Nước ta có nhu cầu rất lớn về thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ để phục vụ mục tiêu đạt quy mô chăn nuôi 2,4 – 2,6 triệu con trâu, 6,5 - 6,6 triệu con bò thịt, 650 - 700 ngàn con bò sữa và 4 – 4,5 triệu con dê, cừu được nêu trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nước ta chỉ mới có hơn 50 ngàn ha trồng ngô sinh khối, năng suất từ 120-150 tấn/ha/năm, chiếm tỷ lệ rất thấp trên tổng diện tích gieo trồng của cả nước. Ngoài ra, theo các chuyên gia, nếu tính trên định mức kinh tế kỹ thuật, cần có tổng diện tích trồng cây thức ăn thô xanh vào năm 2030 lên gần 1 triệu ha thì mới đủ khối lượng thức ăn thô xanh (khoảng 55 triệu tấn) cho đàn gia súc ăn cỏ theo mục tiêu định ra.
Trong bối cảnh này, ngô sinh khối sẽ là giải pháp then chốt cho ngành chăn nuôi Việt Nam, với vai trò là cây trồng chủ lực đáp ứng nhu cầu thức ăn thô xanh bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua đã chỉ đạo các địa phương có điều kiện khuyến khích bà con nông dân trồng ngô sinh khối trên đất hai vụ lúa và vụ đông. Điều này vừa giúp nông dân giảm áp lực về nguyên liệu ngũ cốc đầu vào, vừa chủ động được nguồn thức ăn thô xanh có chất lượng, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, việc trồng ngô sinh khối để tự nuôi gia súc ăn cỏ hoặc bán cho các doanh nghiệp chăn nuôi thường có lãi gấp từ 2,5 - 3,5 lần so với trồng lúa - đây cũng là một động lực kinh tế quan trọng giúp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Mô hình trồng ngô sinh khối hiệu quả về kinh tế nhờ ưu thế có thể trồng 3 vụ/năm, thời vụ nhanh, với năng suất trung bình 45-50 tấn/ha. Ngô sinh khối có thể phát triển trên đất lúa, đất màu kém hiệu quả và tận dụng được quỹ đất nhàn rỗi rất lớn trong vụ đông ở khu vực phía Bắc.
Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) phát triển mạnh, nhất là chăn nuôi bò thịt chất lượng; tổng đàn trâu, bò của huyện hiện có hơn 26 nghìn con nên nhu cầu về thức ăn thô xanh rất lớn. Chính vì vậy, mô hình trồng ngô sinh khối được triển khai sâu rộng, Trung tâm Khuyến nông huyện phối hợp với các địa phương triển khai mô hình, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng ngô sinh khối; đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc.
Tính đến hết năm 2022, toàn huyện Vị Xuyên có tổng diện tích thực hiện 89 ha; số hộ thực hiện 307 hộ/17 xã, thị trấn. Năng suất bình quân ước tính 200 tạ/ha, sản lượng 1.700 tấn. Giống ngô sinh khối chủ yếu sử dụng là giống ngô SSC 586 chiếm 95%, còn lại các xã tự mua giống NK7328, CP 511, định mức 20 kg/ha. Ngành nông nghiệp huyện cho biết, trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô thu hạt truyền thống. Mặt khác, ngô sinh khối thường có thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, sâu bệnh, mật độ cây trồng dày hơn, chi phí đầu vào thấp nên nguồn lợi thu về từ đồng ruộng cũng tăng lên nhiều.
Thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp người dân mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối theo hình thức liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Những năm gần đây, mô hình liên kết trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi gia súc đã trở thành hướng đi mới, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác ở nhiều địa phương tỉnh Phú Thọ.
Theo tính toán, 1ha ngô sinh khối sẽ thu hoạch lấy thân, lá trong khoảng thời gian 75-80 ngày, năng suất 45-50 tấn/ha/vụ, giá bán khoảng 800.000 đồng/tấn. Người trồng ngô sinh khối sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi 15-20 triệu đồng/ha/vụ. So với sản xuất ngô hạt truyền thống, nông dân trồng ngô sinh khối cho tổng thu cao hơn 12 triệu đồng/ha. Về sinh trưởng, phát triển, ngô sinh khối trồng được 3 vụ/năm. Do đó, nông dân nhanh chóng có thu hoạch, tạo động lực lớn để cải tạo, gia tăng diện tích trồng ngô sinh khối.
