Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du - Kỳ 4: Chiều một mình qua phố

Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, và nhiều luận văn đại học, sau đại học trong và ngoài nước bàn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Loạt bài viết này chỉ là những lát cắt, những câu chuyện nhỏ chúng tôi may mắn được ghi chép lại từ những người bạn, những thầy giáo, những người hoạt động văn nghệ cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Lời tòa soạn: Có người, có mẩu chuyện có thể công chúng đã biết, nhưng cũng có nhân chứng lần đầu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sáng tác và hoạt động văn nghệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải rộng trong không gian từ Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rang đến Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn.

Với những chất liệu này, loạt bài viết "Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du" nhằm cung cấp thông tin giúp độc hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, biểu diễn, sự lan tỏa nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, hiểu hơn về đời sống tinh thần cùng bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này…

Không chỉ là những câu chuyện có không gian địa lý cụ thể, những vùng đất người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua, mà còn là những không gian hoài niệm về tình yêu, về quê hương đất nước, là chất liệu và nguồn cảm xúc dạt dào giúp Trịnh Công Sơn viết nên những sáng tác bất hủ…

Kỳ 4: Chiều một mình qua phố…

Cầu Đen, tên gọi một chiếc cầu cũ ở Bảo Lộc, nay đã là phố xá mang tên con đường Lý Tự Trọng, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Con phố nhỏ heo hút trên sườn dốc mơ ngủ, tiếng chuông nhà thờ như tiếng thở dài của cánh đồng lau trắng, ngả nghiêng theo từng cơn gió lạnh của đại ngàn âm u biêng biếc…

Cũng trên con đường này, người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã dạo bước, trong những ngày tháng cặm cụi kiếm sống bằng nghề gõ đầu trẻ, từ năm 1964 đến năm 1967. Trên mảnh đất B’lao xưa - Bảo Lộc ngày nay, ông đã sáng tác rất nhiều ca khúc và đánh dấu cho sự nghiệp âm nhạc của mình gắn bó với quê hương đất nước, với thân phận con người…

Con đường có cái tên Cầu đen cũ, ngôi nhà số 26 chính là căn nhà ngày đó Trịnh Công Sơn thuê trọ từ năm 1964 đến 1967 cùng với Nguyễn Thanh Ty và 2 đồng nghiệp nữa. Thầy giáo Nguyễn Thanh Ty cùng thầy giáo Trịnh Công Sơn có công đi tìm nhà thuê, nên hai ông được ở căn phòng phía trước, có thể nhìn thẳng ra con đường đất đỏ bụi bặm ngày nào, giờ đã được láng nhựa và đặt tên mới là Lý Tự Trọng. Ngôi nhà xưa giờ người ta đã phá đi và dựng một nhà hàng, sát hè đường, nhưng bao kỷ niệm thì vẫn còn đó, trong ký ức của ông Ty và những người bạn.

Con dốc Trịnh Công Sơn thường đi dạy học và con đường đến trường dài khoảng 2 cây số. Qua mấy con phố là đến mảnh đất của ngôi trường mang tên Bảo An xưa, nơi thầy giáo Trịnh Công Sơn đã dạy suốt mấy năm ở đây. Trong ký ức của ông Ty, đó là ngôi trường bằng lá, vách nứa, cũng đã bị phá đi từ lâu; mảnh đất của trường cũng đã bán cho một công ty kinh doanh. Con đường bảng lảng trong sương ngày ấy, chính là nguồn cảm hứng cho ca khúc Chiều một mình qua phố, gợi nhớ một cuộc tình mà nhạc sĩ còn để lại ở đất Huế…

"Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em

Có khi nắng khuya chưa, lên mà một loài hoa chợt tím

Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em

Gót chân đôi khi đã mềm, gọi buồn cho mình nhớ tên"

Thầy giáo Ninh Thế Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Phan Chu Trinh, thành phố Bảo Lộc, tức trường bảo An trước đây, đưa chúng tôi đi tìm những địa danh với bao kỷ niệm khó quên đối với thầy giáo Trịnh Công Sơn. Những địa danh liên quan đến ca khúc "Chiều một mình qua phố" mà người nhạc sĩ tài hoa đã viết trong thời gian dạy học ở vùng đất này. Đó là ngôi trường xưa, quán cơm Hương Sơn ngày nào, hồ Đồng Nai nay vẫn còn soi bóng hàng liễu rũ…

Năm 1964, Trịnh Công Sơn tốt nghiệp trường sư phạm Quy Nhơn về B’Lao dạy học cùng với Nguyễn Thanh Ty và 4 giáo sinh khác. B’Lao - Bảo Lộc bấy giờ là một phố quận vắng lặng, buồn hiu hắt. Trời thường mưa lâm râm, khí trời lúc nào cũng lành lạnh. Lúc này, thị xã Đà Lạt biệt lập với tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh Lâm Đồng chỉ có vỏn vẹn hai quận: Blao (Bảo Lộc) và Djiring (Di Linh).

Ngôi biệt thự mà ông Ty và Trịnh Công Sơn cùng 2 người bạn nữa thuê ở, ông Ty và Trịnh Công Sơn có công tìm nhà nên được ưu tiên ở căn phòng trước, có cửa sổ quay ra mặt đường. Cũng chính từ căn phòng có khuôn cửa sổ ngó ra con đường đất đỏ trước mặt căn nhà ấy, Trịnh Công Sơn đã sáng tác các nhạc phẩm: Chiều một mình qua phố, Lời buồn thánh, Vết lăn trầm và một số bài trong tập Ca khúc da vàng.

