Từ truyền thuyết, đến lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong ở Quảng Bình

Lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong là một lễ hội văn hoá độc đáo và tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; lễ hội đang được giữ gìn và bảo tồn cho đến ngày nay.

 

Lễ hội đã đi sâu vào đời sống văn hoá của đồng bào Ma Coong và có ảnh hưởng lớn đến các cư dân thuộc các nhóm tộc người khác trong vùng, từ lâu lễ hội Đập trống đã trở thành lễ hội văn hoá của các tộc người sống chung trên địa bàn. Lễ hội góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam.

Lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong là lễ hội cầu mùa, cầu may, cầu sức khoẻ, không ốm đau, bệnh tật, tai hoạ; cầu ma Mót, ma rừng, ma núi, Giàng phù hộ cho dân bản. Lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong thể thiện tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, thể hiện sự cầu mong sự hài hoà âm dương trong cuộc sống.

dsc00280-1662426913.JPG
Lễ hội đã đi sâu vào đời sống văn hoá của đồng bào Ma Coong.

Từ truyền thuyết...

Theo các già làng, trước kia, người Ma Coong sinh sống ở đất Lào, vì giặc dã, một nhóm người đã vượt suối, băng rừng về hướng mặt trời mọc và họ lưu lạc đến một vùng đất còn rất hoang sơ. Tại vùng đất này có sông suối, núi non bao bọc, họ quyết định dừng chân ở mãnh đất này sinh cơ, lập nghiệp. Theo thời gian, dân cư ngày một đông đúc, một bản nhỏ ven sông Cà Roòng được hình thành mang tên Vin Rra -klọoc (theo tiếng Ma Coong nghĩa là "bản Thuồng Luồng"). Tên bản bắt nguồn từ truyền thuyết của người Ma Coong về cuộc chiến giữa con người với một loại vật lạ trong buổi đầu định cư. Theo truyền thuyết, xưa kia, cứ đến mùa mưa nước sông Cà Roòng dâng lên làm ngập lụt cả một vùng rộng lớn, trực tiếp đe doạ đến cuộc sống của con người. Dưới sông có một loài vật mình dài hung dữ, không giống cá mà cũng chẳng giống rắn, thường vẫy vùng ở những vực nước sâu, dân Bản gọi loài vật đó là Rra -klọoc (thuồng luồng). Họ cho rằng bản làng hằng năm bị ngập lụt là do loài vật này gây nên. Để diệt trừ loài vật này, người Ma Coong dùng cây thuốc cá, giã nát ném xuống sông. Rra - klọoc cay mắt tìm đường trốn chạy. Từ đó về sau, không thấy loài vật này xuất hiện nữa (hiện nay ở Cà Roòng có một lòng khe cạn, dòng nước trong veo đổ về sông Cà Roòng, người ta nói rằng đó là đường trốn chạy của lũ thuồng luồng xưa kia tạo thành).

Hiện nay, ở bản Cà Roòng 1 có cây cổ thụ rất lớn, cành lá xum xêu rợp bóng cả một vùng, gốc cây to 4 người ôm không xuể. Đến mùa xuân cây đâm chồi ra hoa, từng đài hoa đỏ ối tung ra như những đốm lửa nhỏ. Về cây cổ thụ này, đồng bào kể lại truyền thuyết: Xưa kia, khi trốn chạy khỏi vùng đất của mình ở bên Lào, người Ma Coong mang theo chiếc gậy thiêng của tộc người mình. Đến nơi ở mới họ dựng nhà, chiếc gậy thiêng được dựng cạnh cầu thang và rồi lâu ngày chiếc gậy thiêng này đâm chồi, mọc rể thành cây. Thấy lạ, người Ma Coong bảo vệ và coi cây này là một cây thiêng.

Trước đây, với lối sống du canh, du cư, nay đây mai đó; và hiện nay, dù sống ở khắp mọi nơi nhưng người Ma Coong luôn xem bản Cà Ròong là cội nguồn của tộc người mình ở trên đất Việt. Hằng năm, họ trở về vùng đất thiêng để được sống trong không khí lễ hội đập trống của người Ma Coong.

anh-2-1-1662426958.jpg
Nhiều thanh niên người Ma Coong hăng hái đập trống trong Lễ hội, cầu mong năm mới bình an và may mắn.

