Tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu giữa GIZ với Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ngày 13/11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành tiếp và làm việc với bà Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ Việt Nam. Hai bên trao đổi về các nội dung liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
tin-sau-81-1731569208.png
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành tiếp và làm việc với bà Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ Việt Nam.

Phát biểu tại buổi trao đổi, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận, Bộ TN&MT và GIZ đã có lịch sử hợp tác bền vững trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, với một số dự án giảm thiểu phát thải khí nhà kính, cải thiện quản lý tài nguyên nước và phát triển chính sách môi trường.

Điển hình là Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA). Dự án có thời gian triển khai trong 4 năm (2019 - 2023) với tổng nguồn vốn 10,3 triệu EUR. Mục tiêu nhằm tăng cường năng lực hỗ trợ triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại 5 Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng với 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Dự án gồm 5 hợp phần: Tăng cường năng lực xây dựng, rà soát, cập nhật, triển khai, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Thỏa thuận Paris; Tăng cường khung pháp lý thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và lồng ghéo NDC vào Chiến lược ngành; Thực hiện thí điểm thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Hà Tĩnh và Quảng Bình; Xây dựng một số hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA); Tăng cường điều phối các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu toàn cầu IKI.

Trao đổi về dự án này, bà Michaela Baur Giám đốc Quốc gia GIZ Việt Nam cho biết, hiện nay, GIZ đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris - Giai đoạn II (VN-SIPA II) do Cục Biến đổi khí hậu là chủ dự án. Đây là một sáng kiến quan trọng, góp phần tăng cường năng lực quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến giảm phát thải và thích ứng.

Dự án này không chỉ mang lại lợi ích trong việc cải thiện môi trường sống mà còn tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận và triển khai các công nghệ xanh, nâng cao năng lực của các cơ quan địa phương và Trung ương trong việc thực thi các chính sách khí hậu.

tin-sau-8-1731569206.jpg
Tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu giữa GIZ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đánh giá cao dự này, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ: Với sự triển khai hiệu quả, dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đạt được các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong tương lai. “Bộ cam kết sẽ chỉ đạo sát sao các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt và hợp tác chặt chẽ với GIZ, bảo đảm dự án được thực hiện theo đúng lộ trình, mang lại hiệu quả cao nhất”, Thứ trưởng khẳng định.

Tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, bà Michaela Baur khẳng định về việc GIZ hỗ trợ Dự án Tăng cường quản lý rác thải rắn đô thị tại các nước ASEAN (AMUSE) do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường là chủ dự án. Đây là một dự án thiết yếu trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại những giá trị to lớn cho Việt Nam trong việc xây dựng một hệ thống quản lý rác thải hiệu quả, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái.

“Chúng tôi đặc biệt kỳ vọng rằng dự án sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng năng lực quản lý chất thải và áp dụng các giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực này”, bà Michaela Baur bày tỏ.

Với tầm quan trọng của dự án AMUSE, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh quy trình thẩm định, phối hợp với GIZ để bảo đảm tiến độ và hiệu quả triển khai dự án, nhằm mang lại những tác động tích cực và bền vững cho Việt Nam.

Mong muốn GIZ sẽ đồng hành, kết nối để chia sẻ các bài học kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến liên quan đến các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng thị trường carbon, trao đổi tín chỉ carbon, các chương trình hợp tác sẽ tập trung vào các vấn đề thực tiễn, giúp Việt Nam hội nhập với các nền kinh tế đang phát triển và phát triển./.

Hương Lan