Trịnh Công Sơn - Nhẹ gót lãng du kỳ 3: Biển nhớ...

Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, và nhiều luận văn đại học, sau đại học trong và ngoài nước bàn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Loạt bài viết này chỉ là những lát cắt, những câu chuyện nhỏ chúng tôi may mắn được ghi chép lại từ những người bạn, những thầy giáo, những người hoạt động văn nghệ cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Có người, có mẫu chuyện, có thể công chúng đã biết. Nhưng cũng có nhân chứng lần đầu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sáng tác và hoạt động văn nghệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải rộng trong không gian từ Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rang đến Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn.

Với những chất liệu này, loạt bài viết Trịnh Công Sơn, Nhẹ gót lãng du nhằm cung cấp thêm thông tin giúp độc giả hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, biểu diễn, sự lan tỏa nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, hiểu hơn về đời sống tinh thần cùng bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này…

Không chỉ là những câu chuyện có không gian địa lý cụ thể, những vùng đất người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua, mà còn là những không gian hoài niệm về tình yêu, về quê hương đất nước, là chất liệu và nguồn cảm xúc dạt dào giúp Trịnh Công Sơn viết nên những sáng tác bất hủ…

***

Tập 3: BIỂN NHỚ…

Ngày mai em đi

biển nhớ tên em gọi về

gọi hồn liễu rũ lê thê

gọi bờ cát trắng đêm khuya

Ngày mai em đi

đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ

sỏi đá trông em từng giờ

nghe buồn nhịp chân bơ vơ …

Ông Nguyễn Thanh Ty là bạn học chung với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong hai năm tại trường Sư phạm Quy Nhơn, niên khóa 1962-1964 (chúng tôi đã nhắc đến ông trong tập 1 series ký sự này có tựa đề Ướt mi). Đó là khóa Sư phạm đầu tiên khai giảng ngày 22 – 4 - 1962, tên gọi là khóa Thường xuyên 2 năm. Tiêu chuẩn thi vào khóa này ít nhất là phải có Tú tài I. Tuy nhiên, khóa ấy đa số thí sinh đều đã có Tú tài II, một số đã có một hoặc hai chứng chỉ Đại học.

Trong số 300 giáo sinh được chấm đậu, đa phần đều là người Huế, chiếm khoảng 60 phần trăm, 40 phần trăm còn lại là giáo sinh đến từ Bình Định, Phú Yên, Nha Trang lên tận cao nguyên như Đà Lạt, Pleiku, Kon Tum... Đa số giáo sinh lúc ấy đều là con nhà nghèo, hoặc học hành dở dang, hoặc không đủ khả năng tài chánh vào Sài Gòn hoặc ra Huế để vào Đại học. Họ cố thi vào Sư phạm Quy Nhơn để chắc chắn trong hai năm sẽ có công ăn việc làm nuôi bản thân và giúp gia đình.

Nhà sử học Trần Viết Ngạc, hiện sinh sống tại TP.HCM, là bạn tuổi ấu thơ kể lại hoàn cảnh gia đình Trịnh Công Sơn bấy giờ như sau: "Lúc bấy giờ thì áp lực là động viên (bắt lính), bọn tôi mới bảo Sơn thôi vào sư phạm đi, đừng nhầm sư phạm Quy Nhơn đào tạo 1 năm, đó là trường quốc gia sư phạm, hàng loạt trường như thế, ví như quốc gia hộ sinh, quốc gia âm nhạc, đó là cao đẳng. Cao đẳng có điều kiện như thế này, đó là đào tạo liên thông. Ví dụ như anh Sơn vào để đào tạo ra giáo viên cấp 1, thì lúc đầu có những trường cao đẳng là 2 năm, sau họ tăng lên 3 năm. Lúc đầu thời gian ngắn để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Vào sư phạm Quy Nhơn thì ra cái cấp giáo học, giáo học là cấp cao nhất của giáo viên. Nếu anh đỗ tú tài thì anh còn cải nhảy được nữa, vào sư phạm Quy Nhơn chỉ cần bằng tú tài 1.