Cũng theo truyền thuyết, ngày xưa vùng đất người Ma Coong sinh sống luôn bị lũ khỉ hoành hành. Mặc dù, người Ma Coong làm lụng vất vả để làm ra hạt lúa, củ khoai nhưng khi lúa chín thì lại bị lũ khỉ lại lấy trống ra đánh và theo tiếng trống, lúa cứ về nhà của họ nhà khỉ. Người Ma Coong rất lo lắng, ban đầu họ đã tìm hết mọi cách nhưng không sao ngăn chặn được. Nhưng rồi họ đã tìm cách lấy được cái trống của  họ nhà khỉ và tổ chức đánh trống vào mùa xuân. Khi trống được đánh lên thì thật kỳ diệu, không còn thấy bóng dáng lũ khỉ nữa, nên từ đó năm nào cũng được mùa, đời sống bà con nhờ vậy mà ngày càng sung túc. Để tưởng nhớ công lao của tổ tiên và để cầu cho trong năm được mưa thuận gió hoà, hàng năm, vào ngày 16 tháng Giêng (Âm lịch), người Ma Coong đều tổ chức cúng tế, và sau này đã trở thành lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong.

Lễ hội là cơ hội để trai gái các bản có dịp để gặp nhau... Người Ma Coong quan niệm rằng, nếu năm nào đập được trống vỡ thì năm đó sẽ được mùa to, (trống vỡ nhưng không được lấy cây nhọn đâm cho thủng mà phải lấy những thân mây làm dùi trống để đập).

...Đến lễ hội độc đáo

Ngày trước, chưa có lịch như bây giờ, người Ma Coong dùng một đoạn dây mềm để thắt nút, một nút tưọng trưng cho một ngày, một tháng có 30 nút, đồng thời nhìn trăng để điều chỉnh lịch cho khớp với các ngày trong tháng, cách tính lịch tổ chức lễ hội do người đứng đầu ban chủ lễ đảm trách.

Trước khi lễ hội được tổ chức, dưới sự điều hành của chủ đất, các già làng thông báo đến từng thành viên của cộng đồng về mức đóng góp vật chất. Từ tháng 4 Âm lịch, sau vụ lúa xuân, đồng bào bắt đầu đóng góp gạo nếp. Thường mỗi bản góp một con gà, 60 lon gạo nếp (loại nếp đen đặc sản của địa phương) để làm rưọu hiêng (tinh rượu nếp), rượu cần... Các bản làng đều phải chuẩn bị đầy đủ và dâng đồ lễ tế như gạo nếp, gà trống, đọt cây mây, cây đoác, rượu hiêng và phải chuẩn bị một thứ rất quan trọng, một thứ không thể thiếu đó là trống.

Trống được làm từ nguyên liệu gỗ và da trâu. Đây là công việc chuẩn bị hết sức quan trọng quyết định thành công của buổi lễ. Nếu trống đánh không có âm vang thì không linh nghiệm, vì thế trống phải được các già làng và các nghệ nhân trực tiếp chọn gỗ, da và làm trống. Theo phong tục, tang trống của người Ma Coong   được làm từ cây "Chi cúp" - một loại cây thuốc rỗng ruột, sống hàng mấy chục năm trong rừng sâu. Tang trống có thể giữ từ năm này qua năm khác, dùng cho đến khi hỏng thì thay cái mới. Còn mặt trống, trước đây đồng bào thường chọn một con trâu to, chiều 15 tháng Giêng bắt đầu làm thịt để lấy da bịt trống. Trong những năm gần đây, việc giết trâu vào ngày 15 không còn tổ chức nữa, việc chọn da bịt trống là khi tại các bản hoặc xã có làm thịt trâu, bò (hoặc cũng có thể là da con sơn dương), người Ma Coong chọn tấm da đẹp nhất đem xông lên bếp và đến lễ hội thì đem ra bịt mặt trống.

Người Ma Coong không bịt trống như người dưới xuôi để mặt trống căng thẳng, mà làm theo cách riêng của mình. Họ dùng sợi roi mây rừng xây chéo với nhau, rồi lấy những nêm tre nêm chặt lại, kéo cho mặt trống có hình thù kỳ quặc như một quả cầu gai. "Quả cầu gai" này là hiện thân của tâm linh, của tiếng nói thần kỳ, như tiếng của người Ma Coong giữa rừng xanh đại ngàn không bị khuất phục bởi gió, mưa, thú rừng hoang dã…Việc làm bịt trống chỉ được làm trong một ngày trước đêm lễ hội.

Trước khi diễn ra lễ hội đập trống, người Ma Coong có lễ "thả lưới" trên một khúc suối Cấm (còn gọi là khe Cấm) ở bản Bụt cách đó không xa để bắt cá phục vụ cho việc tế lễ. Khúc suối Cấm này được chủ đất quyết định lựu chọn. Sau khi chọn khúc suối Cấm, chủ đất giao nhiệm vụ bảo vệ khúc suối cho trưởng bản. Khúc suối này luôn phải được giữ gìn sạch sẽ, không được để bị uế tạp, không ai được đánh bắt cá tại khúc suối này. Nếu ai vi phạm sẽ bị chủ đất phạt vạ, thường mức phạt vạ là 1 hũ rượi cần, 1 con heo,...( gần đây đã có dân bản vi phạm và đã bị phạt vạ). Mỗi năm một lần, chỉ có chủ đất mới có quyền cho phép một số trai bản nhất định thả lưới đánh bắt ở khúc suối cấm đó. Cá đánh được tại đây sẽ làm đồ cúng lễ và để cả làng cùng ăn.

Địa điểm tổ chức lễ hội là bản Cà Roòng 1, một bản trung tâm của xã Thượng Trạch. Khi về chiều, tiết trời càng càng lạnh cũng là lúc những bước chân của nam nữ thanh niên, của đàn ông, đàn bà trong xã đỗ về bản Cà Ròong 1 để tham gia lễ hội. Vào những ngày này, chỉ trừ những ngưiơì ốm đau, già yếu không thể đi được, còn lại đều náo nức trẩy hội, đây là dịp làm quen, hò hẹn, tìm người bạn tình, rồi sau đó kết duyên thành vợ, thành chồng. Không chỉ có người Ma Coong mà các tộc người khác như Trì, A- rem cũng náo nức dến chung vui. Đồng bào ở các bản xa như AKy, Cồn Roày, Cờ Đỏ và cả đồng bào Ma Coong ở nước bạn Lào cũng đến tham gia lễ hội. Đồng bào phải đi từ rất sớm, cũng có người đi từ ngày hôm trước để kịp tham gia lễ hội.

Khi màn đêm buông xuống, trống đã được bịt xong và được treo lên thì lễ hội sẽ bắt đầu. Trên khoảng sân rộng của bản Cà Roòng 1, một cái rạp đã được dựng lên, rạp này được lợp bằng lá cây rừng, phía trong rạp có một sạp tre nhở, rộng vừa đủ để bày biện các mâm đồ lễ. Chủ đất bày lễ vật và hương án để cúng lễ. Hương án là một cái sạp tre thấp, nên bày 6 mâm cổ nhỏ. Mỗi mâm cổ có thịt gà nấu với chồi xôi non, một típ xôi, một hủ rượu hiêng (Rượu hiêng là thứ đồ uống nổi tiếng của người Ma Coong, thứ lễ vật không thể thiếu trong các dịp cúng, tế được làm từ nếp nương, men lá, thơm nức, trắng và sánh như sửa. Theo phong tục của người Ma Coong, rượu hiêng dùng dâng cúng các vị thần hoặc dịp bản có khách quý- có lẽ thứ rượu này xuất hiện trước khi có rượu cần nên đã trở thành món đồ lễ không thể thay thế) và một ít lúa gạo, cá, thịt gà. Tương ứng với 6 mâm cỗ là 6 hũ rượu cần được đặt ngay trước sạp nứa.

Khi công việc chuẩn bị hoàn tất, thì trời cũng đã nhá nhem tối, mọi người già, trẻ, trai gái trong trang phục truyền thống của người Ma Coong đã tụ hội đông đủ, chật cả khoảng sân rộng của bản Cà Roòng 1. Cách vị trí cúng tế không xa, các chum, các ché rượu cần do dân bản mang đến bày thành từng hàng dài, mọi người có mặt đông đủ háo hức chờ đợi giờ khai lễ. Ban hành lễ gồm 06 thành viên, do chủ đất chủ trì- một chức sắc do truyền ngôi theo huyết thống đã có từ lâu đời; chủ đất là người có uy tín không chỉ với đồng bào trong một bản mà với cả một vùng gồm nhiều bản- đứng đầu, làm chủ lễ. Trước ngày tổ chức lễ, chủ đất phải vào rừng ngủ 3 ngày để giữ mình cho thật tinh kiết, trong sạch trước khi cúng tế thần linh. Trong ban hành lễ, chủ đất là người chủ lễ, các thành viên khác phụ lễ giúp chủ đất cúng tế ( chủ đất có vai trò như ông chánh tế, các thành viên khác như các chấp sự trong một các lễ cúng tế của người Kinh). Khi hành lễ, ban hành lễ sử dụng lễ phục truyền thống. Những bộ lễ phục này chỉ được sử dụng mổi năm một lần, trong Lễ hội Đập trống và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, áo màu đen cài khuy bạc, gấu áo viền đỏ, khuy áo có đeo nhiều vòng bạc. Chủ đất mặc váy áo màu đen có nhiều hoạ tiết sặc sỡ, đội tóc dài xoã ngang lưng.  

