Có người, có mẩu chuyện, có thể công chúng đã biết. Nhưng cũng có nhân chứng lần đầu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sáng tác và hoạt động văn nghệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải rộng trong không gian từ Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rang đến Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn.
Với những chất liệu này, loạt bài viết "Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du" nhằm cung cấp thông tin giúp độc giả hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, biểu diễn, sự lan tỏa nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, hiểu hơn về đời sống tinh thần cùng bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này…
Không chỉ là những câu chuyện có không gian địa lý cụ thể, những vùng đất người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua, mà còn là những không gian hoài niệm về tình yêu, về quê hương đất nước, là chất liệu và nguồn cảm xúc dạt dào giúp Trịnh Công Sơn viết nên những sáng tác bất hủ…
***
Kỳ 1: ƯỚT MI
Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa,
Đừng than trong câu ca...
Buồn ơi trong đêm thâu,
Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về,
Có ấm từng cơn mơ em chưa...
Các ca khúc Sương đêm, Sao Chiều, Chơi vơi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác khi ông mới 17 tuổi, ông sinh năm 1939. Nhưng tác phẩm được công bố đầu tiên chính là ca khúc Ướt mi, ông viết vào năm 1958. Và mãi sau này, ông mới nhờ ca sĩ Thanh Thúy hát. Nhờ đó công chúng yêu nhạc lúc bấy giờ mới biết đến ca khúc Ướt mi là ca khúc đầu tiên được công bố của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...
Ông Nguyễn Thanh Ty là bạn học cùng lớp với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Trường Sư phạm Qui Nhơn trước 1975 và cùng nhận nhiệm sở dạy học tại Bảo Lộc, ở cùng phòng trọ tại Bảo Lộc với nhạc sĩ từ năm 1964-1967. Ông Ty kể lại: “… Thầy Sơn kể tôi nghe hoàn cảnh sáng tác hai ca khúc Ướt mi và Thương một người là hồi Trịnh Công Sơn mới 17 tuổi, vào học ở Sài Gòn. Bấy giờ, ca sĩ Thanh Thúy đã nổi tiếng. Trịnh Công Sơn rất mơ Thanh Thúy, tối nào cũng mò đến nghe Thanh Thúy hát rồi về mới viết bản Ướt mi, rồi run rẩy lén lén lên tặng cho Thanh Thúy nhưng Thanh Thúy không biết anh ta là ai...”
Theo lời ông Ty, một lần ngồi ở nhà hàng Mỹ Cảnh, Sài Gòn, chàng trai trẻ Trịnh Công Sơn đã viết vào một mảnh giấy nhỏ, đề nghị ca sĩ Thanh Thúy hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Điều chàng bất ngờ là Thanh Thúy đã hát bài này với một cảm xúc thật mãnh liệt, và nàng đã bật khóc. Những giọt nước mắt đọng trên vành mi của người ca sĩ tuổi mới tròn trăng đã gieo vào lòng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nỗi xúc cảm tràn ngập để chàng viết thành ca khúc Ướt mi.
Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về
Nghe não nề...
Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya
Lạnh ướt mi
Ai còn buồn khi lá rớt trong một cuối đông....
Mãi đến hai tuần sau, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì vào một đêm, vừa bước lên bục biểu diễn, khi ban nhạc mới dạo khúc mở đầu thì ca sĩ Thanh thúy ra dấu cho ban nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị ! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn”. Nói xong, ca sĩ quay sang ban nhạc, đưa tờ nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho ban nhạc và dàn nhạc bắt đầu trỗi nhạc lên….
Sau này Trịnh Công Sơn kể lại với ông Ty, anh rất hồi hộp không biết rồi người đẹp Thanh Thúy có hát bài hát của mình không. Nhưng không ngờ, ngay sau đó, Thanh Thúy hát Ướt mi rồi nói tác giả là ai xin đến cho tôi gặp. Lúc này, Trịnh Công Sơn mới vừa mừng, vừa hồi hộp lên gặp Thanh Thúy.
Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi
Buồn đi trong đêm khuya
Buồn rơi theo đêm mưa…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại rằng, ông đã run lên trong lòng vì sung sướng và xúc động. Khi dứt tiếng hát, ca sĩ Thanh thúy dừng lại khá lâu, có ý chờ người tặng nhạc cho cô hát. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thu hết can đảm, bước lên và nói: “Xin cám ơn Thanh Thúy đã hát bài nhạc của tôi”. Ca sĩ “A” lên một tiếng ra vẻ bất ngờ rồi nói tiếp: “Thúy rất cám ơn anh đã tặng cho bản nhạc. Thúy muốn nói chuyện riêng với anh được không ?”. Ông luống cuống gật đầu… rồi cùng nàng đón xe về nhà nàng, một căn nhà trọ ở sâu trong một ngõ hẻm...
Cũng chính từ ngõ hẻm nhà ca sĩ Thanh Thúy mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác tiếp ca khúc nổi tiếng Thương một người. Thương một người có ca từ hết sức thương cảm: Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi... Thương nụ cười và mái tóc buông lơi. Mùa thu úa trên môi, từng đêm qua ngõ tối, bàn chân âm thầm nói. Lặng nghe gió đêm nay, ngại buốt quá đôi vai. Bờ vai như giấy mới, sợ nghiêng hết tình tôi…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng kể cho ông Ty, sau đó ông về ở chung với Thanh Thúy. Ca sỹ Thanh Thúy nuôi Trịnh Công Sơn một thời gian, thì Trịnh Công Sơn biết Thanh Thúy có hoàn cảnh rất thương tâm. Thanh Thúy có một người mẹ đang ở Phan Thiết già yếu, bị bệnh phổi, hàng đêm, ca sĩ hát lấy tiền về nuôi mẹ. Thương một người chính là tình cảm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn gửi gắm qua đó dành cho Thanh Thúy.
Như vậy, Ướt mi và Thương một người chính là hai bản nhạc trong "thủa vào đời” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những kỷ niệm thật đẹp với nữ ca sĩ Thanh Thúy…
Còn mưa trong đêm nay
Lòng em buồn biết mấy
Trời sao chưa thôi mưa
Ôi mắt người em ấy
Từ đây thôi mờ
Nước mắt buồn mi em ngây thơ...
(Hết kỳ 1, mời quý đọc giả đón đọc kỳ 2 với tựa đề Nhìn những mùa thu đi)
Loạt bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ đặc biệt của:
Nhà sử học Trần Viết Ngạc, TP.HCM
Nhà văn Nguyễn Thanh Ty, Hoa Kỳ
TS triết học Thái Kim Lan, Cộng hòa liên bang Đức