Thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp

Trong và sau đại dịch COVID-19, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được cộng đồng và chính quyền đáng giá cao.

Thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn là điều kiện tất yếu đối với các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập cũng như là nền tảng để doanh nghiệp xây dựng các mối quan hệ phát triển bền vững. Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (SocialLife) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 27/11.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng SocialLife cho biết, trách nhiệm xã hội (CSR) không phải là khái niệm mới mẻ tại Việt Nam, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp. Bởi từ khi hội nhập kinh tế quốc tế, hầu hết Hiệp định thương mại tự do đều đề cập và có các tiêu chuẩn rõ ràng về thực hành trách nhiêm xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng thực hành tốt trách nhiệm xã hội, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương là những hình mẫu về phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, nhưng hiện nay đã bộc lộ nhiều khoảng trống về chính sách an sinh xã hội khi các thiết kế hạ tầng đô thị chưa quan tâm đúng mức đến hạ tầng an sinh xã hội; trong đó, bao gồm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong và sau đại dịch COVID-19, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được cộng đồng và chính quyền đáng giá cao. Bối cảnh này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp thực hành trách nhiệm xã hội để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu hàng hóa và hợp tác quốc tế, tăng trưởng kinh doanh gắn với đóng góp cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường.

Bà Trần Vũ Ngân Giang, Phó Giám đốc khu vực Mê Kông ASSIST Asia phân tích, có nhiều động cơ thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, lợi ích kinh tế, uy tín với khách hàng, giảm rủi ro và dễ phục hồi sau khủng hoảng… Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp thực hành trách nhiệm xã hội xuất phát từ giá trị bên trong như: truyền thống, đạo đức, mối quan hệ với nhân viên... và dù động lực nào thì việc thực hành trách nhiệm xã hội cũng mang lại giá trị cho cả doanh nghiệp và xã hội.

10-1635627247460-1635651067466-16356510679921405325952-20211102130616-1638018524.jpg
Công nhân làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1, Tp Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Thực tế cho thấy, việc thực hành trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp vẫn đang gặp những rào cản nhất định như: lãnh đạo, nhân viên doanh nghiệp thiếu hoặc hiểu không đầy đủ về trách nhiệm xã hội, thiếu kinh phí, nhân sự và không có hệ thống thực hiện... Ngoài ra, cũng có những nguyên nhân khác như: năng lực đối tác thực hiện là các tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận không đảm bảo, khung pháp lý không rõ ràng và không khích lệ doanh nghiệp, thiếu cơ sở hạ tầng thực hiện trách nhiệm xã hội…

Theo bà Trần Vũ Ngân Giang, để thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp có thể vận động chính sách thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, phát triển bền vững về quyền con người, môi trường, xã hội. Cúng với đó, thực hiện chiến lược marketing giáo dục, nâng cao nhận thức của khách hàng và nâng cao tín nhiệm vào sản phẩm, dịch vụ của công ty. Doanh nghiệp cũng có thể hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận để khắc phục những hạn chế về nhân sự, chuyên môn, thời gian thực hiện trách nhiệm xã hội.

Ông Nguyễn Tất Năm, nguyên Trưởng phòng Lao động - Tiền lương Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với việc hội nhập, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng với các tập đoàn đa quốc gia và được thúc đẩy để thực hiện trách nhiệm xã hội. Nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp, người lao động Việt Nam về trách nhiệm xã hội đã được nâng lên đáng kể.

“Việc thực hành trách nhiệm xã hội trước hết phải bắt đầu từ nhận thức của lãnh đạo là tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn về ký kết hợp đồng, đảm bảo môi trường làm việc cho nhân viên công ty, kéo giảm số vụ đình công và hài hòa quan hệ giữa giới chủ với người lao động; tiếp đến là đảm bảo sử dụng nguyên liệu bền vững, bảo vệ môi trường và sau đó là các yếu tố phúc lợi cộng đồng hay từ thiện”, ông Nguyễn Tất Năm nhấn mạnh.  

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Abavina cho rằng, trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp không chỉ là yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp sản xuất muốn đưa sản phẩm xuất khẩu mà còn thể hiện trong việc xác định tầm nhìn, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp với cộng đồng.

“Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thành lập một phòng, ban hay bộ phận để thực hiện trách nhiệm xã hội. Thay vào đó doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể định hướng và lồng ghép trách nhiệm xã hội trong kế hoạch hoạt động thông qua các cuộc họp định kỳ, thực hiện một cách thường xuyên, nhưng linh hoạt theo tình hình thực tế. Lợi ích của việc thực hiện trách nhiệm xã hội có thể không nhìn thấy ngay, song lâu dài sẽ khẳng định giá trị của doanh nghiệp đó đối với đối tác, khách hàng và cộng đồng”, bà Thoa chia sẻ./.