Thậm chí, có những trường như cao đẳng công chánh hay điện họ chỉ cần trung học phổ thông thôi. Trường công chánh anh vô anh học là anh ra cán sự công chánh, nhưng nếu anh đỗ tú tài anh có thể chuyển lên học kỹ sư. Sơn vào Qui Nhơn mà sở dĩ không vào lớp cấp tốc sư phạm, thứ nhất là vì thời gian học dài, có học bỗng, được miễn quân dịch, sau đó có thể liên thông. Sau này không bao giờ Sơn đi thi lại tú tài 2 nữa".

nha-su-hoc-tran-viet-ngac-ban-than-tcs-tra-loi-phong-van-1649227935.jpg

Nhà sử học Trần Viết Ngạc trả lời phỏng vấn

Ảnh : Trần Ngọc Trác, Nguyễn Đức Đệ

Ông kể tiếp, Trường Sư phạm Quy Nhơn bấy giờ tọa lạc tại khu Sáu, sát bờ biển, khoảng giữa đường từ phố Quy Nhơn đến Ghềnh Ráng. Để giới thiệu và quảng bá rộng rãi cho nhiều người biết danh tiếng về trường Sư Phạm, Ban Giám đốc trường cho thành lập Ban văn nghệ, trình diễn một chương trình độc đáo chưa từng có ở Quy Nhơn. Trịnh Công Sơn được bầu làm trưởng ban chịu trách nhiệm tổng quát. Ông Ty được chọn phụ trách phần thổi sáo đệm thơ trong suốt vở kịch thơ có nhan đề “Tiếng cười Bao Tự” dài hơn 45 phút.

Trong thời gian này, Trịnh Công Sơn sáng tác trường ca " Tiếng hát dã tràng" hay gọi ngắn hơn là "Dã tràng ca" làm tiết mục mở màn mà cũng là tiết mục đặc sắc nhất, công phu nhất. Nhạc trưởng Trịnh Công Sơn với ban hợp xướng do anh tuyển chọn gần 50 người, khổ công trong ba tháng trời tập luyện đã thành công tuyệt vời trước sự ngac nhiên đầy thích thú của quan khách và khán giả.

Ông Thân Trọng An, nguyên Trưởng ban văn nghệ giáo chức khóa 1 (1962-1964) Trường Sư phạm Quy Nhơn, cho biết: Cũng trong thời gian học Sư phạm, Trịnh Công Sơn còn sáng tác những nhạc phẩm khác như Biển nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Nắng Thủy tinh và một số nhạc thiếu nhi cho chúng tôi sử dụng đi thực tập, dạy các em nhỏ. Những bản nhạc ngắn, dễ hát, dễ nhớ ...

Bấy giờ, biển Quy Nhơn có nhiều bùn nên cát có màu vàng xỉn. Dọc theo bãi biển là hàng dương, chạy dài đến bệnh viện là xóm chài. Thập niên 60 thế kỷ trước, tuyệt nhiên không có một lều quán hay ki ốt nào bán cà phê, bia rượu gì cả. Trịnh Công Sơn và Tôn Nữ Bích Khê thường hẹn hò ra biển với họa sĩ Đinh Cường, bấy giờ Đinh Cường là bạn đồng môn của họ, thì cũng chỉ để ngắm trăng vàng vỡ vụn trên sóng biển; là nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn viết bài Biển nhớ…

"Ngày mai em đi

biển nhớ em quay về nguồn

gọi trùng dương gió ngập hồn

bàn tay chăn gió mưa sang

Ngày mai em đi

thành phố mắt đêm đèn vàng

hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn

nghe ngoài biển động buồn hơn…"

Theo ông Nguyễn Thanh Ty, nhóm học sinh Nha Trang khăn gói ra Quy Nhơn học sư phạm có mười một người, bảy nam và bốn nữ, trong đó có Tôn Nữ Bích Khê. Bích Khê có hai người em gái cũng tên Khê, đó là Thuần Khê và Cẩm Khê. Bích Khê không đẹp nhưng rất có duyên, quyến rũ. Bích Khê cũng ở trong ban hợp xướng. Bạn bè Trịnh Công Sơn kể lại: Hầu như ngày nào cũng có nhiều cô đến nhà trọ của Sơn. Sau khi bản Biển nhớ được sáng tác và tập dượt để ra mắt buổi văn nghệ thì giáo sinh sư phạm mới lưu ý tới Bích Khê và bàn tán, vì tình cờ hay cố ý, Sơn đã viết "trời cao níu bước sơn khê" trong lời nhạc.

ba-cao-thi-que-huong-ghi-lai-to-rao-moi-moi-nguoi-den-nghe-tcs-hat-o-truong-viet-anh-15454-1649228316.JPG

Bà Cao Thị Quế Hương ghi lại tờ rao mời mọi người đến nghe Trịnh Công Sơn hát ở trường Việt Anh

