Trường hợp nào được hoãn thi hành Luật nghĩa vụ quân sự, Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý thế nào?

Nghĩa vụ quân sự hay còn gọi là quân dịch là một nghĩa vụ bắt buộc của công dân.
di-nghia-vu-quan-su-co-kho-khong-1640422759.jpg
Ảnh minh họa

Tôi đang học đại học Ngân hàng, chương trình học sẽ kết thúc vào cuối năm 2021. Nhưng do dịch bệnh Covid khoá học bị gián đoạn đến cuối năm 2023 thời gian học mới kết thúc (đã có Thông báo của trường). Tháng 10/2021 hội đồng nghĩa vụ quân sự có lệnh gọi tôi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, nếu tôi chống lệnh có vi phạm luật nghĩa vụ quân sự không? Nếu muốn tiếp tục học xong đại học rồi mới thi hành nghĩa vụ quân sự tôi phải làm những thủ tục gì? rất mong Luật sư góc tư vấp pháp luật Tạp chí doanh nghiệp kinh tế xanh tư vấn giúp. 

lam-mai-1640423998.jpg
Luật sư Lâm Mai

Luật sư góc Tư vấn pháp luật Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh tư vấn câu hỏi của bạn như sau: 

Điều 41 khoản 1 điểm g, Luật Nghĩa Vụ Quân Sự năm 2015 quy định, tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây “ Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo”. Trường hợp của bạn do dịch bệnh nên thời gian học bị gián đoạn, khoá học phải kéo dài (trường hợp bất khả kháng), bạn làm đơn gửi lên Hội đồng nghĩa vụ quân sự, nơi ký lênh gọi bạn khám tuyền nghĩa vụ quân sự, trình bày trường hợp của bạn, kèm theo đơn là thông báo của nhà trường, nêu rõ lý do dịch bệnh nên thời gian đào tạo kéo dài.

 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định trừ người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự. Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên và công dân nữ có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của quân đội nhân dân từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự.  Do đó, việc không đăng ký nghĩa vụ quân sự khi đã có lệnh gọi; không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng được coi là hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 10, Luật nghĩa vụ quân sự.

Tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị định số 120/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, người vi phạm có thể bị phạt tiền tới 2,5 triệu đồng, buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nếu người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Trốn tránh nghĩa vụ quân sự. 

Theo Điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau: Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Một người chỉ bị coi là phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự khi người đó có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, có hành vi vi phạm quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện. Những hành vi vi phạm này được thể hiện dưới dạng không hành động. Tức là đi khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, chấp hành lệnh gọi tập trung là nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 nhưng công dân đó đã không thực hiện. 

Tuy nhiên tội này chỉ cấu thành khi người phạm tội có thêm yếu tố nhân thân đó là đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự mà chưa được xóa án tích./.                                                                                                              

Luật sư Lâm Mai