Đồng Tháp: Phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2025

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
lang-hoa-sa-dec-6-1661416305.jpeg
Tỉnh phấn đấu đưa diện tích gieo trồng hoa kiểng tập trung đạt trên 3.500 ha vào năm 2025.

Theo đề án, định hướng chung nhằm tối đa hóa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh; tổ chức sản xuất nông nghiệp trên cơ sở cơ cấu lại ngành, lao động, quy hoạch đồng bộ với kết cấu hạ tầng hiện đại; gắn sản xuất với tiêu thụ, phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng. Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, phát triển bền vững.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, duy trì tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản bình quân 3,5%/năm; hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất và quản lý. Đến năm 2030, tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản từ 3,5 - 3,8%/năm; giá trị sản xuất 1ha đất trồng trọt đạt hơn 183 triệu đồng, giá trị sản xuất 1ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 3,2 tỷ đồng…

Tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực (lúa, cá tra, hoa kiểng, xoài) và các ngành hàng có tiềm năng (sen, nhãn, quýt hồng, chăn nuôi vịt, heo, bò...), hình thành các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.

Với mặt hàng cá tra, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại, phát triển vùng nuôi cá tra sạch, bền vững gắn với quy trình, quy chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Phấn đấu phát triển diện tích nuôi cá tra đến năm 2025 trên 2.450 ha, với sản lượng trên 555.000 tấn, chiếm 17,2% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thủy sản (tăng 0,38% so với năm 2020).

Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 9807 triệu USD; 100% cơ sở nuôi cá tra trong quy hoạch được cấp mã số nhận diện theo quy định hiện hành; 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP và 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Phát triển ngành hàng sen hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bền vững. Đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích năm 2025 khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt trên 1.148 tấn.

Phát triển thêm ít nhất 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh; trong đó có ít nhất 01 sản phẩm chiết xuất từ sen. Nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP; xây dựng các sản phẩm từ sen phục vụ phát triển du lịch và Lễ hội Sen. Thực hiện cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các vùng sen nguyên liệu và các sản phẩm chế biến.

dong-sen-thap-muoi03-1661416305.jpeg
Đồng Tháp sẽ phát triển thêm ít nhất 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh.

Phát triển ngành hoa kiểng trở thành ngành hàng chiến lược cấp tỉnh của Đồng Tháp theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao thông qua tăng hiệu quả sản xuất, tăng cường liên kết giữa các hình thức kinh tế hợp tác nông hộ với doanh nghiệp. Diện tích gieo trồng hoa kiểng tập trung đạt trên 3.500 ha vào năm 2025, trong đó, thành phố Sa Đéc đạt trên 850 ha; huyện Lai Vung đạt trên 1.732 ha.

Phát triển ngành hàng xoài thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao thông qua tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn kỹ thuật bền vững tại vùng chuyên canh. Đến năm 2025, diện tích trên 11.000 ha các vùng trồng và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói xoài xuất khẩu đều được cấp mã số, chiếm 100%, diện tích đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng theo quy định.

Phát triển ngành hàng gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao và theo nhu cầu thị trường. Phấn đấu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất nhưng vẫn đảm bảo đến năm 2025 diện tích gieo trồng lúa toàn Tỉnh tối thiểu là 470.940 ha, sản lượng đạt trên 3 triệu tấn3; Phấn đấu diện tích sản xuất lúa hữu cơ đến năm 2025 đạt trên 600 ha; Phấn đấu đến năm 2025, có trên 42.000 ha lúa được cấp mã số vùng trồng.

Qua đó, về xây dựng NTM phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có 90% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 30% xã NTM đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã NTM nâng cao đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; có 98% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch. Đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2025 tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản bình quân 3,5%/năm.

Tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm dưới 40% trong tổng số lao động xã hội; thu nhập người dân nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2020 (tương đương 75,2 triệu đồng/năm). Phấn đấu thành lập mới 35 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Riêng vấn đề giảm nghèo, quyết tâm giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo là 1%/năm và đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025).