Cụ thể, Báo cáo Kinh tế - Xã hội tháng 3 và quý I/2024 của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 270.264 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt trên 61.000 tỷ đồng trong quý I, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với quy mô này, kinh doanh bất động sản chiếm gần 23% tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ và chiếm khoảng 15% GRDP của TP.HCM trong quý 1/2024.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, thị trường bất động sản “khởi sắc” khi Chính phủ và các doanh nghiệp thực hiện nhiều chính sách có liên quan về pháp lý, lãi suất, góp phần tăng tính thanh khoản và tiến độ triển khai các dự án.
Trước đó, các hãng dịch vụ bất động sản cũng dự báo thị trường TP.HCM năm nay cải thiện, với nhu cầu tiếp tục tăng ở phân khúc khách thuê khu công nghiệp, văn phòng và shophouse. Trong khi đó, thị trường nhà ở vẫn hạn chế về nguồn cung.
Song, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, 2 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn, là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI nhiều nhất và trên thị trường chứng khoán thì cổ phiếu bất động sản cùng với cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang dẫn dắt thị trường.
Với đà phục hồi này có thể nhận định là thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đến nay đã có 148 dự án bị vướng mắc pháp lý trên địa bàn được giải quyết nhờ nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và TP. Hồ Chí Minh. Các dự án tập trung vào các đơn vị kinh doanh bất động sản hàng đầu ở TP.HCM như: Novaland, Hưng Thịnh, Gotec Land, CapitaLand, Gamuda Land, Son Kim Land…/.