Tiền Giang: Đa dạng thị trường, khơi thông dòng chảy tiêu thụ trái cây

Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, do tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp khó khăn khiến việc tiêu thụ trái cây không được thuận lợi và giá mít, chuối, thanh long…tại địa phương hiện đang giảm mạnh khiến nông dân lo lắng.

Ước tính, lượng nông sản Tiền Giang, chủ yếu là thanh long và mít ách tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc lúc cao điểm khoảng 150 xe container với lượng hàng khoảng 5.000 tấn. Trước tình hình trên, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cùng khẩn trương vào cuộc, nỗ lực gỡ khó, đa dạng kênh tiêu thụ nông sản cho nông dân, giúp ngành hàng trái cây Tiền Giang khắc phục các mặt hạn chế để phát triển bền vững.

Sở Công Thương tỉnh đã thường xuyên cập nhật tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, thông tin về thực trạng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc; khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế đưa xe hàng xuất khẩu lên các cửa khẩu trong thời điểm này. Cùng đó, phối hợp với ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh, rà soát sản lượng trái cây thu hoạch trong thời gian tới để dự báo một cách khoa học và kịp thời cung cấp thông tin thị trường giúp doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể có phương án kết nối thu mua, tiêu thụ một cách chủ động.

20210124-143304-1641806812.jpeg
Đa dạng thị trường, khơi thông dòng chảy tiêu thụ trái cây. Ảnh minh ho

Ngành công thương tăng cường xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử; ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin thị trường, kết nối với các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh nhằm phát triển thị trường nội địa, tiến tới khai thông dòng chảy tiêu thụ cho trái cây Tiền Giang. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản nói chung, trái cây nói riêng theo đường chính ngạch, tiến tới chiếm lĩnh các thị trường tiềm năng như: EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các khu vực khác trên khắp thế giới.

Để đạt mục tiêu, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản địa phương theo đường chính ngạch, nhất là trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) vào các thị trường có tham gia các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Thực tế đã ghi nhận được những tín hiệu khả quan trong việc xuất khẩu trái cây theo đường chính ngạch. Năm 2021, tỉnh xuất khẩu trên 12.400 tấn rau quả chính ngạch, thu trên 26,6 triệu USD, tăng 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu đa dạng, nhiều nhất là EU chiếm 42,19%, Hàn Quốc chiếm 15,43%, Nhật Bản chiếm 14,95%, Hoa Kỳ chiếm 7,65%, Trung Quốc chiếm 2,14%...

Các mặt hàng rau quả chủ lực gồm: xoài, thanh long, chôm chôm, mít, vú sữa…Tuy nhiên, so với tiềm năng sản xuất ngành hàng trái cây Tiền Giang thì con số trên vẫn còn rất khiêm tốn. Song song với xuất khẩu trái cây tươi chính ngạch, trong tương lai, tỉnh tiếp tục quan tâm mở hơn nữa ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản, đặc biệt là chế biến trái cây phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh hiện có 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, công suất trên 47.000 tấn/năm, công suất kho lạnh bảo quản 7.390 tấn. Theo đánh giá của ngành hữu quan, đây là một trong những kênh tiêu thụ tiềm năng cho trái cây Tiền Giang trong tương lai nếu được phát huy đúng mức.

Khâu sản xuất cũng được tiếp tục đổi mới và thích ứng linh hoạt theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tạo ra nguồn nông sản chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc vì sự phát triển ngành hàng trái cây chủ lực tỉnh Tiền Giang một cách bền vững. Từ đó, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa khắc phục tình trạng đầu ra không ổn định "được mùa, mất giá" và xuất khẩu bấp bênh như hiện nay.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, Tiền Giang hiện có trên 82.700 ha vườn trồng cây ăn quả; trong đó, có gần 63.000 ha đang trong thời kỳ cho trái. Năm qua, tỉnh đạt sản lượng trên 1.593.000 tấn trái cây các loại, tăng hơn 4,2% so với năm trước. Còn hiện nay, địa phương đang vào vụ thu hoạch mới với sản lượng mỗi tháng khoảng 120.000 tấn quả gồm nhiều chủng loại có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu như: xoài cát Hòa Lộc, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim…

Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết, để bảo đảm sản xuất hiệu quả, đáp ứng sản phẩm cung ứng thị trường, giải quyết đầu ra nông sản một cách căn cơ, ngành nông nghiệp lập kế hoạch sản xuất gắn kết tiêu thụ một cách khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác theo hướng VietGAP, GlobalGAP tạo sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc vừa giảm được chi phí, giảm giá thành sản xuất. Mặt khác, phối hợp cùng các huyện trọng điểm về trồng cây ăn quả đặc sản khuyến cáo nông dân xử lý cho trái rải vụ nhằm tránh thu hoạch cùng thời điểm với sản lượng lớn khiến cung vượt cầu…

Trong năm 2022, cùng với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội khi tỉnh chuyển trạng thái phòng, chống dịch COVID-19 sang giai đoạn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP, nhiều công việc cấp thiết được ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang khẩn trương triển khai nhằm khơi thông dòng chảy nông sản, nhất là các mặt hàng trái cây chủ lực ra thị trường.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh quy hoạch các vùng nguyên liệu; rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các vùng trồng thực hiện hiệu quả các yêu cầu từ nước nhập khẩu đảm bảo chất lượng các lô sản phẩm xuất khẩu; hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây chủ lực của tỉnh, đặc biệt là sầu riêng, thanh long…, tiến tới cấp mã số phục vụ xuất khẩu chính ngạch nói chung, xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nói riêng.

Mặt khác, Tiền Giang khuyến cáo nông dân đẩy mạnh sản xuất theo hợp đồng bao tiêu với hợp tác xã, thương lái hoặc doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; liên kết doanh nghiệp đầu tư tiêu thụ gắn với sơ chế, chế biến, nâng cao giá trị trái cây khi ra thị trường; tăng cường thông tin quảng bá thị trường rộng rãi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, góp phần điều tiết cung cầu, nhất là thời điểm thu hoạch chính vụ, thu hoạch rộ các loại trái cây đặc sản nhằm đảm bảo tiêu thụ nông sản nói chung một cách thuận lợi, ổn định, tránh tình trạng tồn đọng, ùn ứ sản phẩm thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn chia sẻ những thông tin đáng mừng trên lộ trình khơi thông dòng chảy trái cây đến với thị trường. Đó là, đến nay ngành nông nghiệp đã cấp 281 mã số vùng trồng cây ăn trái trong đó riêng thị trường Trung Quốc đã cấp 127 mã số với 6 chủng loại cây trồng chủ lực gồm: mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, chôm chôm; cấp 154 mã số sang các thị trường khó tính khác như: Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc, Australia…, với 4 chủng loại cây trồng gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa.

Đồng thời, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang còn hỗ trợ 458.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 13 cơ sở sản xuất, chế biến trái cây và hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 105 cơ sở trồng cây ăn trái tại địa phương, cấp 13 Giấy xác nhận sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Toàn tỉnh cũng đã có gần 41.000 ha vườn cây ăn quả sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học và áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến hướng đến xuất khẩu; trên 15.000 ha vườn cây ăn quả đặc sản áp dụng giải pháp xử lý thu hoạch rải vụ.

Huyện Chợ Gạo sở hữu thương hiệu "thanh long Chợ Gạo" với tổng diện tích vùng chuyên canh trên 7.400 ha, sản lượng mỗi năm từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn quả. Địa phương đã có 2.180 ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Là địa phương có lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất tỉnh Tiền Giang, huyện đã cấp 15 mã vùng trồng tại 15 xã chuyên canh thanh long trong vùng quy hoạch và 135 cơ sở đóng gói sang Trung Quốc.

Theo lãnh đạo huyện Chợ Gạo, năm 2022, địa phương phối hợp cùng các ngành tiếp tục xây dựng mã vùng trồng cho thanh long xuất sang thị trường các nước khác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực một cách bền vững.

Trước đây, nông dân Tiền Giang hân hoan đón chào sự kiện trái vú sữa, trái xoài cát Hòa Lộc quê hương được xuất khẩu trực tiếp sang Hoa Kỳ. Xoài cát Hòa Lộc cũng được Hãng Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) phối hợp cùng địa phương phục vụ hành khách hạng thương gia trên các chuyến bay, trong nỗ lực kích cầu và xúc tiến thương mại cho dòng trái cây đặc sản.

Với những nỗ lực đúng hướng của các ngành, các cấp chung sức gỡ khó, chủ động khơi thông dòng chảy nông sản hàng hóa Việt nói chung, mở ra hướng đi mới trong tương lai, giúp trái cây Tiền Giang khắc phục ách tắc về đầu ra, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu./.