Sáng 14/11, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn có buổi làm việc, tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Bà Rịa-Vũng Tàu. Cùng với đó, nhờ tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp về cải cách hành chính, môi trường đầu tư, đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối giúp tỉnh tiếp tục trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong đó, các nhà máy hóa chất với vốn đầu tư hàng tỷ USD của Tập đoàn SCG (Thái Lan) và Hyosung (Hàn Quốc) đã bước đầu giúp Bà Rịa-Vũng Tàu hình thành ngành công nghiệp mới - công nghiệp hóa chất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp hóa đầu đang phải đối diện với nhiều khó khăn do chịu tác động bởi chu kỳ suy thoái, do đó, các DN điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và có các kiến nghị tháo gỡ khó khăn về chính sách. Các kiến nghị thuộc thẩm quyền đã được tỉnh khẩn trương hướng dẫn, giải quyết theo quy định. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, trong 10 tháng của năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, tài chính (11/12 chỉ tiêu) tăng trưởng cao hơn mức kế hoạch cả năm 2024.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc và đạt kết quả rất ấn tượng, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt duy trì đà tăng trưởng cao, như: Chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, các sản phẩm từ hóa chất, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...
Khối lượng hàng hoá thông qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải ước đạt 76,72 triệu tấn, tăng 23,74% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch 10 tháng ước đạt khoảng 4,5 triệu lượt, tăng 16,99% so với cùng kỳ; riêng khách quốc tế lưu trú ước đạt gần 230.000 lượt, tăng 16,72% so với cùng kỳ.
Số vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước cấp mới và tăng thêm trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng năm 2024 khoảng 1,9 tỷ USD và 37.575,8 tỷ đồng (tương đương 85.550,8 tỷ đồng), tăng gấp khoảng 1,86 lần so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 95,95% kế hoạch, vốn đầu tư trong nước đạt 168,3% kế hoạch.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao theo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, giải ngân khoảng 11.760 tỷ đồng, đạt trên 56% kế hoạch.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, các công trình trọng điểm, như dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cầu Phước An, các gói thầu tuyến đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận vượt tiến độ đề ra.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mong muốn các bộ, ngành hỗ trợ thúc đẩy các dự án đường Vành đai 4 TPHCM, nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo, chủ trương thí điểm cơ chế cảng mở tại Cụm cảng container khu vực Cái Mép.
"Tỉnh rất mong Cảng hàng không Côn Đảo được đầu tư nâng cấp đồng bộ, hoàn chỉnh có tầm nhìn dài hạn, trên nguyên tắc 'Nhà nước chỉ đầu tư những gì tư nhân không làm được'; gìn giữ, bảo vệ đất rừng, cảnh quan di tích lịch sử; có cơ chế đặc thù để thu hút doanh nghiệp do suất đầu tư cao hơn so với trên đất liền…", Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh bày tỏ.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn và Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina đã báo cáo về một số khó khăn trong quá trình vận hành của dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam" (tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD), dự án Nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG (tổng vốn đầu tư đăng ký 1,67 tỷ USD). Đây là 2 dự án có quy mô vốn đầu tư FDI lớn, đã cung cấp ra thị trường các sản phẩm hóa dầu có chất lượng cao với giá thành cạnh tranh, là nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp trong nước, các ngành công nghiệp hạ nguồn, bước đầu hình thành ngành công nghiệp hóa dầu.
Đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN đã trực tiếp trao đổi về kiến nghị của hai doanh nghiệp về ưu đãi thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu, thuế thu nhập doanh nghiệp, điều chỉnh dự án để sử dụng thêm nguyên liệu mới… trong bối cảnh ngành công nghiệp hóa dầu thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu suy giảm, sản xuất dư thừa, dẫn đến tỉ lệ vận hành thấp, cạnh tranh gay gắt, trên tinh thần "hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất trong nước".
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh khẳng định địa phương luôn sẵn sàng đồng hành cùng với doanh nghiệp để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cần có các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận những nỗ lực hết sức quyết liệt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là đầu tư kết cầu hạ tầng giao thông, thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hoá dầu.
Phó Thủ tướng lưu ý, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần rà soát, đánh giá, có biện pháp mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Đối với dự án nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với nhà đầu tư quan tâm đến dự án, thống nhất sơ bộ phương án đầu tư tổng thể bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường; đồng thời khẩn trương điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo.
Về chủ trương thí điểm cơ chế cảng mở tại cụm Cảng container khu vực Cái Mép, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính nghiên cứu, kiến nghị với cấp thẩm quyền để nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng này. Đồng thời, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần rà soát, nghiên cứu phương án kết nối với dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đồng bộ, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, không để xảy ra "xung đột cạnh tranh" làm ảnh hưởng đến lợi ích tổng thể.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về chủ trương xây dựng Trung tâm chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật và cơ sở nuôi động vật sạch bệnh; đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa-Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Dành thời gian trao đổi về từng kiến nghị của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn và Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động và đề xuất chính sách phù hợp đối với các vấn đề liên quan đến thuế xuất, nhập khẩu liên quan đến ý kiến của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để xem xét nghiên cứu phương án vận dụng cơ chế bảo hộ cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Bộ KH&ĐT phối hợp với doanh nghiệp rà soát nguyên nhân mà doanh nghiệp chưa thực hiện những cam kết trong giấy phép đầu tư để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện nhất quán, "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng để sử dụng nguồn nguyên liệu mới cho Tổ hợp lọc hoá dầu miền Nam.
Phó Thủ tướng đồng ý và đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina xây dựng Nhà máy sản phẩm sinh học Bio-BDO sử dụng đường thô dùng trong công nghiệp, có lộ trình phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế nguyên liệu nhập khẩu./.