Tìm hướng đi phù hợp, bền vững cho kinh tế tuần hoàn

Việt Nam đã và đang tìm kiếm những mô hình phát triển kinh tế vừa đảm bảo tạo ra nhiều của cải, nhiều tiện ích, nhiều việc làm vừa sử dụng hữu ích mọi nguồn lực, phục vụ lợi ích hiện tại và lợi ích tương lai, lợi ích lâu dài cho các thế hệ. Kinh tế tuần hoàn ra đời và nền kinh tế tuần hoàn hình thành.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới ở Việt Nam, mặc dù đã được vận hành ở không ít các quốc gia trên thế giới.... Do đó, đặt ra cho Việt Nam, cho các doanh nghiệp tìm kiếm những phương sách mới để phát triển kinh tế một cách bền vững, tạo ra ngày càng nhiều của cải có hàm lượng trí tuệ cao, năng suất, chất lượng và hiệu quả.

phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-de-quan-ly-va-su-dung-hieu-qua-nguon-tai-nguyen-1638241731.jpg
Ảnh minh họa.

* Tiên phong Nam Cầu Kiền

Tại một hội thảo khoa học "Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong Khu công nghiệp Việt Nam (khảo sát mô hình điểm Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền)" vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế có tính chủ động, nó thay thế khái niệm "kết thúc vòng đời" của vật liệu bằng khái niệm "khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó".

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế; trong đó, các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Từ việc nhìn thấy những lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn, Nam Cầu Kiền, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là khu Khu công nghiệp tiên phong thực hiện mô hình điểm kinh tế tuần hoàn đầu tiên của Việt Nam. Mục tiêu của mô hình kinh tế tuần hoàn là khai thác, sử dụng có hiệu quả và bảo tồn hài hòa các nguồn lực xã hội, trực tiếp.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SHINEC (Hải Phòng) cho biết, Nam Cầu Kiền trải dài trên địa bàn 4 xã Kiền Bái, Thiên Hương, Lâm Động, Hoàng Động thuộc huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Nam Cầu Kiền được tư duy và xây dựng, phát triển ở quy mô như một nền kinh tế và nó trở thành "nền kinh tế Nam Cầu Kiền", vừa mang những đặc thù riêng, nhưng vẫn phù hợp trong bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam. 

Trong "nền kinh tế Nam Cầu Kiền", mọi thiết chế đều được quy hoạch đồng bộ ngay từ khâu đầu tiên, vì vậy khi vận hành nền kinh tế đó, thì bên cạnh việc tạo ra hiệu quả kinh tế, còn mang tính lan tỏa và tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội, ở tất cả các lĩnh vực khác nhau, như an sinh, giáo dục, môi trường, du lịch, đô thị. Điều đặc biệt, "nền kinh tế Nam Cầu Kiền" đặt vấn đề trọng tâm là xây dựng hệ thống quản trị tài nguyên bền vững.

Do đó, khái niệm "tài nguyên" ở nền kinh tế này không tồn tại ở nghĩa hẹp, mà coi mọi thứ, từ lợi thế tự nhiên, con người, tiềm năng, sản phẩm, chất thải, chính sách…đều là "tài nguyên". Một khái niệm về tài nguyên được tiếp cận và vận dụng theo nghĩa rộng. Trên cơ sở đó, những nguồn tài nguyên sẽ liên kết cộng sinh trong chu trình tuần hoàn dòng vật chất, có thể biến đổi từ dạng này sang dạng khác theo hướng hoàn chỉnh, bền vững, để phục vụ nhu cầu nhân sinh. 

"Tài nguyên ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được hiểu trên 2 khía cạnh, đó là tài nguyên vệ tinh (gián tiếp) và tài nguyên trực tiếp tham gia sản xuất. Nói cách khác, hai nguồn tài nguyên này là yếu tố cơ bản cấu thành nên "nền kinh tế Nam Cầu Kiền". Hiện tại, Nam Cầu Kiền đã lấp đầy giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đang tiếp tục triển khai rất hiệu quả.", ông Phạm Hồng Điệp nói.

