Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá các loại trái cây thời điểm này đang thấp hơn so với mọi năm. Vụ trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán cùng với nỗi lo thị trường tiêu thụ kém nên nhiều nhà vườn đã giảm diện tích nên ước sản lượng trái cây Tết cũng giảm đáng kể.
Xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ là vùng trồng bưởi lớn nhất tỉnh với khoảng 300 ha; trong đó có khoảng 100 ha bưởi vụ Tết, cho sản lượng bình quân hơn 1.500 tấn.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh nên giá cả và đầu ra trái bưởi gặp khó khăn. Hiện, giá bưởi da xanh giảm mạnh, chỉ còn từ 12-17 nghìn đồng/kg, việc tiêu thụ cũng khó khăn hơn so với thời điểm khi chưa có dịch; trong khi đó giá phân, thuốc bảo vệ thực vật cũng đang tăng mạnh từ 30-40% so với năm ngoái nên hầu hết các nhà vườn khá thận trọng trong việc đầu tư và mở rộng diện tích sản xuất vụ bưởi Tết này.
Anh Nguyễn Văn Lưu, ngụ xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ cho biết, dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay khiến người trồng bưởi Tết đang rất lo về đầu ra và giá cả. Nếu giá rớt xuống thấp, đầu ra không tiêu thụ được sẽ thua lỗ nặng nề, vì hiện nay giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tăng cao quá…
Sau thời gian hết giãn cách xã hội, thị trường nông sản dần bình thường trở lại; trong đó, dưa lưới đang được tiêu thụ nhiều, giá cả cũng tăng đáng kể. Vì vậy, để chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, gia đình chị Phạm Thị Thơ, ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ đã đầu tư 5 nhà màng với diện tích 5.000 m2 để trồng dưa lưới.
Theo chị Thơ, dưa lưới hiện đang có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao gần gấp 2 lần so với thời điểm cách đây 3 tháng. Dự báo giá dưa lưới Tết sẽ còn tăng so với thời điểm hiện nay, tuy nhiên do lo sợ thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 không thuận lợi như mọi năm nên vụ dưa Tết này, chị Thơ chủ động giảm diện tích sản xuất xuống còn phân nửa (năm ngoái là 10.000 m2 thì năm nay chỉ còn 5.000 m2). Đồng thời trồng nhiều loại dưa lưới khác nhau, thay vì 1 loại như trước đây.
Hiện, vườn dưa lưới của chị Thơ đang trong giai đoạn nuôi trái, đến khoảng 25/12 âm lịch sẽ cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 30 tấn. Chị Phạm Thị Thơ cho biết, vì tình hình dịch bệnh nên chị rất e ngại duy trì diện tích như mọi năm. Bởi vì số tiền mình đầu tư cho trồng dưa lưới rất lớn nhưng chưa biết giá cả và tiêu thụ ra sao.
Quýt đường cũng là loại trái cây không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Nếu như năm ngoái, giá quýt vào dịp Tết dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, nhà vườn sẽ lãi gần 500 triệu đồng/ha. Năm nay, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, nên các nhà vườn trồng quýt có diện tích lớn đã xử lý cho quýt rải vụ nghĩa là thu hoạch quanh năm, thay vì chỉ tập trung cho vụ Tết như những năm trước.
Ông Huỳnh Văn Minh, ngụ xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc hiện 6ha trồng quýt đường, ước sản lượng thụ hoạch 300 tấn trái/vụ, nhưng ông Minh chỉ xử lý 30% - tức khoảng 100 tấn trái cho vụ Tết Nguyên đán 2022, sản lượng còn lại ông xử lý cho thu rải vụ, nhằm giảm áp lực nguồn cung cuối năm. So với mọi năm, hiện giá quýt đang thấp hơn từ 4.000-5.000 đồng/kg; trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ tăng nên lợi nhuận của các nhà vườn trồng quýt cũng giảm đáng kể.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích trái cây của tỉnh lên đến hơn 12.000 ha, bình quân mỗi tháng, sản lượng trái cây của tỉnh cung ứng ra thị trường gần 10 nghìn tấn. Riêng mùa Tết, sản lượng trái cây tăng gấp 2-3 lần. Tuy nhiên, việc các nhà vườn trồng trái cây khá thận trọng trong mở rộng diện tích nên dự báo sản lượng trái cây vụ Tết năm nay cũng giảm mạnh – chỉ đạt khoảng 60% so với mọi năm./.