Tại huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) có diện tích trồng ngô tương đối lớn, khoảng trên 2.100ha, trong đó diện tích trồng ngô sinh khối là 960h/năm. Thực hiện Đề án sản xuất ngô sinh khối gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Hạ Hoà giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, phòng NN&PTNT huyện đã triển khai xây dựng mô hình trồng ngô sinh khối trên đất đồi vụ mùa năm 2022 tại khu 14 xã Hiền Lương, diện tích 20ha sử dụng giống ngô lai sinh khối SSC586.
Sau thời gian chăm sóc cho thấy cây ngô SSC586 có ưu điểm là phù hợp với nhiều loại đất, kháng bệnh và chống đổ tốt, thời gian sinh trưởng ngắn hơn với cây ngô truyền thống chỉ từ 75-85 ngày/vụ nên có thể trồng 3 vụ/năm. Năng suất 44,8 tấn/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất thu lợi nhuận khoảng 25 đến 30 triệu đồng trên 1 ha/vụ, nếu 1 năm trồng 3 vụ thì cho lãi trên 80 triệu đồng/ha, trong khi đó tính trùng bình nếu trồng cây keo cho lãi 10,6 triệu đồng/ha/năm. Sau thành công của mô hình khuyến khích các địa phương khác trong huyện tuyên truyền vận động người dân tìm hiểu và thực hiện mô hình để tạo vùng liên kết sản xuất hàng hoá mang lại thu nhập phát triển kinh tế.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, những năm gần đây diện tích sản xuất ô lấy hạt trong những năm gần đây có xu hướng giảm dần, nguyên nhân là do các giống ngô lai đang trồng phổ biến hiện nay được nhập khẩu từ nước ngoài nên giá giống cao, phân bón cao, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất còn nhiều hạn chế nên giá thành sản xuất cao, thậm chí cao hơn cả giá ngô nhập khẩu.
Năm 2022, diện tích sản xuất ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 863 ha, năng suất bình quân đạt 370,8 tạ/ha, tập trung ở các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Đức Phổ. Giống sử dụng để trồng ngô sinh khối hiện nay chủ yếu là NK7328, SSC586, LVN14,…Kết quả thực hiện mô hình tại các địa phương cho thấy, trồng ngô sinh khối có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt như: Thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn, khoảng 75 - 90 ngày, ngắn hơn trồng ngô lấy hạt từ 25 - 35 ngày, ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, vì thế đã giảm được chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.
Cùng với chăn nuôi bò sữa, bò thịt, những năm trở lại đây, nhiều nông dân tại Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã tích cực chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối. Theo các hộ sản xuất, trồng ngô sinh khối không yêu cầu kỹ thuật phức tạp nhưng lợi nhuận thu được cao hơn so với trồng các loại ngô lấy hạt. Người trồng có thể tận dụng thân, lá, bắp non làm thức ăn thô xanh cho bò; cùi và cây có thể cày xuống đất để tạo mùn cải tạo lại đất trồng. Ngoài ra còn có thể xay ngô nhuyễn, ủ lên men làm thức ăn cho bò. Đặc biệt, chi phí đầu tư trồng ngô không quá cao, “1 sào đất cần khoảng 2 kg ngô hạt, khoảng 280 ngàn đồng.
Tại huyện Đơn Dương, toàn huyện có hơn 300 ha trồng ngô; trong đó, diện tích chủ yếu là trồng ngô sinh khối, cung cấp thức ăn cho chăn nuôi. Người dân trồng ngô sinh khối tập trung ở các xã Tu tra, Đạ Ròn, Ka Đơn…Thay vì lấy hạt khi ngô chín hoàn toàn, ngô sinh khối được thu hoạch ở giai đoạn chín sáp, đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng cho gia súc. Toàn bộ cây ngô (thân, lá, bắp) thường được băm, xay nhỏ để cho gia súc ăn trực tiếp, hoặc chế biến thành các thức ăn cho gia súc thông qua quá trình ủ chua, tạo viên nén…
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc triển khai các mô hình sản xuất ngô sinh khối bền vững sẽ mang lại hiệu quả cho cả ba bên: người nông dân, nhà chăn nuôi và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ của các doanh nghiệp ngày càng lớn cũng là điều kiện thuận lợi để tăng cường mối liên kết giữa địa phương, doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất – tiêu thụ, từ đó tạo dựng chuỗi lợi ích chung.