Tiền Giang trữ nước ngọt nội đồng, phòng chống hạn mặn

Trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022, các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang xuống giống được gần 22.000 ha. Hiện nay, trà lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh trên 1.600 ha, làm đòng gần 14.000 ha, trổ trên 6.000 ha, còn lại một ít đang chín tới.

Là địa bàn nằm ven biển Gò Công, điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt nên để bảo vệ sản xuất, giảm nhẹ thiên tai, tạo tiên đề giành một vụ sản xuất mới bội thu, bù lại những thiệt hại cho sản xuất – đời sống do dịch bệnh vừa qua, Tiền Giang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn mặn. Các địa phương trong tỉnh tích cực lấy nước ngọt trữ trong nội đồng đảm bảo tưới tiêu cho cây lúa nói riêng, cây trồng trong toàn vùng dự án nói chung.

Đáng mừng là qua quan trắc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2021 – 2022 xấp xỉ trung bình nhiều năm và muộn hơn mùa khô 2020 – 2021 từ 10 - 15 ngày. Theo đó, do ảnh hưởng của các kỳ triều cường vừa qua khiến độ mặn 1,0 g/l đã xuất hiện tại cống Vàm Giồng cách cửa sông 25 km vào cuối tháng 12 vừa qua và tiếp tục gia tăng. Trước tình hình trên, cống Vàm Giồng đã đóng ngăn mặn từ giữa tháng 12/2021, trễ hơn năm 2016 vốn có mức hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt 24 ngày, trễ hơn năm 2019 là 22 ngày và trễ hơn năm 2020 là 8 ngày.

Do vậy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên công trình thủy lợi Tiền Giang cập nhật diễn biến xâm nhập mặn trên các tuyến sông ngòi và thông báo rộng rãi cho nhân dân biết, ứng phó phù hợp đồng thời phân bố lịch vận hành các cống một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả. Cùng với đóng cống Vàm Giồng ngăn mặn triệt để, công ty tranh thủ thời gian vàng, khi mặn chưa lấn sâu, tích cực lấy nước bổ cấp vào trữ trong nội đồng thông qua các cống lấy nước đầu mối phía thượng lưu sông Tiền như: Xuân Hòa, Rạch Chợ… nhằm đảm bảo nước tưới, phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, không để hạn hán – thiên tai gây hại cho trà lúa.

tg-1643274047.jpeg
Nông dân Tiền Giang đào kênh trữ nước ngọt bảo vệ cây ăn trái. Ảnh tư li

Mặt khác, theo dự báo, trong tuần cuối tháng 1/2022, khả năng cao không có đợt xâm nhập mặn đột biến như năm trước. Biên độ mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập sâu khoảng từ 35 - 40 km tính từ cửa sông, đến địa phận các xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo) và Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho) và biên độ mặn 1 g/l có khả năng xâm nhập sâu vào từ 50 – 55 km, đến khoảng thành phố Mỹ Tho và Bến đò Bình Đức phía thượng lưu sông Tiền.

Vào tháng 2, dự báo có một đợt xâm nhập mặn cao từ ngày 10/2 (tức sau Tết Nguyên đán) và tăng dần trùng với triều cường rằm tháng Giêng âm lịch. Biên độ mặn 4g/l có khả năng xâm nhập ở mức từ 40 – 45 km ( khu vực xã Hòa Định của huyện Chợ Gạo và xã Tân Mỹ Chánh của thành phố Mỹ Tho) và biên mặn 1 g/l có khả năng lấn sâu từ 50 – 55 km, đến thành phố Mỹ Tho và bến đò Bình Đức.

Do vậy, một mặt tăng cường quan trắc, cập nhập diễn biến xâm nhập mặn, một mặt ngành chức năng thông báo rộng rãi cho nhân dân, khuyến cáo các địa phương triển khai những biện pháp ứng phó phù hợp với từng địa bàn và mang lại hiệu quả cao kết hợp với bơm trữ nước ngọt trong nội đồng. Những trà lúa tới kỳ chín khẩn trương thu hoạch. Tập trung chăm bón các trà lúa còn lại, không để xảy ra khô hạn thiệt hại cho cây trồng đồng thời tích cực ra quân làm thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy đưa nước đến từng chân ruộng phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác hoặc các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Đối với những địa bàn trũng thấp ở các huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây, ngành chức năng khuyến cáo nông dân chủ động tôn cao bờ vùng, bờ thửa nhằm chống úng kịp thời, bảo vệ trà lúa khi toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công tích cực lấy ngọt trữ trong nội đồng để phòng chống thiên tai hạn mặn./.