Thái Nguyên tăng cường các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế rừng bền vững

Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế rừng bền vững, tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững cho người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Được biết, trong giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh đã trồng 32.087 ha rừng tập trung và hơn 6 triệu cây phân tán; trồng 1.081 ha rừng gỗ lớn và chuyển hóa 112 ha rừng gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn; triển khai cây quế trên địa bàn huyện Định Hóa và Võ Nhai 1.281 ha, nâng tổng diện tích quế toàn tỉnh là 3.950 ha.

Toàn tỉnh đã cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho 1.331,9/1.400 ha, bằng 95,1% so với kế hoạch đến năm 2025. Với diện tích rừng trồng cho khai thác gỗ sản lượng lớn, các cơ sở chế biến và thương mại lâm sản cũng phát triển nhanh chóng. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 521 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản.

trong-rung-1688358510.jpg
Ảnh minh họa.

Các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai triển khai quy chế phối hợp như:

- Quy chế phối hợp bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ rừng giữa các huyện Định Hóa, Phú Lương và Đại Từ; giữa huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương với huyện Chợ Mới (Bắc Kạn);

- Kế hoạch phối hợp trong công tác phòng cháy chữa cháy giữa các đơn vị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 123 Ban Lâm nghiệp xã và 1.019 Tổ bảo vệ rừng thôn, bản với hơn 7.500 thành viên. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về lâm nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, không để xảy ra các vụ cháy rừng quy mô lớn và các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng ở khu vực giáp ranh.

Trong giai đoạn này, tổng số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 960 vụ, cơ quan chức năng đã tịch thu 1.673 m3 gỗ các loại là tang vật của các vụ vi phạm. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, số vụ vi phạm và lâm sản tịch thu đều giảm theo từng năm. 

Ghi nhận cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2023, diện tích rừng trồng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.336ha, bằng 38,9% kế hoạch năm, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, kế hoạch trồng rừng của tỉnh là 3.435ha, trong đó rừng phòng hộ có 245 ha, rừng trồng sản xuất 3.190ha; đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 46%. Được biết, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác trồng rừng và phát triển rừng. Tỉnh Thái Nguyên đang đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trồng 2.000 ha gỗ lớn, chuyển hoá 5.000ha rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, 3.800ha quế, góp phần ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tham gia trồng rừng, khai thác rừng, như: Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng chậm một lần 15 triệu đồng/ha; Trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh một lần 10 triệu đồng/ha; Chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn bằng công khoán bảo vệ rừng theo quy định...

Cùng với việc triển khai Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Thái Nguyên cũng đồng thời thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Sau 2 năm thực hiện, Chương trình các chỉ tiêu về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 46% với trên 35.600 ha rừng đặc dụng được quản lý; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 2 năm đạt 7,69%; tổng diện tích rừng trồng tập trung đạt trên 8.600 ha, trong đó có trên 1.081 ha rừng gỗ lớn, đạt trên 112% kế hoạch; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho 1.331 ha cho 501 gia đình, đạt trên 95%; trồng 2,4 triệu cây phân tán, đạt 48% kế hoạch; phát triển 1.281 ha quế trên địa bàn 2 huyện Định Hóa và Võ Nhai, đạt 60,8% kế hoạch, nâng tổng diện tích cây quế trên địa bàn tỉnh hiện nay là 3.950 ha. 

Đặc biệt, thông qua thực hiện Chương trình đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao; nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức và người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững được nâng lên. Các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thái Nguyên xác định quan điểm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, hài hòa mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng an ninh. Trên cơ sở đó, tỉnh đề ra mục tiêu trong thời gian tới là tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp thời kỳ 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của từng loại rừng; nâng cao giá trị rừng trên một đơn vị diện tích, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới. Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích các loại rừng theo quy hoạch, ổn định tỷ lệ che phủ rừng.

Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch trồng 3.435ha rừng tập trung (giảm 265ha so với kế hoạch năm 2022); phấn đấu duy trì tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con ở các địa phương trong tỉnh đang tiến hành xử lý thực bì theo đúng kỹ thuật, chuẩn bị cây giống, phân bón để trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao.
Ánh Dương (t/h)