Khoảng vào lúc 17h ngày 16 tháng Giêng, chủ đất mặc lễ phục và bắt đầu tổ chức hành lễ (giờ tổ chức hành lễ không ấn định cụ thể như theo cách xem ngày, giờ tốt của ngưòi Kinh dưói xuôi mà được tiến hành vào chiều 16, lúc việc bày mâm lễ đã xong). Dưới ánh trăng rằm của tháng đầu năm, trong sự thiêng liêng sâu thẳm của núi rừng, chủ đất thắp sáng những cây nến làm bằng sáp ong và lầm rầm khấn: " mời Giàng và con ma mót về ăn xôi, uống rượu hiêng chứng kiến lễ hội, phù hộ cho người Ma Coong có cuộc sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu...."

Các thành viên khác của ban hành lễ thay nhau vào cầu khấn. Trong khi chủ đất làm lễ, một thành viên trong ban hành lễ phụ trách việc rót rượu vào bát, những thành viên còn lại đi vòng quanh, bước từng bước chậm chắc, cánh tay vung từ từ đưa lên cao, tỏ ý khấn cầu thần linh chở che, ban phát phước lành cho mọi người.

Lễ cúng kết thúc khi chủ lễ bốc từng những nắm lúa gạo ném ra nhiều phía. Ông đốt những que sáp ong sáng lên và bắt đầu cúng mời "Giàng' và mời con ma Mót về ăn xôi, chứng kiến lễ hội mà phù hộ cho đồng bào Ma Coong được mùa và sinh sôi nảy nở. Lễ cúng tế trời đất kéo dài gần 1 giờ đồng hồ.

Sau khi kết thúc phần lễ, chủ đất tuyên bố chuyển qua phần hội. Phần hội là phần không kém phần quan trọng của Lễ hội Đập trống. Chủ đất đến trước chiếc trống đặt trang nghiêm trước đài thờ cầm đoạn gốc của cây mây đập mạnh vào mặt trống một hồi dài, sau đó lần lượt từ già làng, trưởng bản đến mọi người dân thay nhau vào đập trống. Tiếng trống vang lên, từng nhịp trống dồn dập vang xa, vọng vào từng vách núi, phá tan sự tỉnh lặng của núi rừng. Tiếng trống và rượu cần như tiếp thêm sức mạnh cho những người tham gia đêm lễ hội. Dưới ánh trăng, dân bản xa, bản gần ai ai cũng tham gia đập trống, từng tốp người cầm tay nhau nhảy múa, thay nhau trổ tài đập trống. Vừa đập trống họ vừa hô lớn" Roa lữ giàng ơi" (sướng qua, vui quá trời ơi). Tiếng trống càng về đêm càng thôi thúc, hoà lẫn tiếng hò reo của mọi người quanh ánh lửa bập bùng được đốt lên giữa bản Cà Roòng. Khung cảnh náo nhiệt này chỉ kết thúc khi nào mặt trống vỡ. Vì theo quan niệm của người Ma Coong, mặt trống được đập vỡ là thể hiện được sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp họ gắn bó, chung sức, chung lòng xây dựng, bảo vệ bản làng.

Khi trống thủng, lúc này, những ánh lửa đang bập bùng cũng bắt đầu tàn, trả lại màn đêm nguyên thủy cho núi rừng. Những đôi trai gái lâu nay đã có ý, có tình nhưng chưa một lần được đến với nhau nay không hẹn họ đã tự tìm đến với nhau, cùng nắm tay nhau, dắt nhau đi vào rừng, ra bờ suối, để rồi tự là của nhau trong một đêm. Trước khi gà gáy sáng, họ rời nhau và chia tay, ai về nhà nấy, không bận bịu, không vướng mắc gì nhau, mỗi người lại theo cuộc sống riêng của mình, lại đi rẫy, phát nương, làm mùa và hẹn gặp lại vào lễ hội năm sau.

Gạt bỏ những truyền thuyết mang tính huyền thoại, Lễ hội đập trống của đồng bào Ma Coong mang đậm bản sắc văn hoá tộc người rất cần được sự tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát huy. Ngày nay, lễ hội đã vượt ra khỏi phạm vi cộng đồng tộc người Ma Coong mà còn có sự tham gia của đồng bào sinh sống trên địa bàn, cùng hoà vào men say của rượu hiêng, rượu cần trong ngày đầu xuân giữa núi rừng Trường Sơn trùng điệp .

Mai Xuân Thành (Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình)