Nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn - Xu thế bền vững và tất yếu
Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp Hà Tĩnh nói riêng đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức. Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, qua đó tái cơ cấu ngành, thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm giúp nông dân đạt doanh thu gấp nhiều lần.
Tại Hà Tĩnh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong những năm gần đây đã bắt đầu được nhiều nông dân, doanh nghiệp, HTX quan tâm, đưa vào áp dụng trong thực tiễn, tạo ra thay đổi trong tư duy, chuyển biến trong phát triển sản xuất. Theo số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có gần 100 ha cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ còn hiệu lực. Trong đó, cây lúa 11 ha; rau các loại 4,3ha; cam 38,5 ha; bưởi 6,7 ha; vườn cây ăn quả hỗn hợp 29,3 ha; cây hồng 3,72 ha;…
Hiện nay, nhiều địa phương như huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh,... cũng đang tập trung phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ với gần 300 ha cây trồng các loại.
Các mô hình nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ cho thấy những hiệu quả rõ rệt so với phương thức sản xuất truyền thống. Đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước phục hồi hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ môi trường, dần hình thành tư duy sản xuất an toàn, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Qua thực tiễn, nông nghiệp hữu cơ không sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân hóa học, chất kích thích tăng trưởng, sản phẩm đột biến gen/biến đổi gen. Nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất cũng phải là hữu cơ như: phân chuồng đã ủ hoai, phân vi sinh phân xanh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong quá trình canh tác…
Nhờ đó, góp phần phục hồi và cải thiện sức khỏe của đất, giảm phát thải và tác động của hóa chất độc hại, đảm bảo sức khỏe cho con người, bảo vệ môi trường. So với sản xuất truyền thống, việc canh tác theo những quy trình nghiêm ngặt đã tạo ra những sản phẩm sạch, có chất lượng cao, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Hà Tĩnh như lúa, cam, bưởi,...
Tại Hà Tĩnh, mô hình sản xuất dưa lưới nhà màng đã khẳng định hiệu quả kinh tế, phù hợp xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Giữa năm 2021, vợ chồng anh Trần Đình Quang (xã Bình An, huyện Lộc Hà) đã đầu tư xây dựng mô hình dưa lưới trong nhà màng với diện tích 3000 m2, trồng 6 nghìn gốc dưa. Mô hình dưa lưới nhà màng tưới bằng công nghệ Israel với vốn đầ tư gần 1 tỷ đồng. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế trên vùng đất khô cằn ở thôn Bình Nguyên. Đây là địa phương ven biển thuộc huyện Lộc Hà với điều kiện khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chất đất pha cát, nghèo dinh dưỡng, những nơi thấp được trồng lúa nước, nơi cao cưỡng thì trồng lạc là chủ yếu, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp, chỉ đủ đảm bảo vấn đề cung cấp lương thực cho gia đình, còn để làm giàu rất khó.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ổn định về mặt đầu ra anh Quang đã tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Với 6000 gốc dưa lưới hoàng kim, sản lượng đạt gần 10 tấn, giá bán từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, ước tính doanh thu 500 triệu đồng/vụ. Sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, cho lãi khoảng 250 triệu đồng/vụ.
Ông Đậu Ngọc Tý - Phó chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: Đây là mô hình nông nghiệp đầu tiên trên địa bàn xã ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Đó cũng là cơ hội giúp nông dân, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, đây là mô hình đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí lớn.
Vì vậy, người dân cũng như chính quyền địa phương mong muốn có sự hỗ trợ thêm về nguồn vốn, sự đồng hành của các cấp, ngành trong việc tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nâng tầm sản phẩm để tạo động lực cho hộ gia đình và những người có nguyện vọng phát triển kinh tế bằng nông nghiệp sạch đầu tư nhân rộng mô hình.
Thực tế cho thấy người dân ngày càng gần gũi với các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ mới. Hệ thống nhà lưới có ưu điểm vượt trội, giúp tránh được các yếu tố tiêu cực của thời tiết như: Mưa, sương muối và ngăn côn trùng, sâu bệnh xâm nhập. Người dân luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Đáng nói, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel còn đảm nhận nhiệm vụ cung cấp dưỡng chất và một số vi chất khác tới rễ cây, bằng cách hoà tan phân bón vào bể nước vừa không bị lãng phí nguồn nước, giảm công sức cho người lao động.
