Giá bất động sản tại nhiều nơi đã hạ nhiệt
Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn cho thấy giá bất động sản tại nhiều nơi đã hạ nhiệt. Nhiều điểm nóng ở TP.HCM như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, TP. Thủ Đức hay các khu vực “sốt” hạ tầng như Long Thành, Nhơn Trạch (Biên Hòa), Dĩ An, Tân Uyên, Bàu Bàng (Bình Dương)… giá bán đất nền, đất thổ cư mấy tháng qua đã giảm mạnh 20-40% so với đầu năm 2022.
Nhiều dự án căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh vệ tinh đang triển khai hay hoàn thiện được rao bán sang tay với mức giảm cả trăm thậm chí gần tỷ đồng nhưng vẫn ít người mua.
Không chỉ nguồn hàng thứ cấp từ dân đầu tư mắc cạn, ngay cả với thị trường giao dịch sơ cấp từ chủ đầu tư, giá bán và các chính sách ưu đãi cũng hấp dẫn hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều dự án sơ cấp ưu đãi chiết khấu về giá bán lên đến 30 – 40%, các chính sách thanh toán mua nhà, vay vốn mà người mua chiếm được nhiều lợi thế gần như sẽ không xuất hiện ở thời điểm thị trường tăng trưởng mạnh hay nóng sốt cũng được áp dụng rộng rãi.
Tuy vậy nhưng người mua có tiền, có nhu cầu mua ở hay đầu tư vẫn đứng ngoài quan sát, đắn đo, muốn chờ dò đáy của thị trường để không mua hớ giá.
Nhận xét về thực trạng trên, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, cho rằng, với người mua nhà ở thực, có vốn mạnh thì đây là cơ hội “có một không hai” để xuống tiền.
“Người mua đang ở trong tâm lý chờ đợi “bắt đáy”, mong thị trường giảm sâu hơn, nhưng thực tế không ai biết đáy ở đâu. Chính vì vậy, nếu cứ chờ đợi, người mua có thể bỏ qua cơ hội, thị trường đi qua đáy và bắt đầu đi lên trở lại”, ông Quyết nói.
Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc khối Kinh doanh Batdongsan.com.vn cũng cho rằng, việc dự đoán đâu là đỉnh, đâu là đáy chỉ là những nhận định mang tính cá nhân, chủ quan. Mỗi loại hình bất động sản đều có tiềm năng nhất định trên thị trường tùy thuộc vào từng thời điểm, chính sách nào đang tác động tới loại hình, phân khúc đó.
"Vậy nên nếu khách hàng đã tích lũy đủ tiền mặt, muốn mua các sản phẩm phù hợp với nhu cầu để ở hay tích lũy tài sản thì không cần quan tâm đến giá của căn nhà đó đã ở "đáy" hay chưa mà ngay khi thấy có sự điều chỉnh, có thể tranh thủ mua vào", ông Hảo cho hay.
Hiện nay, Chính phủ đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ cho thị trường như tín dụng, sửa các quy định của pháp luật… Các địa phương cũng tích cực hỗ trợ các dự án chậm triển khai hoàn thiện pháp lý để có sản phẩm tung ra thị trường. Nhiều khả năng thị trường sẽ sớm phục hồi và bắt lại nhịp sôi động.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng cho biết: “Vào thời điểm hiện tại, đây là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực. Nhưng các nhà đầu tư không nên nghĩ tới việc sử dụng vốn vay, phải chú ý pháp lý của dự án vì bây giờ không phải thời điểm mua để lướt sóng".
Chuẩn bị sẵn tiền để đón sóng phục hồi bất động sản?
Chia sẻ trong báo cáo mới đây, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đã tỏ ra đầy lạc quan khi nhận định về diễn biến của thị trường bất động sản thời gian tới. Theo ông, nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn tiền để đón sóng phục hồi trong năm nay.
Cụ thể, theo ông Lực, khi lãi suất vay vốn giảm sẽ có 3 tác động tích cực cho cả bên bán và bên mua.
Thứ nhất, chi phí vốn giảm và giá bán hấp dẫn hơn. Áp lực chi phí vốn đối với chủ đầu tư sẽ giảm bớt do tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý; từ đó có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường BĐS. Đồng thời, chủ đầu tư có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai các dự án mới; kết quả là nguồn cung mới sẽ được bổ sung cho thị trường.
