Từ các dự án khởi nghiệp hướng đến hình thành thế hệ doanh nhân nông nghiệp trong tương lai

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên không chỉ kết thúc là giải thưởng đạt được mà phải hướng đến thị trường, thương mại được sản phẩm; Các trường học phải hỗ trợ, đỡ đầu cho các dự án khởi nghiệp để thay đổi tư duy về giáo dục, hướng đến hình thành thế hệ doanh nhân nông nghiệp trong tương lai...

Đó là những chia sẻ tâm huyết từ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị về chủ đề: Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên nông nghiệp, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 15/6, tại tỉnh Vĩnh Phúc.

khoi-nghiep-nong-nghiep-3-1718457826.jpg
Ngày 15/6, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên nông nghiệp.

Lan tỏa những ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp

Hội nghị nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Gần 20 gian hàng tham gia hội nghị của các cơ sở đào tạo đã giới thiệu đến các đại biểu những ý tưởng cũng như kết quả thực hiện một số dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Với 32 cơ sở đào tạo, trong đó có 4 cơ sở đào tạo Đại học, 28 trường Cao đẳng, các cơ sở đào tạo của ngành nông nghiệp đã và đang góp phần quan trọng lan toả và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trên cả nước nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Bên cạnh tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo do các Bộ, ngành tổ chức, các trường thuộc Bộ còn phối hợp và tham gia các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại các địa phương.

khoi-nghiep-nong-nghiep-1-1718457855.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham các sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên ngành nông nghiệp được giới thiệu bên lề Hội nghị.

Gợi mở ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tại hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ, các Viện, trường và Hiệp hội doanh nghiệp đã cùng trao đổi những ý tưởng mới thông qua các mô hình khởi nghiệp của sinh viên ngành nông nghiệp.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, sự chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, mỗi dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên ngành nông nghiệp thể hiện được tính đổi mới sáng tạo với tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học và khả năng áp dụng vào thực tế của các dự án.

“Cần bổ sung thêm về nghiên cứu thị trường với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn. Nếu chỉ nói thị trường thì khái niệm rất rộng, nghiên cứu thị trường bán hay thị trường mua, bên cạnh đó sản phẩm muốn xuất khẩu cũng phải nghiên cứu đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đồng thời, cũng cần áp dụng những công nghệ mới trong chế biến và sản xuất sản phẩm mới. Lĩnh vực dược liệu hiện nay có nhu cầu rất lớn trên thị trường ngành nông nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo có thể hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong lĩnh vực này”, bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

Hướng đến hình thành thế hệ doanh nhân nông nghiệp trong tương lai

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trường học là môi trường khởi nghiệp thuận lợi nhất. Vì ở đó là thị trường có sẵn, nếu mỗi sinh viên chỉ mua một sản phẩm khởi nghiệp thôi thì "đã là một thị trường rồi". Khi sinh viên khi dùng sản phẩm khởi nghiệp, sẽ góp ý cho bạn bè mình trước khi đưa sản phẩm ra một thị trường rộng lớn, khó khăn, cạnh tranh hơn nhiều so với trường học.

"Khởi nghiệp phải là một phần của môn học trong nhà trường chứ không phải nằm riêng. Đích đến cuối cùng của khởi nghiệp là thay đổi toàn bộ hoạt động giáo dục trong trường, từ lý thuyết sang thực hành, có thực hành thì tốt hơn", ông Lê Minh Hoan nói.

khoi-nghiep-nong-nghiep-2-1718457810.jpg
Máy hàn ống tự động của nhóm sinh viên Khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trưng bày tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu vấn đề, giải thưởng không phải là đích đến, kết thúc của khởi nghiệp là sản phẩm được thương mại, nằm trên kệ hàng tiêu dùng, đó mới là đích đến. Nhưng để theo đuổi được việc này là không dễ.

"Khởi nghiệp phải được kích hoạt cho sinh viên, cũng như kích hoạt cho cả thầy cô để cùng chăm lo một mục tiêu cuối cùng là sinh viên phải trở thành người làm chủ, từ ông chủ nhỏ rồi ông chủ lớn, trở thành Jack Ma. Tại sao các bạn không nghĩ như thế mà chỉ dừng lại ở ý tưởng khởi nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và cho biết ngay sau hội nghị này, Bộ NN&PTNT sẽ giao nhiệm vụ cho các trường ngành nông nghiệp đưa nội dung khởi nghiệp là hoạt động chính khóa và có thang đo để đánh giá hàng năm.

khoi-nghiep-nong-nghiep-4-1718457909.jpg
Đông đảo sinh viên các trường đại học, cao đẳng trực thuộc tham gia ngày hội khởi nghiệp.

"Nếu so với các nước, doanh nghiệp của Việt Nam rất ít. Đất nước đang cần rất nhiều doanh nhân. Các trường học phải hỗ trợ, đỡ đầu cho các dự án khởi nghiệp để thay đổi tư duy về giáo dục, hướng đến hình thành thế hệ doanh nhân nông nghiệp trong tương lai", ông Hoan nói.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT đang tổ chức nhiều diễn đàn kết nối doanh nghiệp vào trường học ngành nông nghiệp. Doanh nghiệp, doanh nhân sẽ là lực lượng hỗ trợ sinh viên trở thành người làm chủ, hỗ trợ để sản phẩm khởi nghiệp ra được thị trường./.

Bình Nguyên