Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 21/9 tại Hà Nội.
Ngành chăn nuôi và thủy sản thiệt hại khoảng 4.500 tỷ đồng
Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng cao nhất trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Tính toán sơ bộ ban đầu, ngành thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng, ngành chăn nuôi cũng khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp Và Phát triển nông thôn), tính ngày 18/9, bão số 3 đã làm 22.514 con gia súc, 3.097.000 con gia cầm bị chết. Trong đó, 5 tỉnh bị thiệt hại lớn nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái.
Theo lãnh đạo Cục chăn nuôi, bên cạnh thiệt hại về gia súc, gia cầm chết thì cho đến nay thiệt hại về chuồng, trại chưa thể thống kê hết được. Cục Chăn nuôi đã hướng dẫn các địa phương vận dụng chính sách hiện có để tái đàn, xây dựng kế hoạch phục hồi, kịch bản về nguồn cung cấp giống...
Đến nay, Cục Chăn nuôi cũng kêu gọi được hơn 50 doanh nghiệp tài trợ tiền mặt, con giống, thức ăn... với tổng số tiền gần 79 tỷ đồng để giúp phục hồi chăn nuôi trong thời gian tới.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho biết ngành thủy sản thiệt hại nặng nề và chưa thống kê hết, do đó Cục đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi tái thiết lại nuôi trồng thuỷ sản và được các doanh nghiệp nhiệt tình tham gia. Theo số liệu ban đầu, Cục đã huy động được gần 85 tỷ đồng hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại và vẫn còn tiếp tục huy động.
Bên cạnh các doanh nghiệp thuỷ sản, chăn nuôi, các doanh nghiệp trong ngành thú y cũng đã đăng ký hỗ trợ tiền mặt, thuốc men... với tổng giá trị hơn 2,4 tỷ đồng để phục hồi chăn nuôi.
Thực hiện hiệu quả phân bổ nguồn lực tài trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp
Cảm ơn sự nhiệt tình chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định sẽ thực hiện hiệu quả công tác phân bổ nguồn lực tài trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cần công khai danh sách các tổ chức, doanh nghiệp được tài trợ và số tiền được phân bổ. Việc phân bổ nguồn tài trợ sẽ được thực hiện một cách công bằng, dựa trên nhu cầu và hoạt động của các đơn vị. Việc hỗ trợ sẽ thực hiện một cách cụ thể, tránh tình trạng hỗ trợ chung chung mà không đạt hiệu quả.
Chia sẻ thêm về các chính sách hỗ trợ phục hồi ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp chuẩn bị ban hành một nghị định mới về các chính sách hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng và đề xuất các giải pháp như hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.
Để giải quyết nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng khi các chính sách của Nhà nước được triển khai cùng với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về con giống, thức ăn, vật tư... thì chăn nuôi, thủy sản sẽ sớm phục hồi để đảm bảo nguồn cung cho trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới./.
Huyện Vân Đồn là một trong những địa phương có vùng nuôi và người nuôi trồng thủy sản lớn của Quảng Ninh. Trong đợt bão số 3, địa phương này có trên 1.340 cơ sở nuôi nhuyễn thể hàu, thưng, sần, ngao, tu hài, ốc) và nuôi cá (song, giò, chim ) bị thiệt hại.
Theo thống kê tổng sản lượng thuỷ sản trên địa bàn đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng trên 32.110 tấn; trong đó hàu 25.637 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn. Cùng các thiệt hại về thuỷ sản mới xuống giống, đang nuôi khác.
Ước tính thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản trên 2.280 tỷ đồng; trong đó hàu khoảng 1.353 tỷ đồng; cá 533 tỷ đồng, hải sản khác 395 tỷ đồng, cùng nhiều cơ sở vật chất nuôi trồng khác đang được rà soát thống kê.
Để cùng ngư dân "vượt bão," Ủy ban Nhân dân huyện Vân Đồn đã tổ chức gặp gỡ, động viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các ngư dân cùng sự tham gia của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn.
Qua đây lãnh đạo huyện nắm bắt được tâm tư của ngư dân và tiếp thu, đề xuất tỉnh, đơn vị liên quan nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân.
Tại buổi gặp mặt lãnh đạo huyện Vân Đồn cam kết sẽ luôn đồng hành với các cơ sở, người dân nuôi trồng thủy sản để tháo gỡ những khó khăn trước mắt; tạo điều kiện tối đa nhất giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh thông tin, đến ngày 31/7/2024, dư nợ ngành nông-lâm-thủy sản đạt 5.541 tỷ đồng, chiếm 2.96% tổng dư nợ của tỉnh.
Sau bão số 3 ngành lĩnh vực trên có 6.270 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ 1.463 tỷ đồng; trong đó có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Để kịp thời ổn định hoạt động ngân hàng đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 7417/NHNN-TD ngày 9/9/2024, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh đã có công văn số 785/ QUN1, ngày 10/9/20242024 để chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Trong đó đề nghị các tổ chức tín dụng chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng thiệt hại do cơn bão số 3; xem xét miễn giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng mất khả năng chi trả.