Doanh nghiệp nhận diện thị trường và phương thức thích ứng, phục hồi sau dịch

Chiều 23/11, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chương trình thường niên: Diễn đàn doanh nghiệp 2022 với chủ đề "Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng". Đồng thời, tổ chức trao giải Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân-doanh nghiệp và môi trường kinh doanh (lần thứ IX).
tiem-vaccine-da-nang-tien-son-1637714327.jpg
Tiêm phòng cho công nhân một trong những việc làm cần thiết của các doanh nghiệp

Năm 2022, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, để phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, với mục tiêu tổng quát là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh… đòi hỏi các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và doanh nhân cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn. Diễn đàn được tổ chức nhằm đưa ra những phân tích, dự báo về tình hình kinh tế năm 2022. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị để các doanh nghiệp cùng tham gia hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp.

Khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 đã gây ra những khó khăn to lớn cho mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong một khảo sát do VCCI tiến hành gần đây cho thấy, xấp xỉ 90% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch; khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước, 90,6 % doanh nghiệp gặp phải các vấn đề liên quan như mất cân đối dòng tiền, bất cập trong quản lý hoặc bị đứt gãy chuỗi cung ứng...

Số liệu do VCCI thống kê mới đây cũng cho thấy, 91% doanh nghiệp phải chấp nhận giảm mạnh quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Việc Chính phủ ban hành quy định tạm thời, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được đánh giá là giải pháp kịp thời giúp "cởi trói" tinh thần cho doanh nghiệp. Mặc dù, đặt ra mục tiêu ưu tiên kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng cần phải xác định dịch bệnh sẽ không sớm kết thúc.

Vì thế, để tìm cách ứng phó phù hợp và duy trì việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo việc làm và sinh kế cho người dân...thì nhà nước, các cấp ngành nên có những cách thức thúc đẩy vai trò của người dân, của doanh nghiệp tham gia vào việc hoạch định chính sách.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và theo đó, xác định mục tiêu tổng quát là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục những hậu quả để lại của dịch COVID-19

Đồng thời, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trên cả nước. Theo đó, các cấp, ngành và từng địa phương cần nỗ lực duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn; kiên trì giữ vững sự ổn định; nâng cao tính tuân thủ và khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế đất nước.

Ông Phòng nhận định, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ, Quốc hội đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết liệt của số đông cộng đồng doanh nghiệp. Chắc chắn, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới cũng sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, các doanh nghiệp đều mong mỏi, các cơ chế chính sách hỗ trợ cần phải có sự ổn định và phù hợp; cần có một chương trình tổng thể phục hồi được thiết kế khoa học, sát với nhu cầu và điều kiện của các doanh nghiệp để có tính khả thi trong thực hiện.

Bàn về tư duy kinh tế mới trong điều kiện bình thường mới, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong khung cảnh, bối cảnh địa chính trị hiện nay thì triển vọng phát triển kinh doanh trong năm tới tiềm ẩn khá nhiều yếu tố rủi ro trước những bất ổn trước những động thái và sự dẫn dắt của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Australia...

Theo ông Khương, bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu trong năm 2022 có thể dễ dàng dự báo một số xu thế mới. Đó là, môi trường kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chịu những tác động sâu rộng trong năm thứ ba của đại dịch COVID-19; đặc biệt, là áp lực tăng trưởng ổn định và cân bằng xã hội. Bên cạnh đó, áp lực về lạm phát gia tăng sau khi nhiều gói giải cứu, hỗ trợ được thực hiện từ đầu năm 2020 tới nay.

Ngoài ra, rất nhiều khả năng là Trung Quốc với tiềm năng của một thị trường quốc gia lớn nhất toàn cầu sẽ chưa có dự kiến mở cửa trở lại mà vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách thí điểm mở cửa biên giới để tập trung khôi phục lại kinh tế và đặc biệt là những ngành nghề chịu tác động mạnh bởi đại dịch như du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng...

Trước xu thế mới được dự kiến, ông Khương cho rằng, cần tiếp tục tập trung nâng cao năng lực y tế dự phòng, đặc biệt là để ứng phó với những diễn biến bất thường và khó dự đoán của dịch bệnh. Cùng đó, củng cố lực lượng lao động và tập trung nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đồng thời, giải quyết những vấn đề, thách thức do gián đoạn sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, tập trung số hóa đối với tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cho tới những tập đoàn lớn./.