Bên cạnh đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao thì sản xuất theo hướng tuần hoàn cũng được người dân ngày càng chú trọng. Năm 2017, anh Trần Danh Giáp (thôn Đông Lý Nam, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bắt đầu đầu tư phát triển trang trại. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm và thiếu vốn nên chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ. Sau khi tìm hiểu qua các kênh thông tin, anh quyết tâm đa dạng hóa loại hình chăn nuôi, phát triển theo hướng trang trại tổng hợp khép kín. Đến nay, trang trại đã đi vào ổn định và có hiệu quả, đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Trước đó, biết được giống bò lai là đối tượng nuôi có lãi cao, lại nhẹ công chăm sóc nên anh Giáp đã lựa chọn nuôi. Từ 5 con bò nái Zebu sinh sản ban đầu, đến nay tổng đàn bò của gia đình anh đã có 16 con, trong đó có 9 con cái sinh sản, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng từ bán con giống.
Để có nguồn thức ăn ổn định cho bò mà không tốn kém, anh đã tận dụng hơn 2.000m2 đất xung quanh các ao để trồng cỏ VA06, vừa che mát cho ao, vừa làm thức ăn cho bò. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được anh thu gom, ủ men vi sinh trong 2 đến 3 ngày, sau đó dùng để nuôi giun quế làm thức ăn cho cá, ốc, ếch. Phân hữu cơ sinh học thải ra từ giun quế được dùng để bón cỏ, cây ăn quả. Nguồn cỏ sau đó lại làm thức ăn cho bò.
Chăn nuôi theo hình thức hữu cơ tuần hoàn này giúp anh tận dụng tối đa chất thải, không tốn nhiều chi phí mua thức ăn, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất vừa góp phần bảo vệ môi trường. Do vậy khi giá cả thị trường biến động, trang trại của gia đình anh Giáp vẫn không bị ảnh hưởng nhiều...
Theo ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, do nằm trong vùng khí hậu rất khắc nghiệt và tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng cực đoan của thời tiết ở Hà Tĩnh đã diễn ra thường xuyên. Số ngày nắng nóng, số ngày mưa tăng lên; tần suất bão hoạt động mạnh gây ra nhiều tổn thất đến sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ: “Việc áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu không chỉ diễn ra ở Hà Tĩnh mà còn trên cả nước. Đó cũng là cơ hội giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp cất cánh
Nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã chủ động lồng ghép các chính sách, chương trình để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Để tiếp thêm động lực, tạo sức lan tỏa phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030". Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ của toàn tỉnh đạt khoảng 2,0 - 2,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 2,0% tổng diện tích trồng trọt với các cây trồng chủ lực lúa, rau các loại, cây ăn quả,... quy mô 2.500 ha.
Đề án đưa ra các nhóm nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: lựa chọn vùng, đối tượng để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị làm nơi tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân ra diện rộng; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hình thành hệ thống cung ứng vật tư đầu vào và dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng hệ thống kiểm soát chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ trong ngành Nông nghiệp đang đứng trước cơ hội rất lớn để triển khai rộng rãi trên các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đến thuỷ sản. Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân tại Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm.
Được biết, nhờ tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, những năm gần đây, nông nghiệp Hà Tĩnh vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những kết quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 50 triệu đồng/ha (năm 2013) lên trên 100 triệu đồng/ha (năm 2023). Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hàng nghìn mô hình ứng dụng công nghệ, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, chế biến mang lại hiệu quả giúp nông dân đạt doanh thu gấp nhiều lần.
Trong chiến lược phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1,1 tỷ USD. Theo đó, tập trung chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và canh tác thông minh trên các sản phẩm chính hiện có, tích hợp với ngành chế biến nông sản được Hà Tĩnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, chia sẻ thêm: “Thời gian qua, chính quyền, các ngành chuyên môn ở Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số nhằm bắt kịp xu thế. Mặt khác, khuyến khích những mô hình sản xuất giảm tác động đến môi trường, hướng mục tiêu khai thác giá trị bền vững”.
Khi có hướng đi đúng, nông dân ngày càng tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập cao: thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm (có 1.069 mô hình), thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng (có 5.889 mô hình), thu nhập từ 100 đến dưới 500 triệu đồng (có 86.256 mô hình).
Để tiếp tục hỗ trợ nông dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 194/KH- UBND, ngày 8/6/2021 về việc triển khai đổi mới hình thức kinh doanh tiêu thụ nông sản. Theo đó, hỗ trợ nông dân hình thành và phát triển các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc. Khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ nông sản khó khăn.
Các hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, các kỹ năng khác, nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng bán hàng, thanh toán trực tuyến trên nền tảng số. Trên nền tảng công nghệ chuyển đổi số, nhiều cơ hội sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được mở ra.
Được biết, thực hiện chuyển đổi số, đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh đã cập nhật thông tin, dữ liệu của hơn 19.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó cập nhật lên phần mềm quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc được gần 500 cơ sở. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đặt ra mục tiêu cụ thể, phấn đấu có trên 100 sản phẩm nông nghiệp vào hệ thống siêu thị và 5 - 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu vào năm 2025; nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế./.