Trịnh Công Sơn - Nhẹ gót lãng du kỳ 2: Nhìn những mua thu đi

Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, và nhiều luận văn đại học, sau đại học trong và ngoài nước bàn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Loạt bài viết này chỉ là những lát cắt, những câu chuyện nhỏ chúng tôi may mắn được ghi chép lại từ những người bạn, những thầy giáo, những người hoạt động văn nghệ cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Có người, có mẩu chuyện, có thể công chúng đã biết. Nhưng cũng có nhân chứng lần đầu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sáng tác và hoạt động văn nghệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải rộng trong không gian từ Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rang đến Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn.

Với những chất liệu này, loạt bài viết TRỊNH CÔNG SƠN, NHẸ GÓT LÃNG DU ngõ hầu giúp đọc giả hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, biểu diễn, sự lan tỏa nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, hiểu hơn về đời sống tinh thần cùng bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này…

Không chỉ là những câu chuyện có không gian địa lý cụ thể, những vùng đất người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua, mà còn là những không gian hoài niệm về tình yêu, về quê hương đất nước, là chất liệu và nguồn cảm xúc dạt dào giúp Trịnh Công Sơn viết nên những sáng tác bất hủ…

nha-bao-tran-thanh-hung-phong-van-nha-van-nguyen-thanh-ty-2-1-1649041107.JPG

Nhà báo Trần Thanh Hưng phỏng vấn nhà văn Nguyễn Thanh Ty.

Ảnh : Trần Ngọc Trác, Nguyễn Đức Đệ

***

Kỳ 2: NHÌN NHỮNG MÙA THU ĐI…

Nhìn những mùa thu đi

em nghe sầu lên trong nắng

và lá rụng ngoài song

nghe tên mình vào quên lãng

nghe tháng ngày chết trong thu vàng

Nhìn những lần thu đi

tay trơn buồn ôm nuối tiếc

nghe gió lạnh về đêm

hai mươi sầu dâng mắt biếc

thương cho người rồi lạnh lùng riêng…

Tuổi trẻ của TS Thái Kim Lan ở Huế là thời hoa niên cùng Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường...

Chịu ảnh hưởng của Jean Paul Sartre, Albert Camus...giới trí thức Huế bấy giờ đều mang một hoài bão dấn thân cho xã hội. Họ khát khao học để đóng góp vào xây dựng đất nước, để mỗi người có thể kiêu hãnh về đất nước của mình, chứ không phải học để có việc làm, kiếm được nhiều tiền hoặc quyền chức.

Huế dạo ấy đang độ vào thu, ban đêm mưa sầm sập trên mái nhà, buổi sáng sớm trời trong trẻo, một thứ trong suốt như đóng đinh vạn vật dừng lại ở một điểm cố định.

TS Thái Kim Lan cùng bạn bè ôm ấp những lý tưởng, những hoài vọng, những ước ao, những đợi chờ của tuổi hai mươi, và đếm ngày tháng bằng Nhìn những mùa thu đi...Bà kể lại:

Bài nhạc thật là đơn giản về âm giai thể điệu, đề tài mùa thu, một đề tài quen thuộc trong thi ca rất dễ bị rơi vào sáo ngữ, đã có Tiếng thu của Lưu Trọng Lư không tiền khoáng hậu, đã có Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong khó quên trong lòng người, Thu vàng của Cung Tiến âm vang…Nhưng Nhìn những mùa thu đi đã là bước đầu thành công của cuộc hành trình ca khúc Trịnh Công Sơn. Có thể nói hành trình ca khúc Trịnh Công Sơn thực sự bắt đầu từ Nhìn những mùa thu đi chứ không phải Ướt mi, dù Ướt mi đã làm cho người ta biết đến Trịnh Công Sơn…

Gió heo may đã về

chiều tím loang vỉa hè

và gió hôn tóc thề

rồi mùa thu bay đi

trong nắng vàng chiều nay

anh nghe buồn mình trên ấy

chiều cuối trời nhiều mây

đơn côi bàn tay quên lối

đưa em về nắng vương nhè nhẹ

Huế, Tết Mậu Thân năm 1968. Hội trường được tận dụng làm nơi tạm giam trí thức và sinh viên, học sinh Phật tử đã biểu tình, tuyệt thực chưa được định tội rõ ràng. Vì tội trạng chưa rõ và được xem là những thành phần không đáng để ý nên họ được đối xử tương đối tử tế.

Theo TS Thái Kim Lan, ban đầu có đến hơn 500 người, sau đó được thả ra dần hoặc chuyển đi nơi khác, còn lại năm mươi, sáu mươi người. Buổi sáng sớm, họ thường được điểm tâm bằng tiếng huýt sáo của ai đó ngoài hiên. "Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng, và lá rụng ngoài song...". Buổi xế trưa bỗng nghe có ai cao giọng lê thê : "gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè, và gió hôn tóc thề, rồi mùa thu bay đi...". Và buổi tối có giọng ai âm thầm ở trong một góc phòng của hội trường : "và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng... thương cho người... lạnh lùng riêng".

