TP.HCM: Gia hạn và tăng vốn thực hiện dự án kênh rạch tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm

Dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên dài nhất TP. HCM được thực hiện với mục tiêu giúp địa bàn thành phố tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông.
a1-1731575812.jpg
Dự án cải tạo kênh dài nhất TP. HCM, góp phần chỉnh trang cho khu vực và giải quyết ô nhiễm môi trường.

Sáng ngày 14/11, tại kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP. HCM khoá X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố đã trình bày tờ trình quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Với tổng chiều dài tuyến gần 32km, đi qua quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và được đánh giá là kênh dài nhất TP. HCM.

Kế hoạch của dự án được vạch rõ, với mục tiêu thoát nước và chống ngập cho các địa phương đi qua, hình thành tuyến giao thông thuỷ bộ kết nối TP. HCM đi các tỉnh miền Tây qua cửa ngõ Long An, đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai (không đi qua trung tâm Thành phố), nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hoá, góp phần chỉnh trang cho khu vực và giải quyết ô nhiễm.

Theo UBND TP. HCM, dự án này sẽ được kéo dài thêm thời gian thực hiện một năm với mức tăng hơn 830 tỷ đồng đầu tư. Cụ thể về lý do tăng mức đầu tư, chính là chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng có sự thay đổi. Bên cạnh đó, dự án cũng phải thực hiện di dời 7 trụ điện cao thế, nâng cấp 2 tuyến đường dây 500Kv đạt cao trình đúng quy định, di dời, tái lập các hạng mục công trình thuộc khu chôn lấp rác Gò Cát.

Ngoài ra, chi phí xây dựng của dự án cũng gia tăng do đầu tư bổ sung các hạng mục đường giao thông, hệ thống lấy nước phòng cháy chữa cháy, 39 cửa xả, cửa van ngăn triều, cống. Bên cạnh đó, chi phí quản lý dự án tăng theo tỷ lệ chi phí xây dựng, chi phí thiết bị. Tuy nhiên, các loại chi phí có điều chỉnh giảm so với trước đây là chi phí thiết bị, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng và các chi phí khác.

Đi sâu vào thời gian thực hiện dự án, theo quyết định tại kỳ họp, Thành phố đã đồng ý cho dự án được điều chỉnh từ giai đoạn 2021 - 2025 thành 2021 - 2026. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố sẽ chi hơn 8.000 tỷ đồng để đầu tư hoàn thành dự án theo tiến độ; giai đoạn 2025 - 2026 sẽ chi gần 995 tỷ đồng để thực hiện các công tác như thanh toán chi phí giữ lại của các gói thầu, thực hiện bàn giao, quyết toán và kết thúc dự án. Tóm lại, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh từ 8.200 tỷ đồng thành hơn 9.000 tỷ đồng.

Mặt khác, dự án cũng tăng quy mô sử dụng đất thêm gần 3.600m2. Phần đất này được dùng để bố trí đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật suốt tuyến theo đúng phương án thiết kế. Phần đất này là đất công, do Nhà nước quản lý nên không phát sinh chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nhìn chung, đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Dự án khi hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ làm nền tảng cho sụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong tương lai.

Dự án lúc đầu dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, sau đó rút ngắn xuống dịp 30/4/2025. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), tiến độ thi công chỉ đạt 37,9% sau gần hai năm triển khai./.

Quốc Cường - Võ Nga