; Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh.

Phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp

Là một trong những đơn vị tích cực trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thị xã Ngã Năm đã đạt được những thành tựu đáng kể. Ông Trần Việt Thái, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và một trong ba nhiệm vụ trọng tâm là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp toàn diện.

 Theo đó, thị xã định hướng sản xuất nông nghiệp phải bám sát xu thế thị trường, gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường; không độc canh cây lúa mà phát triển các loại nông sản có tiềm năng, lợi thế khác như: cá đồng, mãng cầu gai, chăn nuôi heo...

Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất phát triển nông nghiệp, lưu thông hàng hóa; sớm hình thành liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững; nhất là xây dựng mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị từ sản xuất tới lưu thông hàng hóa.

 Đặc biệt, liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất - thu hoạch - sơ chế - chế biến sản phẩm từ nông sản gắn với thực hiện Chương trình OCOP "Mỗi xã một sản phẩm"; từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn, tổ chức liên kết, tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị.  Đến nay, thị xã đã có sản phẩm chủ đạo cung ứng theo yêu cầu thị trường như: lúa ST, nấm rơm, cây mãng cầu gai... và đều có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với hợp tác xã, tổ hợp tác để người sản xuất yên tâm phát triển lâu dài.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, tỉnh đã có 243 cánh đồng lớn với diện tích gần 53.000 ha và có 1.226 ha diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ với hơn 330 ha diện tích lúa được cấp chứng nhận VietGAP... đều được liên kết tiêu thụ. Tỉnh đã hỗ trợ nhiều nhà vườn tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng trồng được cấp mã code với diện tích hơn 420 ha/420 hộ; hỗ trợ liên kết xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ đối với các sản phẩm đã được xây dựng chuỗi liên kết như: vú sữa, xoài, bưởi, nhãn...

 Với lĩnh vực thủy sản - ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh áp dụng nhiều biện pháp mở rộng diện tích nuôi trồng. Đến nay, diện tích thả nuôi của tỉnh đạt 76.270 ha. Để nuôi trồng thủy sản đạt năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ hộ nuôi thực hiện nhiều mô hình như: nuôi tôm lót bạt 2 giai đoạn; nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, cá chẽm...

 Ngoài ra, tỉnh khuyến cáo hộ nuôi áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP với diện tích hơn 1.188 ha. Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ 7 địa phương trong tỉnh ra mắt cửa hàng an toàn vệ sinh thực phẩm, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; liên kết tiêu thụ hàng hóa cho người sản xuất chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả.

Là một trong những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đi đầu của tỉnh Sóc Trăng, Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta đã liên kết tiêu thụ với những người nuôi tôm Sóc Trăng để thu mua nguyên liệu, cung ứng cho nhà máy chế biến, đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng quốc tế như: Mỹ, châu Âu,…

 Đây cũng là một trong những hoạt động giúp kết nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Khi nhà máy cần nguyên liệu cho chế biến, người sản xuất tôm theo hợp đồng sẽ cung ứng đủ. Ngược lại, người nuôi tôm cũng yên tâm sản xuất lâu dài - đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta chia sẻ./.