Tín chỉ carbon không phải là tài nguyên vô tận cần sớm 'kích hoạt' để phát huy lợi thế

Thời gian tới doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp thách thức khi các chính sách áp thuế tín chỉ carbon ở thị trường quốc tế được ban hành, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc đo đếm phát thải carbon. Các công nghệ để đo đạc phát thải carbon trong các doanh nghiệp chưa đồng bộ nên dù thúc đẩy nhanh về chính sách nhưng việc thực hành vẫn chậm.

Thông tin được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo: Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh vừa diễn ra tại TP.HCM. Hội thảo với sự góp mặt tham luận của các diễn giả, chuyên gia chia sẻ các nội dung cụ thể về: Định hướng của chính phủ về phân loại xanh, xây dựng Việt Nam xanh; Quy định pháp luật về thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam; Tín chỉ Carbon: Cơ hội và thách thức cho phát triển xanh của Thành phố Hồ Chí Minh; Câu chuyện giữ rừng và nguồn thu từ tín chỉ carbon; Giải pháp giám sát và giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

hoi-thao-viet-nam-xanh-01-1713665109.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo: Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh.

Những chuyển động tích cực từ thị trường carbon

Theo ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Chính sách thương mại và Tài chính lâm nghiệp, với tổng diện tích 14,7 triệu ha, Việt Nam có tiềm năng huy động một nguồn tài chính từ các dự án carbon lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng.

Một số tính toán cho thấy, mỗi năm rừng của Việt Nam có thể hấp thụ khoảng gần 70 triệu tấn carbon. Chính phủ Việt Nam đang tham gia thị trường carbon bắt buộc, với cam kết giảm phát thải khu vực Bắc Trung bộ, đổi lại là việc cung cấp 10,3 triệu tấn carbon và khoản chi trả 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới.

Chính phủ cũng đang đàm phán với Liên minh giảm phát thải (LEAF) và dự kiến trong tương lai sẽ huy động được một nguồn tài chính tương đương từ LEAF, thông qua hoạt động bảo vệ rừng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Rừng của Việt Nam cũng có tiềm năng huy động được nguồn tài chính thông qua thị trường carbon tự nguyện. Hiện mối quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước với các dự án carbon lâm nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, Chính phủ hiện chưa có các chính sách hướng dẫn về loại hình đầu tư này.

hoi-thao-viet-nam-xanh-03-1713665163.jpg
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Theo ông Phúc, Chính phủ nên cân nhắc ban hành các cơ chế chính sách trong thời gian sớm, để kích hoạt các dự án carbon lâm nghiệp, nhằm đáp ứng cả thị trường bắt buộc và tự nguyện.

Hiệu quả của các cơ chế, chính sách không chỉ phụ thuộc vào việc huy động kinh phí mà còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí này được sử dụng ra sao để có thể tối đa hóa hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Xác định quyền carbon, lợi ích và chia sẻ lợi ích từ carbon đóng vai trò quan trọng. Việc tối đa hóa hiệu quả cần đặt người dân và cộng đồng là những người sống gần với rừng nhất vào vị trí trung tâm trong việc hưởng lợi từ carbon trong tương lai.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TPHCM cho biết, triển khai Nghị quyết số 98, TPHCM cũng đang triển khai hai dự án tiềm năng tạo tín chỉ carbon, đó là dự án Thay thế đèn đường LED và dự án Lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công sở.

Việc thí điểm thị trường tín chỉ cacbon thể hiện cam kết của TPHCM trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của thành phố; giúp chính quyền, doanh nghiệp và người dân tiết kiệm năng lượng, mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời, giúp thành phố thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án xanh tại TPHCM, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tín chỉ carbon cần được xem như là tài nguyên quốc gia

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận định giá tín chỉ carbon đang có sự dao động lớn ở các quốc gia. Có nước, giá 1 tấn carbon chỉ 1 USD, song cũng có nơi bán giá 140 USD cho 1 tấn.

Đối với lộ trình thị trường carbon tại Việt Nam, ông Minh nhìn nhận sẽ gồm 2 giai đoạn, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Giai đoạn đến hết năm 2027 là xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đây cũng là giai đoạn triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

hoi-thao-viet-nam-xanh-02-1713665197.jpg
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trao đổi tại hội thảo.

Việc thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ thực hiện kể từ năm 2025. Từ năm 2028, nước ta sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Dẫn chứng thêm, ông Minh cho biết vào giai đoạn 2008-2013, tại Việt Nam cũng có dự án đạt tín chỉ carbon, lúc đó giá cao nhưng tích trữ lại và không bán. Tuy nhiên sau đó giá tín chỉ carbon rớt mạnh, đến nay đơn vị bán vẫn còn để tín chỉ trên hệ thống lưu ký, tiền lấy tín chỉ này về cao hơn cả tiền bán tín chỉ carbon và cũng đã hết thời hạn cam kết.

Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Văn Đại, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright, nhìn nhận tín chỉ carbon cần được xem như là tài nguyên quốc gia, không phải tài nguyên vô tận hay tái tạo được.

"Giá thuế carbon bắt buộc là hơn 100 USD, trong khi tín chỉ carbon hiện chỉ được giao dịch khoảng 5 USD. Điều này còn liên quan đến chất lượng. Ngay cả Úc, sau khi kiểm kê thì chất lượng 3/4 tín chỉ đều có vấn đề" - ông Đại nói.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ TN&MT cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần chuẩn bị lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp, có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon để xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc.

hoi-thao-viet-nam-xanh-05-1713665076.jpg
Tín chỉ carbon cần được xem như là tài nguyên quốc gia, không phải tài nguyên vô tận hay tái tạo được. (Ảnh minh họa)

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho rằng, thời gian tới doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp thách thức khi các chính sách áp thuế tín chỉ carbon ở thị trường quốc tế được ban hành, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc đo đếm phát thải carbon. Các công nghệ để đo đạc phát thải carbon trong các doanh nghiệp chưa đồng bộ nên dù thúc đẩy nhanh về chính sách nhưng việc thực hành vẫn chậm.

“Vai trò của Nhà nước là rất quan trọng, đó là kết nối với đơn vị chủ quản điều hành của thị trường carbon toàn cầu. Trong việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, nhân lực này có thể là của Nhà nước hoặc của doanh nghiệp độc lập, để có được những nhà kiểm định, xác minh khí carbon ở trong nước nhưng vẫn được cấp tín chỉ từ ISO của quốc tế, bằng cách đó chi phí kiểm kê, kiểm định khí nhà kính sẽ giảm đi”, ông Huy chỉ rõ.

Tại hội thảo, ban tổ chức cũng đã công bố dự án Việt Nam Xanh, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; khuyến khích các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường. Song song, biểu dương, lan tỏa những cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có mô hình, sản phẩm hướng đến phát triển bền vững./.

Bình Nguyên