Mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở Đồng Tháp đã giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính gần 5 tấn/hecta. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết mô hình thí điểm diễn ra 20/9 tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh được triển khai trong vụ Thu Đông năm 2024, tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười với diện tích 43,1ha (giống lúa OM18), có 20 hộ dân tham gia, áp dụng quy trình canh tác bền vững (sạ cụm, sạ hàng kết hợp vùi phân; giảm giống 70kg/ha; quản lý nước "ướt khô xen kẽ"…). Mô hình thực hiện liên kết với 5 công ty gồm: Phân bón Bình Điền, Sài Gòn Kim Hồng, Tư Sang, Bayer, Chơn Chính (bao tiêu đầu ra).
So sánh cùng ruộng đối chứng, các diện tích lúa tham gia mô hình giảm được nhiều chi phí đầu vào như: giảm 80kg/ha giống, giảm 50kg/ha phân bón (đạm nguyên chất, lân nguyên chất), giảm 5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất bình quân đạt 6,13 tấn/ha... Theo thống kê, mô hình giúp bà con giảm chi phí 1.605.000 đồng/ha, giảm 399 đồng/kg giá thành sản xuất, lợi nhuận cao hơn 4.281.657 đồng/ha so với ruộng đối chứng. Đặc biệt là giảm được 4,92 tấn CO2tđ/ha.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho rằng, mô hình là lời giải cho bài toán giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh cho cây lúa. Kết quả của mô hình này chính là nền tảng làm cơ sở để tỉnh nhân rộng tại các địa phương tham gia thực hiện Đề án như đã cam kết với Bộ NN&PTNT trong thời gian tới.
Nhằm triển khai Đề án đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện yêu cầu, trong công tác đánh giá kết quả mô hình cần lưu ý đến việc sử dụng giống lúa chất lượng và việc giảm giá thành để khuyến khích nông dân tham gia. Đối với các địa phương tham gia Đề án cần tổng hợp các nhu cầu về thiết bị báo cáo Sở NN&PTNT để kết nối với đơn vị thiết bị hỗ trợ nhằm triển khai đạt hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, mô hình Canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, mục tiêu trước tiên là hướng đến giảm giá thành sản xuất cho nông dân, do đó, đề nghị nông dân tuân thủ áp dụng quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chí mô hình. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp, nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện mô hình. Bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền đến người dân về Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”./.
Đồng Tháp là 1 trong 5 tỉnh được Bộ NN&PTNT lựa chọn thực hiện thí điểm Đề án. Theo đó, Đồng Tháp đăng ký diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 70.000ha và đến năm 2030 là 163.000ha, tại 8 huyện, thành phố gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, TP Hồng Ngự.