Trẻ hy sinh quá nhiều vì con, già trở thành gánh nặng

Bước sang tuổi 50, cổ nhân dạy: "ngũ thập tri thiên mệnh", nghĩa là ở tuổi của mình thì số trời đã an phận và bắt đầu hình dung nhiều hơn về cuộc sống của bản thân khi tuổi về già.
102014203-univ-cnt-3-md-1653269315.jpg
 

Vậy khi nào thì được gọi là tuổi về già?. Người xưa qui ước "lục thập hoa giáp", tức là năm 60 tuổi, khi người ta đã đi hết 1 vòng 10 can x 12 con giáp thì được gọi là "người già". Vậy nên, khi chết dưới 60 tuổi vẫn chỉ là "hưởng dương", trên 60 tuổi người ta mới gọi là "hưởng thọ". Theo thống kê thì tuổi thọ trung bình của người Việt nam hiện nay nam là 72 tuổi và nữ là 79 tuổi, như vậy là giai đoạn tuổi già trung bình của người Việt nam hiện nay nam là (12 năm) và nữ là (19 năm), đứng thứ 2 đông nam á và thứ 84 trên thế giới.

Khoảng thời gian cuối đời này, chúng ta xứng đáng được sống vui vẻ và hạnh phúc sau bao thăng trầm vất vả. Nhưng giai đoạn này, chúng ta cũng rất dễ bị tổn thương, rất dễ trở thành người yếu thế. Còn theo các nghiên cứu, thì chất lượng cuộc sống của người già ở Việt Nam lại tồi tệ top đầu thế giới nếu tính theo các chỉ số. Cuộc sống của người già hạnh phúc được đánh giá là: sức khỏe tốt, các mối quan hệ thuận hòa, tự do tài chính, tự do thời gian, lạc quan, vui vẻ...

 Người già ở Việt Nam thường không được khỏe mạnh, quá nhiều phụ thuộc tình cảm, cảm xúc, kinh tế... vào con cái. Tôi nghĩ, có thể do truyền thống "trẻ cậy cha, già cậy con" mà người già Việt Nam phần lớn không có sự chuẩn bị cho tuổi già của mình, hoặc luôn xây dựng cuộc sống về già của mình với con cái làm trung tâm. Ngày nay, xã hội đã thay đổi một cách nhanh chóng, đi kèm đó là cả sự thay đổi về quan điểm sống và cách sống của giới trẻ. Hơn nữa, như các cụ đã dạy "nước mắt chảy xuôi, chứ có bao giờ chảy ngược?!". Nói toạc ra thì bản năng của muôn loài là ham muốn, hạnh phúc tột cùng khi được nuôi dưỡng, bảo vệ con của mình.

Khoa học đã chứng minh, não của cha mẹ khi bên con sẽ cực kỳ hưng phấn và hạnh phúc, đó là bản năng sinh tồn. Thực tế cha mẹ có thể cả đời cực khổ chăm sóc con cái không may mắn bị hoạn nạn, ốm đau, tật nguyền là bình thường và nhiều vô kể!. Nhưng con cái tận tâm chăm sóc cha mẹ ốm đau, bệnh tật dài ngày là hiếm vô cùng!.

Ở đời, cha mẹ luôn bao dung, tha thứ và bảo vệ cho con ngay cả khi nó phạm tội tày trời, nhưng rất nhiều con cái luôn sẵn sàng "từ mặt" người sinh thành chỉ cần khi nó nghĩ họ "có lỗi" với mình. Vậy nên, dân gian có câu: "cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày". Con cái chúng cũng còn có cuộc sống riêng, đứa nào chẳng có vợ, có chồng, có con, các mối quan hệ nội, ngoại, sự nghiệp... cũng đủ thứ áp lực, lo toan.

Tâm tư và nhu cầu sống của người già cũng luôn khác xa giới trẻ. Vì vậy, đặt trọn tuổi già của mình vào con cái, hoặc xây dựng cuộc sống cuối đời của mình khi lấy con cái làm trung tâm là rất rủi ro và phức tạp. Hành trang của tuổi già hạnh phúc cần chuẩn bị cả một quá trình từ rất sớm. Làm sao tuổi già của bạn khỏe mạnh khi mà ngoài 60 tuổi rồi mới bắt đầu chăm sóc cơ thể?. Làm sao tuổi già của bạn có được các mối quan hệ tốt đẹp với vợ chồng, con cháu, anh em, bạn bè... khi mà ngoài 60 tuổi rồi mới xây dựng các mối quan hệ với họ?.

