Chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại là cơ hội

Bắc Ninh đang dần chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại và sản xuất nông nghiệp ngày một hiệu quả, bền vững hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc ứng dụng công nghệ số của một số tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nông nghiệp còn hạn chế.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và ngành nghề nông thôn; trong đó, có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, như hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong thực hiện chính sách đã tác động tích cực tới việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất từ 118,4 triệu đồng/ha năm 2019 lên 138,7 triệu đồng/ha năm 2022.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động các hoạt động hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi số như: Tập huấn cho các hộ kinh doanh đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử VOSO; xây dựng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm dữ liệu về lĩnh vực an toàn thực phẩm như thông tin cơ sở sản xuất ban đầu được cấp giấy chứng nhận VietGAP, cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chuỗi sản xuất ban đầu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã thành lập nhóm Zalo để cập nhật các thông tin mới, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

chuyen-doi-so-1689991769.jpg
 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 49 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản trong hoạt động chuyển đổi số đã tạo thuận lợi, minh bạch thông tin, giảm chi phí trung gian. Qua đó, tạo mối “liên kết - hợp tác” chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông dân, khắc phục điểm nghẽn của một nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.

Việc chủ động ứng dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thấy, nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đang dần chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại và sản xuất nông nghiệp ngày một hiệu quả và bền vững hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số tổ chức, cá nhân chưa quen với việc ứng dụng công nghệ số; trình độ ứng dụng công nghệ số của một số tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nông nghiệp còn hạn chế…

Để việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện ngày càng hiệu quả, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu, xây dựng lộ trình đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ số hiện đại, đồng bộ, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR code.

Xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời; đồng thời đẩy mạnh thông tin, truyền thông tuyên truyền về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận tiếp cận chính sách và đưa công nghệ số vào sản xuất, qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.