Ảnh : Trần Ngọc Trác, Nguyễn Đức Đệ

Cô giáo Kiều Thị Đợi, bạn cùng khóa 1 (1962-1964) với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có lần cho biết: Năm 1970, khi bà được thuyên chuyển về Nha Trang, gặp lại Bích Khê đã yên bề gia thất, chồng Bích Khê tên Chương, thợ sửa máy lạnh, có cửa hàng mua, bán, sửa chữa tại đường Quang Trung, đối diện với hiệu ảnh Photo Vỹ, TP. Nha Trang. Tại Bảo Lộc, cô Đợi có hỏi Sơn về sự liên quan giữa nhạc và người. Sơn nói chỉ là bạn như những người bạn khác. Chữ “sơn khê” chỉ là tình cờ thôi…

"Hôm nào em về

bàn tay buông lối ngỏ

đàn lên cung phím chờ

sầu lên đây hoang vu

Ngày mai em đi

biển nhớ tên em gọi về

triều sương ướt đẫm cơn mê

trời cao níu bước sơn khê

Ngày mai em đi

cồn đá rêu phong rủ buồn

đèn phố nghe mưa tủi hờn

nghe ngoài trời giăng mây tuôn"

Một đồng môn của Trịnh Công Sơn tại Trường Sư phạm Quy Nhơn kể lại rằng, hồi đó họ còn trẻ lắm, Trịnh Công Sơn mới 23 tuổi. Họ không biết anh Sơn đã trầm tư bao đêm trên bãi biển Quy Nhơn để nhớ về người ấy, cô Tôn nữ đài các, quý phái, để cuối cùng kết tinh thành "Biển nhớ", một tình khúc bất hủ với thời gian.

Khi in ấn, nhà xuất bản đã in hai chữ sơn khê bằng chữ thường vì sơn là núi, khê là con suối nhỏ, hai danh từ chung, có gì phải viết hoa. Nhưng trong thâm tâm của anh Trịnh Công Sơn và Bích Khê, của những người trong cuộc và là chứng nhân, đó phải là hai danh từ riêng và phải được trân trọng viết hoa để đánh dấu một "cuộc tình thánh thiện".

"Ngày mai em đi

biển có bâng khuâng gọi thầm

ngày mưa tháng nắng còn buồn

bàn tay nghe ngóng tin sang

Ngày mai em đi

thành phố mắt đêm đèn vàng

nửa bóng xuân qua ngập ngừng

nghe trời gió lộng mà thương."

Có một chi tiết thú vị ít người biết đến, nhà sử học Trần Viết Ngạc cho biết, ca khúc Biển nhớ biểu diễn lần đầu tiên tại Tuy Hòa, Phú Yên. Thời gian Trịnh Công Sơn học ở Quy Nhơn, thì ông Ngạc đang dạy học ở Tuy Hòa, từ năm 1961 đến năm 1965. Một lần, từ Huế đi vào Tuy Hòa, ông Ngạc ghé lại Quy Nhơn, thăm bạn trong căn gác mà Trịnh Công Sơn viết trong ca khúc Lời buồn thánh “nằm trong căn gác đìu hiu”, đó chính là căn gác nằm nhìn ra công viên, giờ chỗ đó không còn nữa.

Ông Ngạc gặp Sơn lúc đó là anh đã viết xong bài Biển nhớ rồi. Trịnh Công Sơn viết tay, lấy vỏ hộp diêm cắt ra làm 5 dòng, rồi nhúng mực kẽ lên là xong, là viết. Trịnh Công Sơn hát luôn cho ông Ngạc nghe bài Biển nhớ. Và sau đó, Biển nhớ ra mắt công chúng lần đầu tiên là tại Tuy Hòa, chính ông Ngạc đã mang bài đó vào. Bấy giờ trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa chuẩn bị tổ chức 2 đêm ca nhạc với tiếng hát chủ lực là học sinh. Ông Ngạc tập cho một cô học trò của mình hát Biển nhớ, cô lên trình bày hôm đó rất được hưởng ứng, chỗ rạp Diên Hồng Tuy Hòa bây giờ. Cô học trò hát Biển nhớ đầu tiên đó giờ hiện còn sống bên Cali, Hoa Kỳ …

(Hết kỳ 3, mời quý độc giả đón xem kỳ 4 với tựa đề: Chiều một mình qua phố)

Loạt bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ đặc biệt của:

Nhà sử học Trần Viết Ngạc, TP.HCM

Nhà văn Nguyễn Thanh Ty, Hoa Kỳ

TS triết học Thái Kim Lan, Cộng hòa liên bang Đức

Trần Thanh Hưng