Theo văn bản, các trường hợp thường gặp gồm dự án phải rà soát lại về pháp lý đối với các dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công do sắp xếp lại, xử lý tài sản công, do di dời nhà xưởng bị ô nhiễm, do cổ phần hóa chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định, hoặc phải rà soát lại tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Thành phố hiện có 156 dự án bất động sản đang vướng mắc, trong đó vướng về pháp lý chiếm đến 70%. Trước đó, ngày 20/2, UBND Thành phố cũng đã ban hành văn bản tháo gỡ vướng mắc tại 116 dự án, nhưng đến 24/3, con số dự án được tổng hợp đã tăng lên 156.
Được biết, các dự án được tổng hợp bổ sung, nằm ngoài nội dung chỉ đạo ngày 20/2, UBND Thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi, thống nhất với HoREA. Sau đó, báo cáo lại UBND Thành phố chỉ đạo, phân công các đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thụ lý, giải quyết đối với các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc. Hoàn thành trước ngày 15/4.
Trước đó, HoREA thống nhất với Sở Xây dựng đề xuất phân nhóm vướng mắc để giao cho từng sở ngành giải quyết, nhưng vướng mắc pháp lý lại không được đề cập trong phân loại. Trong khi, nhóm vướng mắc này chiếm tới 70% trong 156 dự án. Do đó, HoREA kiến nghị Thành phố cập nhật nhóm dự án “vướng mắc pháp lý” vào việc phân loại vướng mắc.
Theo thống kê, tổng số dự án bất động sản đã và đang triển khai tại TP.HCM tính đến hết năm 2022 là 1.508 dự án, cao nhất cả nước, một lần nữa khẳng định TP.HCM vẫn là thị trường bất động sản lớn và sôi động nhất Việt Nam.
Xét về bức tranh toàn cảnh dự án bất động sản TP.HCM 2022 vẫn còn những mảng tối cố hữu như những sai phạm về pháp lý dự án, quyền sở hữu, dự án treo v.v cản trở sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường.
Trong đó, pháp lý dự án vẫn là một trong những mối lo ngại lớn nhất của người mua bất động sản. Những sai phạm về điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai, về quy hoạch, thiết kế dự án hay năng lực yếu kém của chủ đầu tư là những nguyên nhân khiến tình trạng dự án đã mở bán, nhận cọc nhưng không thể triển khai hoặc ngừng thi công suốt nhiều năm tiếp tục diễn ra.
Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản sẽ xuất hiện tín hiệu đảo chiều và cân bằng hơn vào khoảng cuối năm 2023, sau đó tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024. Kết quả khảo sát đối với môi giới cũng cho thấy có trên 50% đáp viên tin rằng thị trường sẽ phục hồi từ Quý 2/2023./.