Ông Nguyễn Thanh Ty, kể lại: "Tôi với Trịnh Công Sơn giống nhau ở chỗ là không bao giờ mang đồng hồ. Giờ trong tay cũng hổng có cái đồng hồ. Trường Trịnh Công Sơn dạy thì bên cạnh đó có cái trại lính Bảo An, đến khi nó chào cờ buổi sáng thì nó thổi kèn tò te tí te. Đúng ra anh ta phải có mặt trước khi cái kèn thổi, nhưng anh ta đâu biết lúc nào đâu, đồng hồ đâu có, nhất là những hôm sương mù dày đặc không thấy đường đi. Thì anh ta nghe tiếng kèn là cuốn cái tập mỏng đó từ nhà bà Phi chúng tôi thuê đó, đến trường chừng 300 thước à, Trịnh Công Sơn mới bôn ba sải bước chân lên".…

nha-van-nguyen-thanh-ty-chong-gay-1649576137.JPG

Nhà văn Nguyễn Thanh Ty (người bên tay trái)

Ảnh Trần Ngọc Trác, Nguyễn Đức Đệ

Có một điều lạ mà bạn bè, đồng nghiệp Trịnh Công Sơn thường đặt dấu chấm hỏi là suốt thời gian gần ba năm viết nhạc tại Bảo Lộc, với những ca khúc: Chiều một mình qua phố, Lời buồn thánh, Vết lăn trầm và một số bài trong tập Ca khúc da vàng, mặc dù đã có tiền nặng túi, vậy mà Trịnh Công Sơn vẫn không có nổi cây đàn, hay ông không muốn mua? Trịnh Công Sơn hay dùng cây đàn guitar của cô Đỗ Thị Nghiễn. Cây đàn đó đã giúp nhạc sĩ ghi lại những nốt nhạc mà ông thai nghén trong những lúc đi dạy hoặc lang thang với bạn bè.

Đêm về, khi bạn bè đã chìm trong giấc ngủ, Trịnh Công Sơn vẫn ôm đàn say sưa dò lại những âm thanh đang chập chờn ẩn hiện trong đầu. Sau những đêm như thế, Trịnh Công Sơn phờ phạc hẳn. Một giỏ rác đầy tràn những tờ giấy bản dùng để quay ronéo ông chép vội những dòng nhạc vừa xuất hiện trong đầu rồi chợt biến, vo tròn, ném, lại dò tìm. Ông sợ làm ồn giấc ngủ của bạn bè, nên khi sáng tác, phải dùng tay chận phím đàn để tạo những âm thanh câm cho bớt ồn hơn.

"Chiều qua bao nhiêu lần môi cười

Cho mình còn nhớ nhau

Chiều qua bao nhiêu lần tay mời

Nghe buồn ghé môi sầu.

Ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu

Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau".

Quán cà phê Tùng, thành phố Đà Lạt, là nơi ông Thân Trọng An, Nguyễn Thanh Ty và Trịnh Công Sơn thường ngồi với nhau. Mặc dù trước đó Trịnh công Sơn đã có nhiều nhạc phẩm rất hay như: Ướt mi, Thương một người, Biển nhớ, Nhìn những mùa thu đi... nhưng những bài hát này chỉ chuyền tay nhau hát trong nhóm bạn bè, không có điều kiện hay vì một lý do nào đó mà ông không thể xuất bản để phổ biến rộng rãi.

tran-thanh-hung-nguyen-duc-de-dang-tac-nghiep-tai-nha-su-hoc-tran-viet-ngac-anh-tran-ngoc-trac-1649576137.jpg

Tác giả Trần Thanh Hưng, Nguyễn Đức Đệ đang tác nghiệp tại nhà sử học Trần Viết Ngạc tìm hiểu tư liệu về nhác sĩ Trịnh Công Sơn

Ảnh Trần Ngọc Trác, Nguyễn Đức Đệ

Đến khi ở tại B’lao, sau khi hoàn chỉnh nhạc phẩm "Chiều một mình qua phố", Trịnh Công Sơn mới quyết định mang “đứa con” của mình về Sài Gòn tìm nhà xuất bản.

Ông Nguyễn Thanh Ty kể lại: "… Trịnh Công Sơn bán bản nhạc cho nhạc sĩ Duy Khánh. Duy Khánh trả có ba ngàn đồng bạc, Trịnh Công Sơn nài thêm, Duy Khánh nói: nhạc Phạm Duy là đắt nhứt mà cũng chỉ tới năm ngàn là cùng, ông là nhạc sĩ mới, giá vậy là cao lắm rồi...” Trịnh Công Sơn tặc lưỡi, rồi nói thôi cũng được, nhưng nhạc sĩ tiếc sau khi bán bản nhạc...".

"Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em

Gió ơi gió ơi bay lên, để bụi đường cay lòng mắt

Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em

Áo xưa chưa quen phong trần, đợi mùa thu vàng áo thêm.

Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em

Bước chân nghe quen cũng buồn, lạy trời xin còn tuổi xanh

Còn một mình trên phố, âm thầm nhớ nhớ tên em

Ngoài kia không còn nắng mềm, ngoài kia ai còn nhớ tên".

***

(Hết kỳ 4, đón đọc kỳ 5 với tựa đề Một dòng song đã qua đời)

Loạt bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ đặc biệt của:

Nhà sử học Trần Viết Ngạc, TP. HCM

Nhà văn Nguyễn Thanh Ty, Hoa Kỳ

TS triết học Thái Kim Lan, Cộng hòa liên bang Đức

Trần Thanh Hưng