Thứ hai, nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn. Trước đây, lãi suất cho vay ở mức cao là một trong những rào cản lớn đối với việc khách hàng ra quyết định mua bất động sản. Khi lãi suất vay vốn giảm, sẽ thúc đẩy nhu cầu mua nhà đất của khách hàng.
Thứ ba, tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường: Khách hàng có tâm lý chờ giá bất động sản giảm tiếp, làm thanh khoản thị trường trầm lắng. Vì vậy, trong bối cảnh lãi suất giảm dần, tình trạng trên có thể sẽ được cải thiện tích cực hơn.
“So với đầu năm, lãi suất cho vay hiện đã giảm 1-2%, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tác động của việc giảm lãi suất sẽ phân hóa giữa các chủ đầu tư, dự án khác nhau, giá trị bất động sản khác nhau. Các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án, có năng lực tài chính lành mạnh; các dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch, vị trí đẹp... sẽ có nhiều lợi thế hơn, được các ngân hàng ưu tiên giảm lãi suất và được khách hàng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn”, ông Cấn Văn Lực nhận định.
Tranh mua khi giá tăng cao, chần chừ khi giá giảm
Từng có ý định gom tiền và vay mượn thêm họ hàng để mua nhà khi chứng kiến làn sóng sốt đất vào đầu năm 2022 nhưng rồi anh Phạm Văn H. (Thuận An, Bình Dương) lại chọn “án binh bất động”, không tham gia thị trường khi giá nhà đang giảm.
Anh H. cho biết, thời điểm cuối năm 2022, sốt đất bùng nổ khắp nơi, giá đất gần nhà anh tăng từ 3 tỷ đồng lên gần 4 tỷ đồng. Anh lo lắng nếu không tranh thủ mua thì sẽ đánh mất cơ hội vì sau này giá sẽ tăng tiếp. Tuy nhiên, do chưa gom đủ tiền, gia đình lại cản không muốn đi vay nên anh không mua.
Nghịch lý là dù vẫn có nhu cầu mua đất để dành về sau, nhưng giờ khi giá đất hạ nhiệt, không phải chịu “cạnh tranh” thì anh H. lại không mua nữa. tôi tính “tậu” một lô đất đã giảm giá xuống còn 3,2 tỷ đồng, nếu sắp tới giá giảm xuống tầm 2,8 - 3 tỷ đồng tôi sẽ xem xét, còn bây giờ tôi sẽ không tham gia".
Nhà đầu tư và người mua ở thực có tâm lý giống anh H. không hiếm trên thị trường nhà đất hiện nay. Tích cực nhảy vào đầu tư đất, săn mua đất khi giá đang leo cao và ngần ngại tham gia thị trường khi giá đất có động thái giảm. Xu hướng đầu tư theo đám đông, bị cuốn theo tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội khiến không ít nhà đầu tư phải chịu cảnh “mua đỉnh bán đáy” hay bỏ qua cơ hội mua được giá tốt vì ngần ngại khi thị trường mất nhiệt hay chưa chạm đáy.
Ông Đỗ K., một nhà đầu tư lâu năm cho biết, từng trải qua tâm lý giống như trên khi đầu tư đất trong giai đoạn 2008-2010. Thời điểm ấy khi sốt đất, giá tăng từng tuần, ông phải chấp nhận bỏ tiền chênh để săn suất đầu tư nhưng đến khi nhà đất giảm nhiệt, ông bị cuốn theo tâm lý nhà đất đã hết “nóng”, không còn là kênh đầu tư hấp dẫn mà bỏ qua cơ hội mua được sản phẩm tốt.
Đến lúc bất động sản dần phục hồi, ông vẫn lưỡng lự không quyết vì chờ giảm thêm sẽ tính. Rồi thị trường phục hồi nhanh, vào giai đoạn tăng mạnh, ông mới tham gia và bỏ mất nhiều cơ hội. “Tôi vẫn quan sát thị trường và có thể, vào khoảng quý 3 tới đây sẽ tham gia trở lại khi nhắm được sản phẩm tốt”, vị này cho hay./.