Thế nào là thực phẩm hữu cơ - Organic
Thuật ngữ “hữu cơ” dùng để chỉ quá trình sản xuất một số loại thực phẩm nhất định. Thực phẩm hữu cơ là khái niệm để chỉ các thực phẩm được nuôi hoặc trồng mà không sử dụng hóa chất nhân tạo (thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất bảo quản…), hormone kích thích tăng trưởng, kháng sinh hoặc sinh vật biến đổi gen.
Một số sản phẩm chế biến sẵn yêu cầu không có phụ gia thực phẩm nhân tạo như chất bảo quản, chất tạo màu, chất làm ngọt nhân tạo, hương liệu hay bột ngọt (MSG hay còn gọi là mì chính). Thực phẩm hữu cơ đa dạng từ thực phẩm tươi cá, thịt, trứng, rau cho đến các sản phẩm làm từ sữa, thịt, thực phẩm chế biến sẵn như soda, bánh quy, ngũ cốc...
Như vậy, có thể thấy, khái niệm thực phẩm hữu cơ không cao siêu như thường nghĩ, đơn giản nó là nhóm thực phẩm được sản xuất thông qua các biện pháp canh tác chỉ sử dụng các chất tự nhiên, nghĩa là tránh tất cả các hóa chất nhân tạo, chất kích thích, kháng sinh hay sinh vật biến đổi gen (GMO).
Thực phẩm hữu cơ khác thực phẩm thông thường ở điểm nào?
Khi người trồng rau chia làm 2 luống, bên bán bên ăn, người nuôi tôm bắt đầu bơm tạp chất vào tôm để tăng lợi nhuận, từng ngày “giết” sức khỏe của đồng loại “chết dần chết mòn” theo thời gian... Đó là lúc người ta bắt đầu quan tâm và hỏi nhau rằng thực phẩm hữu cơ là gì? Như vậy điểm khác biệt đầu tiên của thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thông thường chính là độ an toàn hay nói cách khác, thực phẩm hữu cơ xuất hiện như “cứu cánh” cho nỗi lo “ăn gì mới không có hóa chất?”.
Nếu đặt trường hợp thực phẩm thông thường sử dụng hóa chất ở ngưỡng quy định, mọi thứ ở ngưỡng an toàn thì thực phẩm hữu cơ vẫn có những điểm công vượt trội.
Thực phẩm hữu cơ bổ dưỡng hơn
Mặc dù chưa có kết luận chính thức nào về việc sử dụng thực phẩm hữu cơ có lợi hơn thực phẩm thông thường ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên có khá nhiều công trình nghiên cứu chứng minh rằng, hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm hữu cơ thường cao hơn.
Cụ thể, hàm lượng chất chống oxy hóa trong thực phẩm hữu cơ cao hơn giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tế bào gây bệnh, nhất là ung thư. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng thực phẩm hữu cơ có khả năng làm tăng hệ miễn dịch ở các vật nuôi. Các nghiên cứu quan sát cho thấy có mối liên quan giữa thực phẩm hữu cơ với việc giảm nguy cơ dị ứng và bệnh chàm ở trẻ em cũng như trẻ sơ sinh.
Mức độ nitrat trong thực phẩm hữu cơ thấp hơn
Nồng độ nitrat trong thực phẩm cao chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, chúng cũng ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể của trẻ em. Các nghiên cứu đã chứng minh được mức độ nitrat trong thực phẩm hữu cơ thấp hơn 30% so với cây trồng thông thường.
Sữa, thịt hữu cơ chứa acid béo có lợi cao hơn
Cụ thể, sữa và các sản phẩm từ sữa hữu cơ chứa axit béo omega - 3 cao hơn, lượng sắt, vitamin E và một số carotenoids cao hơn tốt cho sức khỏe, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Nông trại hữu cơ còn là mô hình nhằm cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Nông trại hữu cơ không đơn thuần chỉ là một phương pháp nuôi trồng cây cối và vật nuôi không có sự can thiệp của hóa chất (thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, hormone tăng trưởng, chất kích thích…) bằng việc sử dụng phân bón tự nhiên.
