Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
Trong Báo cáo nêu Lạng Sơn luôn xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực.
Việc chú trọng Kinh tế số được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp tất cả các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số – DTI, Lạng Sơn luôn nằm trong tốp những địa phương dẫn đầu.
Việc triển khai kinh tế số luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm, triển khai và đạt được những kết quả tích cực; 100% các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán học phí, phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (bao gồm cả các trường bán trú và nội trú chưa phát sinh.
Với các ngân hàng thương mại chủ động triển khai, ứng dụng các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại theo xu hướng phát triển ngân hàng số, mở rộng ứng dụng thanh toán điện tử góp phần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; phối hợp với các cơ quan truyền thông phổ biến, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời cho khách hàng về quy trình thủ tục, thao tác thực hiện và các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; từ đó, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả: tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt khoảng 75%; trên 90% điểm kinh doanh cố định có dịch vụ thanh toán điện tử qua mã QR Code; 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khai báo hóa đơn điện tử.
Lạng Sơn tiếp tục phát huy vai trò của Tổ CNSCĐ trong việc phát triển kinh tế số; ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tập huấn, hướng dẫn các Tổ CNSCĐ cách thức phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số. Chữ ký số công cộng tiếp tục được cấp miễn phí cho người dân sử dụng nộp hồ sơ TTHC10, góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó xây dựng, phát triển thị trường thương mại số của tỉnh lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi sàn thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng. Tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại số. Đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong cộng đồng. Phát triển nền tảng thương mại số thông qua chuỗi giá trị, hình thành chuỗi cung ứng trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh với các nhà sản xuất, phân phối và các công ty thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử cho người dân
Lạng Sơn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế số đã đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh triển khai kinh tế số, phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử cho hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo cách làm truyền thống, giúp cho hộ gia đình ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số. Triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm từ ứng dụng công nghệ số.
Song song với đó, Lạng Sơn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành, chuyển đổi phương thức hoạt động trong các thành phần của nền kinh tế; trọng tâm là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và dữ liệu lớn (Bigdata) phục vụ phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu số cho lãnh đạo các cấp, các ngành điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết, giúp người dân biết cách sử dụng DVCTT, mua, bán các sản phẩm, dịch vụ qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các dịch vụ số thiết yếu phục vụ cuộc sống, áp dụng các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để tự bảo vệ mình và bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng...
Đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông 4G, hướng đến phát triển mạng viễn thông 5G, thực hiện kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển theo cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà nền tảng là công nghệ số.
Lạng Sơn ý thức nòng cốt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo mục tiêu trong Kế hoạch này. Chủ động thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, làm chủ công nghệ lõi, đảm bảo an toàn./.