TS Thái Kim Lan hồi tưởng, chưa bao giờ trong đời bà đã nghe và đã hát một bài hát nhiều lần và trong một quãng thời gian dài liên tiếp ba tháng như thế. Bài ca có lẽ đã bỏ trong túi lâu ngày, chưa được phổ biến, đến tay họ thì mực đã nhạt nhoè. Để tập hát, bà cùng bạn bè xúm nhau lại trên thềm xi măng của một gian phòng rộng lớn gọi là hội trường của Nha Cảnh sát Trung nguyên Trung phần (bây giờ là Đại học Sư phạm Huế). Lúc ấy tạm sử dụng làm phòng giam những thành phần trí thức Phật tử trong phong trào đòi bình đẳng tôn giáo do việc cấm treo cờ Phật giáo vào ngày Phật Đản năm 1963 và việc xe tăng cán chết 14 em gia đình Phật tử vào đêm Phật đản tại thành phố Huế.

TS Thái Kim Lan kể tiếp: "Chúng tôi, sinh viên Phật tử, Gia đình Phật tử, các giáo viên và giáo sư đều đồng thời bị bắt một loạt trong đêm 20.08.1963, đêm các chùa bị tổng tấn công trên khắp miền Nam Việt Nam. Có người đang ngủ ở nhà cũng bị mời vào".

ts-thai-kim-lan-1-1649041107.jpg

TS triết học Thái Kim Lan, Cộng hòa liên bang Đức

Ảnh : Trần Ngọc Trác, Nguyễn Đức Đệ

Mảnh giấy ghi bài Nhìn những mùa thu đi trong túi áo của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở thành bài hát cho đỡ buồn, cũng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói hát cho vui trong suốt những ngày tháng bị giam cầm của họ. Nhưng chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa họ đến một cảm nhận mới, một thể cách tân thanh đến từ chính ý thức của người nghe: họ hát Nhìn những mùa thu đi bằng mỗi cái nhìn mùa thu như một thể cách mình biết riêng cho mình, một thể nghiệm riêng cho mỗi cảm nhận lời ca của mỗi một cá nhân.

Họ hát cái nhìn của một thế hệ thanh niên trí thức, vào một sáng mai thức dậy bỗng nghe gió heo may lùa vào khe cửa. Hay vào một buổi trưa nắng le lói trên vỉa hè của đường phố thưa thớt người qua lại. Hoặc vào buổi chiều tím bên sông. Nỗi nhìn mùa thu trở thành sự rung động mùa thu.

TS Thái Kim Lan kể lại, “…Trong hành trình ca khúc của Trịnh Công Sơn, với Nhìn những mùa thu đi, Trịnh Công Sơn đã mở ra bằng cái nhìn của mình một thế giới âm thanh mới và khác lạ, thể cách và âm điệu sinh động vượt ra khỏi những cảm nghĩ khuôn sáo cũ, đi thẳng vào tâm thức người nghe, làm tiền đề cho tiếng hát Trịnh Công Sơn…Và có lẽ không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà trong tiếng hát Trịnh Công Sơn, chữ vô (hư vô, vô thường) đã được ngâm nga một cách tân kỳ so với lời ca của những người đi trước và người đồng thời, ngoại trừ âm nhạc Phật giáo.

Chỉ khác nhau ở cách đặt vấn đề, với bài hát mùa thu bằng cái nhìn mùa thu, có thể nói hành trình ca khúc của Trịnh Công Sơn đã từ giã khuôn khổ của âm nhạc Việt Nam trước đó để cảm ứng được những trầm tư, thao thức và khát vọng của thế hệ chính mình và thế hệ kế tiếp mà khởi sắc giai điệu riêng tư của mình.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nắm được yếu tố cốt tủy của âm thanh trong lòng đất Huế, đã triển khai được âm giai trầm của tiếng Huế làm thành thể chất căn bản cho ca khúc. Âm thanh chậm rãi, lưu luyến chảy vào tâm thức như một ý tưởng, một suy tư đang được ánh trăng thanh lọc khỏi những nứt rạn khô khan, cằn cỗi, gượng ép của tư tưởng mà trở thành dòng suối tâm thức tuôn chảy không ngừng.

Trong bước đầu sáng tạo, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang từ trong giảng đường đi ra, vừa đi vừa làm một tiểu luận - và Nhìn những mùa thu đi là một tiểu luận về ý niệm thời gian mà anh đã điểm nhãn bằng giai điệu rung cảm của Huế và của tất cả những gì đã diễn biến, lưu lại trong lòng Huế kể từ năm 1963…

Đã mấy lần thu sang

công viên chiều qua rất ngắn

chuyện chúng mình ngày xưa

anh ghi bằng nhiều thu vắng

đến thu này thì mộng nhạt phai…

(Hết kỳ 2, đón đọc kỳ 3 bới tựa đề Biển nhớ)

***

Loạt bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ đặc biệt của:

Nhà sử học Trần Viết Ngạc, TP HCM

Nhà văn Nguyễn Thanh Ty, Hoa Kỳ

TS triết học Thái Kim Lan, Cộng hòa liên bang Đức

Trần Thanh Hưng