Tín chỉ carbon rừng ngập mặn còn chưa khai thác
Việt Nam hiện có 200 nghìn ha rừng ngập mặn. Trong thời gian qua, Việt Nam và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực trồng và phục hồi hơn 4 nghìn ha rừng ngập mặn, sắp sẽ có thêm một dự án do Canađa tài trợ để bảo vệ và tạo thêm 1 nghìn ha rừng ngập mặn nữa. Cuối năm 2023, nước ta đã thu hàng nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng (rừng trên cạn). Còn tiềm năng tín chỉ carbon hệ sinh thái rừng ven biển vẫn chưa khai thác.
Đáng nói, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km. Do đó, rừng ngập mặn có tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và phát triển bền vững cũng như trong việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và tăng trưởng xanh. Từ diện tích rừng này có thể tạo ra nguồn tín chỉ carbon xanh dương khổng lồ mỗi năm.
Đề cập đến tiềm năng carbon từ rừng, đại diện Chương trình Phát triển dự án toàn cầu (NatureCo) đánh giá Việt Nam có thể tạo ra gần 400 triệu tín chỉ carbon trong 30 năm tới trên khắp các cảnh quan và các loại hình dự án.
Cụ thể, trồng rừng và tái trồng rừng sẽ thu gần 31,2 triệu tín chỉ carbon; hoạt động nông lâm kết hợp thu 124,2 triệu tín chỉ carbon; phòng tránh phá rừng là 99,1 triệu tín chỉ; nâng cao hiệu quả quản lý rừng cũng góp phần thu về 164,5 triệu tín chỉ; bảo vệ rừng ngập mặn đóng góp 4,7 triệu tín chỉ và phục hồi rừng ngập mặn là 2,8 triệu tín chỉ carbon.
Trong đó, các hoạt động nâng cao chất lượng quản lý rừng đủ điều kiện bao gồm tác động của việc khai thác gỗ, khai thác gỗ ở rừng phòng hộ, làm giàu rừng trồng, kéo dài chu kỳ thu hoạch và chuyển đổi từ rừng sản xuất nghèo sang rừng giàu.
Tương tự, phòng tránh phá rừng gồm các hoạt động giảm ròng phát thải khí nhà kính thông qua giảm phá rừng và suy thoái từ các điện tích rừng hiện có. Nông lâm kết hợp gồm các hoạt động đủ điều kiện như trồng cây, tái sinh rừng gỗ và thảm thực vật tự nhiên do con người hỗ trợ.
Ngoài ra, các hoạt động bảo tồn và quản lý hướng tới bảo vệ, lưu giữ hệ sinh thái rừng ngập mặn không suy thoái, phá huỷ hoặc mất rừng; hay như phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn đã bị suy thoái, phá huỷ… cũng tạo ra nguồn tín chỉ carbon xanh dương.
Mới đây, tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về thương mại tín chỉ carbon hệ sinh thái rừng ven biển, đại diện của Restore Blue đã đề cập đến carbon xanh dương và cho rằng đây là một sản phẩm đắt tiền và cao cấp của tự nhiên.
Ở hệ sinh thái xanh dương, carbon được hấp thụ khi rừng ngập mặn, bãi bồi, cỏ biển và các rừng ngập nước thủy triều được phục hồi, vị này giải thích thêm. Theo đó, các chủ rừng có thêm nguồn thu nhập từ việc phục hồi carbon xanh dương. Bởi, tín chỉ carbon xanh là một tín chỉ cao cấp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, phục hồi đa dạng sinh học.
Giáo sư Sarah Wheeler của Make History nhấn mạnh, hệ sinh thái xanh dương có tầm quan trọng trong việc lưu trữ carbon. Hệ sinh thái này chỉ chiếm 2% bề mặt đại dương nhưng đóng góp tới 50% lượng hấp thụ carbon của đại dương.
