Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về thị trường tín chỉ carbon

Nhằm nâng cao nhận thức về thị trường tín chỉ carbon nhiều khóa đào tạo, hội thảo và chương trình nâng cao năng lực đang được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thích nghi với các quy định mới và phát huy tối đa lợi ích từ giao dịch tín chỉ carbon.
bai-3-metan-2-1730018981.jpg
Nhiều doanh nghiệp bước đầu đã quan tâm tới giao dịch tín chỉ carbon.

Theo số liệu thống kê, năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng. Hiện, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon.

Một trong những yếu tố quan trọng để thành công trong việc thực hiện giao dịch tín chỉ carbon theo Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định, là nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng. Đào tạo không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình phát triển tín chỉ carbon mà còn giúp họ nhận diện được các cơ hội kinh doanh mới từ thị trường này. Các khóa đào tạo, hội thảo và chương trình nâng cao năng lực đang được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thích nghi với các quy định mới và phát huy tối đa lợi ích từ giao dịch tín chỉ carbon.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng, Giám đốc Trung tâm Kinh tế xanh -Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo, Trưởng làng Công nghệ sinh thái (Ecotech) - Techfest Quốc gia.

Là chuyên gia nghiên cứu, tư vấn và đào tạo cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, các dự án về thực hành ESG - nhận diện & tính toán các nguồn phát thải khí nhà kính. Từ thực tế triển khai đào tạo tại các doanh nghiệp, bà cho biết nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp hiện nay về giao dịch tín chỉ carbon như thế nào?

Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng: Câu chuyện tín chỉ carbon hiện nay thông qua các kênh truyền thông đại chúng đang thu hút được sự quan tâm rất tích cực đối với cộng đồng và doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có liên hệ trực tiếp đến bù đắp carbon hoặc có diện tích canh tác nông lâm nghiệp phù hợp để giao dịch tín chỉ carbon.

Trong đó, thị trường tín chỉ carbon được xây dựng dựa trên Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia và căn cứ vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, và Nghị quyết 93/NQ-CP phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Và hiện thực hóa chỉ thị 13 - Chỉ Thị về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của Thủ Tướng chính phủ vào tháng 5 năm 2024.

bai-3-metan-1-1730018981.jpg
Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng, Giám đốc Trung tâm Kinh tế xanh -Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo.

Thị trường carbon là một công cụ hữu hiệu để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Khi doanh nghiệp giảm được lượng khí thải, họ đã góp phần tích cực vào chương trình hành động. Những tín chỉ này có thể được mua bán, tạo ra cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ xanh, chuyển đổi xanh nền kinh tế Việt Nam.

Chúng ta đã có những bước đi đầu tiên trong việc phát triển thị trường carbon, nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về cơ chế hoạt động của nó. Điều này gây khó khăn cho việc tham gia vào thị trường và tận dụng các lợi ích mà nó mang lại.

Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để mọi người hiểu rõ hơn về thị trường carbon. Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế quản lý để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường này.

Để nâng cao nhận thức, đã có nhiều dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp về giao dịch tín chỉ carbon đã bước đầu mang lại những kết quả ra sao, thưa bà?

Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng: Chỉ thị 13 có đề cập rất rõ nét về nhận thức cộng động và doanh nghiệp thực trạng am hiểu về tín chỉ carbon như sau: Trong thời gian qua, có nhiều thông tin, dư luận xã hội chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chính xác về thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon, đặc biệt là hoạt động tạo tín chỉ, quản lý tín chỉ carbon từ rừng và một số lĩnh vực khác. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu chưa đúng đắn về thị trường carbon và phương thức tạo tín chỉ carbon để có thể giao dịch trên thị trường.

Có thể nói những chương trình đào tạo, hội nghị, tọa đàm nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và cộng đồng đã từng bước phát huy được hiệu quả bước đầu. Doanh nghiệp (đặt biệt là nhóm các doanh nghiệp nằm trong danh sách Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính) rất quan tâm và tham gia nhiều hoạt động.

bai-3-metan-3-1730018981.jpg
Đào tạo nguồn nhân lực giải pháp quan trọng phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Qua đó đã nhận diện được các vấn đề và đưa ra được lộ trình thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính, thực hiện các báo cáo ESG – báo cáo phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo đồng thời tạo nên xu hướng chuyển dịch từ quan tâm, thay đổi nhận thức đến các hành động thay đổi để hướng đến phát triển bền vững.

Tuy nhiên việc triển khai đồng loạt ở nhiều bộ ngành, tổ chức lại chưa có sự nhất quán và thống nhất về lộ trình, bộ tiêu chuẩn cũng như khung năng lực của tư vấn viên và yếu tố xác thực của kiểm kê khí nhà kính còn cần được quan tâm và chuẩn hóa.

Theo bà, những lĩnh vực nào cần được chú trọng trong đào tạo để doanh nghiệp có thể tham gia tốt hơn vào thị trường tín chỉ carbon?

Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng: Để đạt được hiệu quả trong đào tạo chúng ta cần lưu ý đề lộ trình đào tạo cần tập trung đến lực lượng chuyên gia, tư vấn viên. Chính lực lượng chuyên gia – tư vấn viên được đào tạo nền tảng sẽ giúp yếu tố chính xác, tính xác thực, minh bạch của thị trường tín chỉ carbon được rõ ràng hơn. Các chương trình cần được đóng gói chuyển giao để doanh nghiệp và lao động nội bộ thực thi được trong điều kiện của doanh nghiệp. Các lĩnh vực cần chú trong đào tạo cho doanh nghiệp: kỹ năng lượng hóa, thu thập thông tin và xử lý số liệu để thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trân trọng cảm ơn bà!

Đông Nghi