Làm sao bạn tự do tài chính lúc về già khi mà ngoài 60 tuổi rồi mới tích lũy?. Làm sao bạn hạnh phúc với những đam mê, hoài bão khi mà ngoài 60 tuổi rồi mới đi thực hiện?. Làm sao bạn tự do thời gian khi ngoài 60 tuổi rồi vẫn phải bất đắc dĩ làm "ô sin" miễn phí cho con?. Làm sao bạn vui vẻ khi cuối đời rồi vẫn đầy dẫy những phiền muộn, lo toan?...

Nuôi dạy con cái đến tuổi trưởng thành là trách nhiệm của cha mẹ, nhưng vì chúng mà hy sinh tất cả, thậm chí quên mất cả cuộc sống tương lai khi lớn tuổi của mình là không đáng và chưa chắc đã tốt. Vì khi đó, bạn chẳng còn thời gian, tiền bạc mà chuẩn bị, xây dựng những hành trang cho tuổi già.

Nếu bạn hy sinh tất cả cho con cái, Khi về già thực sự bạn mới là gánh nặng, là vật cản đường trong cuộc sống của chúng. Ngược lại, thay vì hy sinh hết cho chúng, bạn để dành năng lượng ấy, sớm xây dựng cuộc sống của mình khi về già. Bạn hạnh phúc và thoải mái khi về già, đó là điểm tựa cực lớn cả về tinh thần lẫn hiện trạng cho con cái, cũng chính là đang thương và giúp đỡ con cái một cách thông minh nhất!. Thực ra, sinh ra và nuôi dạy 1 đứa con khỏe mạnh đến năm 18 tuổi, không để lại nợ lần, hoặc lý lịch xấu cho nó. Về cơ bản, bạn đã hoàn thành cực kỳ xuất sắc vai trò làm cha mẹ của mình.

Con người từ xa xưa luôn thuận theo qui luật là đấu tranh để tồn tại, người ta chỉ cố gắng để đạt được những thứ mình chưa có, chứ rất ít người cố gắng để đạt những thứ mình có rồi. Nếu bạn đã mua đất, xây nhà cho con thì nhiều hơn 90% là nó không cần cố gắng để làm lại điều đó.

Người ta cũng chỉ thường trân quí những gì khó khăn mình dành được, chứ rất ít khi trân quí những thứ có được quá dễ dàng. Karl Marx (Các Mác)viết: "đấu tranh là bà đỡ của sự phát triển", nếu bạn cố gắng ngăn cản sự đấu tranh sinh tồn của con bạn, thì bạn chính là người đã ngăn cản rất nhiều tiềm năng phát triển của nó. Chưa hết, nếu một đứa con thực sự tài năng thì chúng đâu cần tiền của bạn?. Ngược lại, nếu con bạn kém cỏi, thì liệu khi bạn chết đi, chúng có giữ được tiền của mà bạn đã dành cho?. Ai cũng đều có 1 vòng đời giống nhau và phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình.

Thực tế có biết bao đứa con huynh đệ tương tàn, chém giết lẫn nhau vì tranh dành tài sản của cha mẹ, ganh chia nhau nuôi cha mẹ từng ngày... Nhưng chắc chẳng có đứa con nào buồn khi cha mẹ có cuộc sống tuổi già khỏe mạnh, độc lập, tự do và hạnh phúc. "Hy sinh đời bố để củng cố đời con", là một trong những lời khuyên dại dột và lừa dối nhất mọi thời đại!.

Bạn cũng không cần phải quá giàu có để thực hiện ước mơ tuổi già hạnh phúc của mình, nếu như ý thức và có được sự chuẩn bị từ sớm. Ngược lại, lắm tiền, nhiều của mà không có sự chuẩn bị dẫn đến tính toán sai lầm, hoặc giàu lệch (có kinh tế nhưng thiếu sức khỏe, tình cảm, tri thức, trải nghiệm, tinh thần lạc quan...) thì vẫn có nguy cơ với tuổi già phải khổ đau, buồn tẻ như thường!.

Tạm thời, Hãy đếm ngược về tuổi của mình từ mốc trung bình cho nam là 72 tuổi và nữ là 79 tuổi để sớm biết, rằng đời người nó ngắn ngủi hơn chúng ta tưởng rất nhiều!. Cũng đừng quên, rằng đời người thực sự chỉ có 1 lần để sống. Nhục, vinh trong đời cũng chỉ là những nước cờ đang đánh, cuộc sống lúc về già mới là kết quả cuối cùng của ván cờ!. Vậy nên, trẻ thì cậy cha, còn già thì dứt khoát phải cậy nhờ vào những sự chuẩn bị của mình từ trước đó. Đấy mới là.... đỉnh của chóp./.

Đỗ Hà TH