Theo đó, 1ha rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ carbon cao gấp 5 lần so với 1ha rừng trên cạn. Có biển, có bãi bồi, rừng ngập mặn thường lớn nhanh, từ đó đem lại hiệu quả cao trong việc lưu giữ, loại bỏ carbon và hấp thụ carbon trong khí quyển.
“Ngoài ra, hệ sinh thái xanh dương còn giảm bão lũ và xói mòn, bảo vệ ven biển khỏi sóng, tạo việc làm và an ninh lương thực; đồng thời bảo vệ hơn 6 triệu người khỏi lũ lụt hàng năm, ngăn ngừa thiệt hại tài sản sản xuất trị giá 24 tỷ USD”, Giáo sư Sarah Wheeler thông tin.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã khai thác tín chỉ carbon xanh dương để thương mại trên thị trường tín chỉ carbon tự nguyện và bắt buộc.
Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon cần bắt nhịp với xu thế thị trường
Tín chỉ carbon là thị trường cực kỳ tiềm năng, đã tăng trưởng tới 164% trên toàn thế giới trong năm 2021 và dự kiến đạt 50-100 tỷ USD vào năm 2030. Theo hãng tin PTI, nhu cầu tín chỉ carbon toàn cầu hiện vào khoảng 58 tỷ tín chỉ mỗi năm.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon. Song, cũng gặp thách thức trong việc thương mại tín chỉ carbon. Theo đó, nước ta cần có lộ trình rõ ràng hơn để có thể thương mại tín chỉ trong thị trường carbon tự nguyện, bao gồm quá trình đăng ký dự án và hướng dẫn về chia sẻ lợi ích nhằm khuyến khích đầu tư.
Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn ở cấp tỉnh, vì đây là nơi các bên đầu tư sẽ đến liên lạc tìm kiếm đối tác khi họ nghĩ đến việc xây dựng dự án.
Đại diện NatureCo kiến nghị tiến hành kiểm tra thực địa các vùng dự án tiềm năng và làm việc với các tổ chức địa phương; nâng cao năng lực cho các tổ chức tại địa phương và các bộ cấp tỉnh để có thể tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ chương trình dự án…
Về thị trường carbon xanh dương, đại diện của Restore Blue cho rằng, muốn thành công cần đầu tư vào nghiên cứu khoa học và đảm bảo kiến thức bản địa, có khung pháp lý; xác định phương pháp tính toán carbon xanh dương chính xác; đa dạng nguồn tài chính, có cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng xem xét quyền và mong muốn của cộng đồng.
Ngoài những vấn đề trên, theo Giáo sư Sarah Wheeler, cần định giá carbon xanh khác với định giá carbon thông thường.
Hiện, thị trường carbon xanh phụ thuộc vào các vấn đề cụ thể của địa điểm, địa phương và các loại carbon xanh khác nhau cũng có thể khiến việc định giá trở nên khó khăn hơn. Do đó , việc thiết kế thị trường và định giá carbon xanh trở nên khó khăn hơn vì giá trị có thể thay đổi đáng kể, Giáo sư Sarah Wheeler lưu ý.
Trên thị trường thế giới, các bên trung gian bán lại các tín chỉ bồi hoàn như COTAP, Planet Moja, and Zero Mission với giá niêm yết bán lẻ là 10-25 USD/MtCO2e (MtCo2e là đơn vị tính về ô nhiễm carbon). Một số người mua sẵn sàng chi trả 35 USD/MtCO2e.
Các nghiên cứu đều cho thấy rừng ngập mặn ven biển vượt trội hơn so với hầu hết các khu rừng khác về khả năng lưu giữ carbon, giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách loại bỏ khí cacbonic khỏi tầng khí quyển, phần lớn được lưu trữ trong sinh khối. Mặt khác, nhờ có rừng ngập mặn nên nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên.
Với vai trò là “bức tường xanh”, rừng ngập mặn cũng sẽ làm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và đời sống người dân do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, hạn chế tình trạng mặn xâm nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường. Rừng ngập mặn còn là "kho" tín chỉ carbon xanh dương khổng lồ đang chờ khai thác./.