* Lộ diện điểm nghẽn

Ở Việt Nam, kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiên, trước hết là trong nông nghiệp, hoặc trong nông công nghiệp kết hợp, nhưng chưa có sự thống nhất về nhận thức, còn thiếu những cơ chế chính sách cần thiết và việc vận dụng kinh nghiệm của các nước một cách linh hoạt sáng tạo để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn vào điều kiện và thể chế đặc thù của Việt Nam là ý tưởng công việc có giá trị và thực sự hữu ích.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, các khó khăn cơ bản trong thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Khu công nghiệp ở Việt Nam, đó là chưa có cơ sở pháp lý cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và các thông tin, hướng dẫn về các phương pháp tiếp cận xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp. Cùng đó là thiếu các chính sách toàn diện và chế độ hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong một hệ thống nhỏ; chưa có tiêu chí nhận dạng và phân loại mô hình kinh tế tuần hoàn nói chung và khu công nghiệp nói riêng.

Thêm nữa, sự phối hợp các bên liên quan vẫn dựa trên lợi ích kinh tế. Điều này cần được thay đổi trong tư duy doanh nghiệp trên cơ sở thiết kế, tìm kiếm những mô hình tiêu biểu để lan tỏa; tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp, nhất là trong cùng một khu công nghiệp. Chưa có thị trường chất thải và nguyên liệu từ chất thải, ví dụ như thị trường vật liệu và sản phẩm có thể tái chế, xúc tiến năng lượng tái tạo... Khả năng tận dụng chất thải của Việt Nam còn nhỏ, phụ thuộc vào các công nghệ sẵn có và cần thiết phải thay đổi hệ thống quản lý chất thải. 

Các khó khăn trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp trên cơ sở các dòng vào, dòng ra của doanh nghiệp. Công nghệ sản xuất và máy móc hầu hết ở mức trung bình, lạc hậu cần được thay thế phù hợp với các yêu cầu của kinh tế tuần hoàn. Từ thực tiễn nêu trên cho thấy, ở Việt Nam chưa có một mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ, được đảm bảo theo chu trình liên tục và bền vững của các dạng vật chất sử dụng trong nền kinh tế. Thay vì một chu trình vật chất tổng thể trong một hệ thống lớn, tại Việt Nam hiện chỉ mới có nhiều vòng lặp chất thải nhỏ, vốn rất khó liên kết với nhau để tạo thành cơ sở của mô hình kinh tế vòng tròn... 

* Giải pháp cho hướng đi phù hợp

Phó GS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội cho rằng, mục tiêu chiến lược đến năm 2030, 2045 là xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, công nghiệp tiên tiến. Việt Nam kiên quyết phát triển theo mô hình tăng trưởng kinh tế mới, từ bỏ tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng dựa trên vốn và lao động rẻ, chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, năng  suất, chất lượng và hiệu quả dựa trên khoa học công nghệ và đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách của nền kinh tế, của yêu cầu khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ thiên nhiên mà còn là khát vọng của nhân dân Việt Nam vì một đất nước hùng cường, yên bình và hạnh phúc.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Đảng và Nhà nước ta đã có lộ trình định hướng và phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các chủ trương, chính sách từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, để khuyến khích và áp dụng kinh tế tuần hòa vào thực tiễn, đến nay vẫn chưa có những quy định cụ thể. Thực trạng nền kinh tế hiện nay cho thấy, để thực thi và tổ chức mô hình kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện thì không thể vận dụng từ một công cụ chính sách đơn lẻ nào, mà phải là một khung chính sách tổng thể, với những tiêu chí rõ ràng, được xây dựng từ các phương pháp tiếp cận phù hợp điều kiện thực tiễn. 

Để có được khung chính sách tổng thể cho mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển, ông Phạm Hồng Điệp cho rằng cần các giải pháp cụ thể. Đó là, hoàn thiện hành lang pháp lý; xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu; điều chỉnh quy hoạch năng lượng; thực hiện kinh tế tuần hoàn gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xác định rõ ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp; xây dựng chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn.

Còn TS. Mai Văn Sĩ, Chủ tịch Công ty tư vấn miền Duyên Hải (Hải Phòng) đề xuất các ưu đãi cụ thể đối với mô hình kinh tế tuần hoàn là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thời gian áp dụng miễn giảm theo quy định chung của pháp luật hiện hành. Tiếp đó là ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời hạn thuê đối với khu công nghiệp sinh thái. 

Bên cạnh đó, ưu đãi về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái sẽ là dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư, khu công nghiệp sinh thái sẽ là địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên được miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho toàn bộ thời hạn của dự án. Cuối cùng là ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu theo quy định pháp luật hiện hành./.