Từ tín dụng lành mạnh đến ngân hàng xanh

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đã và đang hướng tới phát triển bền vững. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1393/QĐ -TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng, tăng trưởng xanh chỉ liên quan tới các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động liên quan tới môi trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì, tăng trưởng xanh không loại trừ trách nhiệm của bất cứ ngành, nghề nào. Trong đó, với ngành Ngân hàng thì những cụm từ như Ngân hàng xanh, tín dụng xanh thường được nhắc tới trong thời gian gần đây. Ngân hàng xanh được hiểu theo nghĩa rộng là Ngân hàng bền vững. Để phát triển bền vững thì Ngân hàng phải bảo đảm sự gia tăng về lợi nhuận, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tác động thuận lợi để gìn giữ và bảo vệ môi trường. Vấn đề này liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp, đầu tư… nên sự phối hợp đồng bộ là rất quan trọng.

tin-dung-xanh-1726371444.png
Để phát triển bền vững thì Ngân hàng phải bảo đảm sự gia tăng về lợi nhuận, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tác động thuận lợi để gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Chuyển động tín dụng xanh trong ngân hàng

Vì thế mọi hoạt động của Ngân hàng cần đặt mục tiêu hướng tới lợi ích của người tiêu dùng, kinh tế, xã hội và môi trường. Còn theo nghĩa hẹp, Ngân hàng xanh chỉ các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng khuyến khích các hoạt động vì môi trường và giảm thải carbon. Việc áp dụng hệ thống Ngân hàng xanh được chú trọng trong thời gian gần đây khi Ngân hàng nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN năm 2015 về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng của ngành. Đặc biệt, Ngân hàng nhà nước yêu cầu các Tổ chức tín dụng rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện quy chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh đã thúc đẩy các Ngân hàng thương mại thực hiện một số hoạt động về Ngân hàng xanh.

Một số Ngân hàng bắt đầu triển khai thực hiện hoạt động liên quan đến Ngân hàng xanh. Đơn cử như VietinBank đã ban hành chính sách môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng với việc ban hành kế hoạch hành động trong toàn hệ thống với những nội dung cụ thể trong chiến lược tín dụng xanh. Hay Sacombank xây dựng một hệ thống quản lý môi trường và xã hội (ESMS) bao gồm chính sách môi trường và xã hội, quy trình,bộ công cụ thẩm định tác động đến môi trường và xã hội.

tin-dung-xanh-ngan-hang-xanh-1-1726371430.jpg
Là một trong những ngân hàng triển khai tín dụng xanh khá sớm, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã cho thấy những dấu ấn tích cực trên tiến trình mở rộng quy mô dòng vốn này của mình. (Ảnh minh họa)

Còn Techcombank đã ký thỏa thuận hợp tác với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về hỗ trợ các sáng kiến sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực tư nhân. Theo thỏa thuận này, các Doanh nghiệp trong ba lĩnh vực gạch, gốm sứ và chế biến thực phẩm có thể nhận được nguồn hỗ trợ tài chính 50% giá trị khoản vay thông qua bảo lãnh Ngân hàng dành cho các dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng.

Chiến lược phát triển mô hình Ngân hàng xanh

Theo các chuyên gia Ngân hàng, để đẩy mạnh hoạt động Ngân hàng theo mô hình Ngân hàng xanh, thời gian tới, các Ngân hàng cần có những chiến lược cụ thể: Một là, chuyển đổi hoạt động sang sử dụng nền tảng công nghệ hiện đại. Áp dụng công nghệ trong việc quản lý dữ liệu thông tin giúp hạn chế nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc khuyến khích khách hàng sử dụng Ngân hàng điện tử, giúp loại bỏ lãng phí giấy, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí in ấn, giảm phát thải carbon;

Hai là, triển khai xây dựng trụ sở xanh. Việc xây dựng trụ sở xanh, giúp nâng cao nhận thức của khách hàng về hoạt động Ngân hàng xanh, bên cạnh đó, giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu của Ngân hàng, tăng lợi thế cạnh tranh;

Ba là, hướng tới cung cấp thẻ tín dụng xanh. Nhiều Ngân hàng tại châu Âu đã đồng loạt áp dụng phát hành các loại thẻ Ngân hàng tự phân hủy sau ít năm trong một số môi trường và có thể tiêu hủy công nghiệp và tái chế;

Bốn là, xây dựng các kênh thanh toán xanh, khách hàng có thể trực tiếp đi đến quầy ATM, sử dụng thẻ nộp tiền để gửi tiền và rút tiền cùng một lúc mà khách hàng không cần phải điền vào các phiếu rút tiền và tiền gửi. Năm là, cung cấp các sản phẩm tài chính ưu đãi cho các dự án, khoản vay mua nhà, xe thân thiện môi trường.

tin-dung-xanh-ngan-hang-xanh-2-1726371520.jpg
VietinBank dành 5.000 tỷ đồng ưu đãi các dự án Tín dụng Xanh. (Ảnh minh họa)

Do những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng xanh còn khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam nên các ngân hàng bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, cần chú trọng hoạt động marketing những sản phẩm mới này. Điều này không những nhằm quảng bá sản phẩm mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Để góp phần tích cực vào quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam cần có những hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan quản lý, đồng thời cần chủ động đưa ra chiến lược phát triển ngân hàng xanh, đẩy mạnh triển khai  các sản phẩm, dịch vụ đến công chúng.

Về phía người tiêu dùng, các cá nhân, hộ gia đình: cần có ý thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, về việc làm xanh và phát triển kỹ năng xanh. Người tiêu dùng xanh có vai trò quan trọng đối với sự cân bằng cung - cầu trên thị trường, kích thích nền kinh tế xanh. Nếu như ngày càng nhiều người nâng cao nhận thức, chuyển sang sử dụng các sản phẩm xanh để bảo vệ môi trường thì sẽ có càng nhiều các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào các lĩnh vực xanh, từ đó thúc đẩy phát triển hệ thống ngân hàng xanh tại Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tín dụng xanh, các Ngân hàng thương mại cổ phần cần thực hiện “xanh hóa” các danh mục đầu tư bằng cách gia tăng tài trợ tín dụng cho Doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới trang thiết bị, công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải hay các Doanh nghiệp hoạt động thân thiện với môi trường. Với việc các Ngân hàng dần ý thức được tầm quan trọng của lĩnh vực kinh tế xanh, thì tương lai sẽ là của Ngân hàng xanh./.

Chí Kiên