Thêm vào đó, đây còn là một hệ thống toàn diện khi được thiết kế nhằm tối ưu hóa năng suất hệ sinh thái nông nghiệp (cải thiện nguồn đất, bảo vệ nguồn nước). Đơn giản hơn thì đây là mô hình nông trại lý tưởng khi tất cả các yếu tố như sinh vật, thực vật, vật nuôi, kể cả con người đều được hình thành và phát triển trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, theo quy luật tự nhiên.
Thực phẩm hữu cơ khác thực phẩm sạch và không phải là “của nhà trồng”
Có một sự thật là nhiều người vẫn đang nhầm tưởng rằng thực phẩm được sản xuất theo phương pháp đạt “chuẩn” được cấp các chứng nhận nghĩa là thực phẩm hữu cơ, mà quên mất thị trường thực phẩm nước ta còn có các khái niệm “thực phẩm sạch” “của nhà trồng”...
Thực phẩm sạch hay còn gọi là thực phẩm an toàn, ví như VietGap là những thực phẩm được nuôi trồng theo chuẩn VietGap, vẫn sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nhưng ở ngưỡng an toàn. Ngoài ra, cũng cần tránh nhầm lẫn giữa “thực phẩm hữu cơ” và thực phẩm “nhà làm” nghĩa là rau tự trồng, vật nuôi tự nuôi, bởi thực phẩm hữu cơ yêu cầu cao về chất lượng đất và nguồn nước.
Thực phẩm hữu cơ không phải “dùng càng nhiều càng tốt”
Thực tế, thực phẩm hữu cơ an toàn, song một số thực phẩm chế biến vẫn có nguy cơ có hàm lượng calo, đường, muối, chất béo cao. Do đó, nếu đang có ý định giảm cân và nghĩ ăn bao nhiêu thực phẩm hữu cơ cũng được thì đó là sự nhầm lẫn tai hại.
Làm thế nào để chắc chắn đó là thực phẩm hữu cơ?
Thực tế thì khái niệm thực phẩm hữu cơ vẫn chưa thật sự phổ biến ở nước ta, chính vì thế lượng người sử dụng chúng vẫn đang ở mức thấp, một phần cũng vì giá thành chúng thường cao hơn.
Do đó, việc phân biệt đâu là thực phẩm hữu cơ cũng như nhận diện các chứng nhận gặp khá nhiều khó khăn. Không ít đơn vị gắn mác hữu cơ để kinh doanh nhằm nâng giá thành sản phẩm nhưng thực tế thì sản phẩm chỉ dừng lại ở mức an toàn.
Vậy làm thế nào để chắc chắn đó là thực phẩm hữu cơ?
Chuẩn thực phẩm hữu cơ phổ biến nhất hiện nay là USDA (chứng nhận hữu cơ của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ). Nếu bạn muốn đó có phải là thực phẩm của USDA hay không hãy kiếm con dấu của tổ chức này. Ngoài ra hãy theo dõi các tuyên bố sau trên nhãn thực phẩm của chuẩn USDA gồm 100% hữu cơ là sản phẩm được làm hoàn toàn từ các thành phần hữu cơ; Hữu cơ là sản phẩm chứa ít nhất 95% thành phần là hữu cơ; Được làm bằng hữu cơ là sản phẩm có ít nhất 70% thành phần là hữu cơ.
Mỗi chuẩn hữu cơ sẽ có những quy định riêng, chính vì thế muốn biết thực phẩm bạn cầm trên tay có phải là thực phẩm hữu cơ hay không, bạn cần tìm hiểu kỹ về các quy định đó. Bằng không, lựa chọn một đơn vị kinh doanh, phân phối thực phẩm hữu cơ uy tín.