Theo Công điện, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị đường bộ, đường sắt và các Sở GTVT khu vực Tây Nguyên, Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) khẩn trương, tập trung ứng phó mưa lũ trên địa bàn.
Theo đó, lực lượng chức năng của các địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông.
Cấm đường tại các vị trí nguy hiểm (ngầm tràn, cầu, phà…) trên các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ; kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến quốc lộ.
Có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân khi đi qua các khu vực bị ngập lụt. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc và nhân lực... ở những vị trí trọng yếu, thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.
Việc triển khai khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông phải bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước... sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện. Bên cạnh đó, có kế hoạch dừng chạy tàu tại các khu gian trong vùng mưa lũ để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, các lực lượng chức năng của địa phương trong việc khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra.
Các Sở GTVT tiến hành phân luồng, bảo đảm giao thông thông suốt và hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người dân đang di chuyển đi qua địa bàn quản lý, hướng dẫn di chuyển đến các vị trí tránh, trú an toàn khi có mưa to gió lớn; có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập lụt.
Trước đó, do tình hình mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 28-30/7 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tại khu vực Đèo Bào Lộc đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất đá. Cụ thể, tại Km104+ 100, QL20, vào lúc 11h40 ngày 30/7 xảy ra sạt lở ta luy dương; khối lượng đất, đá sạt lở tràn xuống mặt đường khoảng 50m3; gây ùn tắc giao thông; đại diện Khu QLĐBIV, nhà thầu quản lý, BDTX phối hợp với Phòng CSGT, Công an tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức điều tiết giao thông. Đến 12h, phương tiện đã lưu thông được 1 chiều, đến 13h30 đã thông xe 2 chiều trên đoạn tuyến.
Tại Km103+100, QL20 (khu vực Trạm kiểm tra CSGT trên đèo Bảo Lộc): Vào lúc 14h30 ngày 30/7 xảy ra sạt lở mái taluy dương; khối lượng đất đá sạt lở tràn ra toàn bộ mặt đường rất lớn khoảng 6.000-8.000m3 (chiều dài sạt lở khoảng 50m, cao 3m). Khu QLĐBIV, nhà thầu quản lý, BDTX tiếp tục huy động nhân lực, thiết bị khắc phục (09 máy đào, 03 máy xúc, 02 máy đào, 02 xe cẩu, 01 xe ben…) để tăng cường công tác hốt dọn đất đá. Tại thời điểm sạt lở đất đá đã làm mất tích 3 cán bộ chiến sĩ CSGT và 1 người dân. Đến khoảng 22h ngày 30/7, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của tất cả 4 nạn nhân bị vùi lấp tại Chốt CSGT trên đèo Bảo Lộc.
Ngày 31/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 691/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.