Theo chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, mưa liên tục từ đêm 14 và ngày 15/10 khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt. Do ảnh hưởng của lưa lướn nên trên các sông ở Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên các sông ở thượng lưu từ 3 - 5 m, hạ lưu từ 1 - 3 m.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, trong ngày 15/10, tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200 - 300 mm.
Dự báo sẽ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối tại các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và Minh Long. Do đó, lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo các địa phương ghi nhận thực tế, nắm tình hình và sẵn sàng phương án di dời người dân khi có nguy cơ sạt lở núi xảy ra.
Ghi nhận thực tế tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, nhiều khu vực do lượng mưa lớn, kéo dài nhiều giờ liền đã khiến mực nước dâng cao, một số nơi nước tràn từ sông, suối vào các khu vực trũng thấp có nhà dân sinh sống.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngày 15/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi Công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu cần thông tin kịp thời, đầy đủ về dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất đến người dân biết chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; hướng dẫn người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao bị chia cắt do sạt lở đất dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để chủ động đề phòng sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày.
Kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Đặc biệt, lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long.
Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm như ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở… khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo, ngăn cấm; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.
Trên cơ sở phương án ứng phó thiên tai đã được lập, phê duyệt, rà soát, xây dựng kịch bản chi tiết di dời, sơ tán dân cho các tình huống sạt lở đất, lũ quét, vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập sâu.
Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp. Sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó thiên tai.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vũ trang tại địa phương sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác ứng phó thiên tai.
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên thông báo cho cơ sở sản xuất kinh doanh về diễn biến mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn cho cán bộ, công nhân, nhà máy, công xưởng và các hệ thống thiết bị, tài sản.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục trước, trong và sau lũ, nhất là các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất. Thông báo đến các địa phương, cơ sở giáo dục tùy tình hình diễn biến mưa lũ tại địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học, rà soát kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học khu vực vùng trũng, có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công, mỏ vật liệu xây dựng, đặc biệt là công trình, mỏ trên sông, suối, ven biển, cửa sông, sườn dốc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về người, thiết bị và công trình.
Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, chủ các hồ chứa thủy điện triển khai phương án vận hành và bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, từ sáng 15/10, trên địa bàn tỉnh có mưa rất to, tập trung tại các huyện phía bắc tỉnh.
Cụ thể, lượng mưa đo được từ 5 giờ đến 12 giờ ngày 15/10 tại một số trạm: Bình Tân: 203 mm, Bình Khương: 181 mm, Bình Mỹ: 157 mm, Trà Phú: 143 mm, Trà Thanh: 117 mm.
Dự báo mưa lớn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến ngày 17/10, với lượng mưa phổ biến từ 200 mm đến 300 mm, có nơi trên 350 mm, gây nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, sạt lở đất tại khu vực miền núi.