Bản Mạ thoát nghèo từ phát triển du lịch xanh

Xưa kia, nơi đây từng là một bản nghèo nằm tách biệt với cuộc sống bên ngoài bởi dòng sông Chu thơ mộng. Ngày nay, bản Mạ (thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá) đã trở thành một điểm du lịch cộng đồng thu hút được nhiều khách đến trải nghiệm. Nhờ phát triển du lịch xanh, đời sống người dân bản Mạ đã ngày càng tốt lên, nhờ đó bản nghèo đã thoát nghèo.

Trở thành một địa chỉ du lịch ở miền Tây xứ Thanh trong vài năm trở lại đây, bản Mạ được ví như một "điển hình mới" góp phần cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bản Mạ nằm cách TP. Thanh Hóa khoảng 60 km về phía Tây, nơi đây, có 54 hộ dân với 238 nhân khẩu, 100% dân bản là đồng bào dân tộc Thái. 

a1-1685011788.jpg

Bản Mạ có 55 hộ dân là người Thái thì cả 55 hộ đều làm nhà có kiến trúc nhà sàn truyền thống.

Xưa kia, bản Mạ nằm biệt lập bên dòng sông Chu, người dân sống chủ yếu bằng việc cuốc nương, làm rẫy. Để giao thương, người dân phải dùng bè mảng, thuyền vượt dòng sông Chu ra bên ngoài. Khi này, người dân bản Mạ chủ yếu tự cung, tự cấp, vì không có đường bộ để ra bên ngoài nên mọi mặt đời sống khó khăn, thiếu thốn. Mỗi khi muốn ra bên ngoài người dân phải dùng bè mảng, thuyền để đi qua sông Chu. Việc học của trẻ em cũng gặp nhiều khó khăn vì cách trở sông nước, không ít trẻ đã phải bỏ học nửa chừng. Không chỉ vậy, mỗi khi trong bản có ai ốm đau, bệnh tật cần đưa đi cấp cứu sẽ gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.

Từ năm 2016, cây cầu treo bắc qua sông Chu được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đưa đời sống của người dân nơi đây "sang trang mới". Sau khi có cầu treo bắc qua sông Chu, người dân bản Mạ đã thuận lợi trong giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế. Bản Mạ những năm trở lại đây đang là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn đối với nhiều khách du lịch. 

a2-1685011789.jpg

Từ năm 2016, cây cầu treo bắc qua sông Chu được hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp đời sống của người dân bản Mạ có nhiều thay đổi tích cực.

Từ một bản nghèo đơn sơ, bản Mạ bây giờ trở thành bản du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch ghé thăm. Hiện nay, bản Mạ có 54 hộ dân và 4 điểm kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Do du lịch ở bản Mạ ngày càng phát triển nên người dân đã đẩy mạnh chăn nuôi gà, vịt, lợn cỏ và trồng các loại cây, rau, củ, quả để bán cho các điểm du lịch nên đời sống kinh tế đã có nhiều thay đổi. Cả bản Mạ có 54 hộ dân là người Thái, tất cả đều làm nhà sàn truyền thống, người dân bản vẫn giữ được những phong tục tập quán khá đặc sắc. Bản Mạ có vẻ đẹp nguyên sơ, bình dị gắn với những sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Hiện nay, nơi đây còn lưu giữ 30 ngôi nhà sàn cổ, nhiều hộ dân còn lưu giữ được nghề thêu, dệt thổ cẩm và đan lát truyền thống.

a3-1685011789.jpg

Sau khi có cầu treo bắc qua sông Chu, người dân bản Mạ đã thuận lợi trong giao thương, đi lại, phát triển kinh tế.

Đến với bản Mạ, du khách sẽ được trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Thái, được tham quan, tìm hiểu các phong tục tập quán qua nếp nhà sàn cổ, tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ, trồng lúa, ngắm ruộng bậc thang...

Những năm qua, xác định bản Mạ là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên, cũng là điểm du lịch có tiềm năng và thế mạnh nên địa phương luôn chú trọng xây dựng, phát triển du lịch để nơi đây sẽ là điểm du lịch nổi tiếng của Thường Xuân.

a4-1685011788.jpg

Bản Mạ có vẻ đẹp nguyên sơ, bình dị gắn với những sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.

Chị Bùi Thị Tuyết, một hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ở bản Mạ cho hay: "Tôi về đây làm du lịch năm nay là năm thứ 3, lúc đầu về đây bản Mạ khá hoang sơ, chỗ này chỉ là một quả đồi, chưa có mặt bằng để làm. Sau đó, tôi làm mặt bằng, xây dựng các chòi lá, nhà sàn. Khi đó, khá khó khăn do việc vận chuyển phải qua sông nước, sau khi hoàn thành việc xây dựng đã thu hút được du khách đến tham quan".

Chị Tuyết chia sẻ thêm: “Khó khăn lớn nhất ở các điểm du lịch cộng đồng là việc cấp phép phòng cháy chữa cháy để hoạt động, bởi du lịch cộng đồng là phải gắn với nhà sàn lá cọ, tranh tre nứa lá thì mới thu hút được du khách nên các hộ kinh doanh ở bản Mạ gặp nhiều khó khăn cho việc xin cấp phép về phòng cháy chữa cháy. Còn nếu xây dựng theo kiểu bê tông cốt thép thì nó không còn mang tính đặc trưng của du lịch cộng đồng. Nếu dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của bà con người dân, bởi người dân là lực lượng lao động chính cũng là nguồn cung cấp sản vật, rau, củ, quả cho các nhà hang kinh doanh du lịch”.

a5-1685011788.jpg

Người dân bản Mạ vẫn giữ được những phong tục tập quán khá đặc sắc.

Ông Hoàng Sỹ Hùng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Thường Xuân chia sẻ, bản Mạ có thuận lợi là ở gần trung tâm huyện, kể từ khi có cây cầu treo, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Cây cầu cũng đã đưa bản Mạ từ một bản nghèo thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách”.

a6-1685011788.jpg

Các món ăn mang đậm bản sắc bản Mạ như nếp nương, cá suối, tôm suối, canh đắng, gà đồi… luôn được du khách yêu thích.

“Bản Mạ còn gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp phép về phòng cháy chữa cháy và chưa có bến thuyền, bến phà để vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng vì đường vào bản nhỏ hẹp, xe ô tô không đi được, hiện nay, vận chuyển chủ yếu bằng xe máy. Các điểm du lịch đa số làm bằng tre nứa nên không được cấp phép mà không làm bằng những vật liệu này sẽ không tạo sự thân thiện tự nhiên, sẽ mất đi bản sắc của du lịch cộng đồng”, một người dân bản Mạ trải lòng. 

a7-1685011788.jpg

Vào mùa lúa chín bản Mạ đẹp như một bức tranh.

Sông Lô