Tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp vươn lên để thoát nghèo

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, khởi nghiệp kinh doanh của các cấp hội phụ nữ tỉnh Đắk Nông ngày càng được lan tỏa sâu rộng và có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua.
nhieu-chi-em-la-chu-doanh-nghiep-da-ho-tro-tao-cong-an-viec-lam-cho-nhieu-chi-em-khac-tren-dia-ban-tinh-dak-nong-trong-nhung-nam-qua-1721697968.jpg
Nhiều chị em là chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh đã hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong những năm qua

Trao sinh kế, tiếp sức khởi nghiệp cho phụ nữ

Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Đắk Nông đã tích cực triển khai nhiều phong trào. Qua đó, Hội đã giúp nhiều phụ nữ tại địa phương phát triển kinh tế gia đình thông qua các hoạt động giúp nhau về tiền, ngày công, con giống, … ngoài ra còn hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo. Hiện nay, các cấp hội cơ sở tiếp tục rà soát và đăng ký hỗ trợ 355 hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo là chủ hộ thoát nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thuý Luân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Mil cho biết các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện luôn chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giỏi do phụ nữ làm chủ. “Ngoài ra, chị em nào có điều kiện kinh tế, kiến thức được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh như hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, tư vấn xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng quy mô thị trường” - bà Luân cho biết.

Ngoài ra, Hội LHPN ở huyện Đắk Song còn đang triển khai Dự án “Sinh kế bền vững cho nông dân nữ trong chuỗi giá trị hạt tiêu đen”. Dự án xây dựng 6 nhóm nông hộ nữ trồng tiêu tại các xã Thuận Hạnh, Nâm N'Jang. Thông qua dự án, các cấp hội tích cực vận động phụ nữ tham gia tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo Hội, các hoạt động như trên đã giúp phụ nữ địa phương từng bước thoát nghèo đa chiều một cách  thiết thực, phù hợp nhất.

chi-em-phu-nu-duoc-ho-tro-nguon-von-uu-dai-de-thoat-ngheo-vuon-len-1721697910.jpg
Chị em phụ nữ được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để thoát nghèo vươn lên.

Đối với Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, Hội LHPN tỉnh Đắk Nông tập trung nâng cao hiệu quả việc triển khai. Cụ thể, Hội tổ chức kết nối, mở rộng liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, Hội cũng đang xúc tiến các cấp vận động, lựa chọn hội viên tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Nỗ lực hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn

Trong hoạt động ủy thác vốn vay, các cấp hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã tập trung thực hiện tốt với Ngân hàng Chính sách - xã hội tỉnh và các tổ chức tín dụng khác. Tính đến ngày 31/5/2024, dư nợ nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt trên 1.301 tỷ đồng, với 20.691 hộ vay. Các cấp hội hiện đã xây dựng, quản lý 452 tổ tiết kiệm và vay vốn. Đó là nguồn lực dồi dào để giúp giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất và kinh doanh.

Ngoài ra, còn có Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế cũng là kênh vay vốn hiệu quả của các chị em. Hiện tại dư nợ của quỹ này đạt trên 43,508 tỷ đồng, với 1.910 thành viên được vay để đầu tư làm ăn. Ngoài vay vốn, chị em còn gửi tiết kiệm được 59,341 tỷ đồng để làm vốn đối ứng, giúp nhau làm ăn.

nho-duoc-ho-tro-sinh-ke-phu-nu-dtts-o-dak-glong-thoat-ngheo-vuon-len-on-dinh-cuoc-song-1721697812.jpg
Nhờ được hỗ trợ sinh kế, phụ nữ DTTS ở Đăk Glong thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thuý Hằng - hội viên Hội LHPN xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil) cho biết: “Từ nguồn vay tín chấp do Hội phụ nữ địa phương đứng ra hỗ trợ bảo lãnh, gia đình tôi đã đầu tư vào chăm sóc vườn sầu riêng. Đến nay sầu riêng được mùa, được luôn cả giá nên gia đình tôi không những trả dứt hết vốn vay mà còn tích lũy được nguồn tài chính đáng kể để tiếp tục đầu tư vườn cây và mua sắm thêm các tiện nghi sinh hoạt”.

Một hội viên khác của Hội LHPN xã Đức Mạnh là chị Nguyễn Thị Hiền vui mừng bày tỏ: “Nhận được sự quan tâm của các cấp hội phụ nữ tại địa phương, tôi may mắn được vay nguồn vốn ưu đãi với mức lãi suất thấp để tập trung đầu tư cho vườn cà phê xen canh hồ tiêu của gia đình. Năm nay vừa được mùa, giá cả lại tốt nên gia đình tôi đã thoát khỏi khó khăn vươn lên, ổn định kinh tế hơn trước đây rất nhiều!”.

ba-hvi-eban-chu-tich-hoi-lhpn-dak-nong-1721697854.jpg
Bà H’Vi Êban, Chủ tịch Hội LHPN Đắk Nông.

Theo bà H’Vi Êban - Chủ tịch Hội LHPN Đắk Nông: “Để các chị em có thể phát huy tối đa vai trò, vị thế trong xã hội, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao nâng cao được quyền năng về kinh tế. Vì vậy, Hội phụ nữ luôn phối hợp liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh,... nhằm tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập hơn nữa cho các chị em hội viên”. 

Điều đáng mừng là thông qua các nguồn vốn vay được triển khai, đã có nhiều hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên giảm nghèo bền vững. Từ đó, giúp cho chị em phụ nữ địa phương khẳng định được năng lực, bản lĩnh vươn lên và vị thế của mình trong bối cảnh mới./.

Kiến Giang