Tiền Giang: Đầu tư kiện toàn mạng lưới thủy lợi phòng, chống hạn mặn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trước dự báo diễn biến thời tiết, thủy văn phức tạp, mùa khô 2021 – 2022, tỉnh đầu tư gần 38 tỷ đồng thi công các công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán diện rộng và xâm nhập mặn có khả năng lấn sâu vào thượng nguồn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Các công trình này giúp bảo vệ trên 74.000 ha đất trồng cây ăn quả chuyên canh tại các huyện, thị vùng dự án Bảo Định mở rộng sang vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh, trên 49.000 ha đất canh tác lúa trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022 và trên 2.800 ha rau màu chuyên canh.

Cụ thể, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất chủ trương và cho đắp 8 đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên các tuyến kênh trọng yếu gồm Nguyễn Tấn Thành, Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười; sửa chửa 4 cống nhằm nâng cao hiệu quả ngăn mặn, lấy ngọt vào nội đồng gồm Rạch Chợ, Thủ Ngữ, Ông Thiệm và Cầu Kênh. Đồng thời, nạo vét 7 tuyến kênh gồm Đường Trâu, Kênh Giữa, Xóm Đen, Kênh Một, Kênh Hai, Xóm Gồng, Bảo Châu – Xã Sách để đưa nước ngọt về tưới cho các cánh đồng sâu, xa.

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí do ngân sách cấp huyện quản lý cùng các nguồn huy động khác, UBND tỉnh giao các địa phương đồng loạt triển khai nạo vét 75 tuyến kênh mương nội đồng, kinh phí đầu tư gần 26 tỷ đồng; thi công thêm 19 cống lấy nước ngọt, kinh phí khoảng 30,9 tỷ đồng nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả khai thông dòng chảy, trữ nước ngọt trong nội đồng phục vụ phòng, chống hạn – mặn và giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2021 – 2022 cũng như tiêu thoát nước nhanh, phòng chống úng, bảo vệ sản xuất và đời sống trong mùa mưa lũ năm 2022 sắp tới.

Dự kiến, các công trình triển khai thi công và hoàn thành trong mùa khô 2022 nhằm kịp thời phát huy hiệu quả đối với sản xuất và đời sống, giảm nhẹ được thiên tai vừa tạo thuận lợi cho bà con tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.

han-man-tien-giang-08022022-1644304138.jpeg
Thi công đập ngăn mặn, trữ ngọt trên rạch Bà Hợp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè). 

Trước đó, tháng 1/2022, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã tổ chức khởi công công trình xây dựng hệ thống 6 cống ngăn mặn, trữ ngọt tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) qua địa bàn hai huyện Châu Thành và Cai Lậy gồm: Rạch Gầm, Phú Phong, Mù U (huyện Châu Thành) và Cây Còng, Cái Sơn, Hai Tân (huyện Cai Lậy). Trong số đó, cống Rạch Gầm và Phú Phong sẽ được triển khai xây dựng trước và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 6/2023. Riêng 4 cống còn lại dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Các công trình trọng điểm trên do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư. Toàn dự án có tổng mức đầu tư hơn 846 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương; trong đó, chi phí xây dựng trên 578 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi phòng chống hạn - mặn, mùa khô 2021 – 2022, Tiền Giang cũng triển khai đồng bộ những giải pháp ứng phó chủ động và kịp thời, không để thiên tai gây thiệt hại cho các vùng sản xuất chuyên canh, tạo điều kiện khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội bền vững khi tỉnh chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022 và các năm tiếp theo.

Ngay từ đầu mùa, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng và triển khai phương án ứng phó hạn, mặn một cách sâu rộng đến tận nhân dân; tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nước tiết kiệm, trữ nước trong nội đồng phòng chống hạn mặn gắn với giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và các tác nhân gây ô nhiễm; tích cực hưởng ứng ra quân làm thủy lợi nội đồng, dọn cỏ rác, lục bình, khai thông dòng chảy…

Về phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang tổ chức đo đạc, theo dõi diễn biến hạn mặn 24/24 và cập nhật thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và ứng phó hợp lý theo phương châm 4 tại chỗ…

Riêng đối với dự án ngọt hóa Gò Công nằm phía Đông, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương khuyến khích bà con nông dân khẩn trương thu hoạch trà lúa Đông Xuân đang chín tới một cách nhanh gọn và an toàn, không để thiệt hại do thiên tai cũng như kịp thời chuyển diện tích đất canh tác địa bàn khó khăn, xa nguồn nước sang trồng màu hoặc các cây trồng tiết kiệm nước khác vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa độc canh./.