Sản xuất hữu cơ tái sử dụng phụ phẩm thải ra trong nông nghiệp và hạn chế rác thải nhựa

Việc tái sử dụng chất thải từ phụ phẩm nông nghiệp một cách hợp lý được xem là giải pháp hữu hiệu, không chỉ tạo thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế, cùng với đó còn hạn chế các chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp.

Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, với một số lĩnh vực chủ đạo như: trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này chưa được quan tâm tái sử dụng hiệu quả và đúng mục đích, mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân khiến nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải.

phan-loai-rac-1690726969.png
Phân loại rác và tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp phục vụ cho sản xuất hữu cơ.

Thời gian qua, trước sự phát triển của khoa học công nghệ nhiều phế phụ phẩm trong nông nghiệp đã được các doanh nghiệp, trang trại, nông dân tận dụng lại, đưa nó trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp hay nhiều lĩnh vực khác.

Qua thống kê của cơ quan chức năng, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn ni-lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật). Trong chăn nuôi là 67,93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

158-1690727000.jpg
Nông dân Nam Định tái sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp thành phân bón hữu cơ.

Trên thực tế, ở nhiều địa phương đã triển khai những giải pháp thiết thực và hiệu quả, giúp giảm tới mức thấp nhất lượng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp như: Mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn (Bình Định), giúp tận dụng những ngư dân thành thành viên trong tổ thu gom rác trên biển, giảm lượng chất thải nhựa trôi nổi.

tac-hai-cua-thuoc-bao-ve-thuc-vat-1690727032.jpg
Rác thải nhựa từ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đáng báo động.

Hay mô hình chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu nổi tại tỉnh Quảng Ninh giúp thay thế dần vật liệu nhựa dùng một lần, khó thu gom và tái sử dụng bằng vật liệu đã tái chế, thân thiện với môi trường. Ở tỉnh Thái Bình có mô hình cánh đồng sạch-thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật…

Nhằm hạn chế sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 2711/QĐ-BNN-KHCN ban hành kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp.

Theo đó, mục tiêu đề ra giai đoạn 2022 đến năm 2025 trong trồng trọt giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa.

thu-gom-bao-bi-thuoc-bao-ve-thuc-vat-1690727056.jpg
Nhiều mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được Hội Nông dân và Trung tâm Môi trường nông thôn triển khai thực hiện ở nhiều địa phương.

Ở lĩnh vực bảo vệ thực vật giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Trong chăn nuôi giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa…

Phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp được cập nhật đầy đủ các quy định, chính sách liên quan đến quản lý vật liệu và chất thải nhựa; 50% cán bộ quản lý ngành nông nghiệp được tập huấn về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; 50% nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa.