Thừa Thiên – Huế: Thêm nhiều chính sách ưu đãi, thu hút lao động vào doanh nghiệp

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp của Thừa Thiên – Huế sau khi trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Để sớm phục hồi sản xuất vừa thích ứng an toàn, các doanh nghiệp phải nỗ lực triển khai nhiều chính sách để vượt khó.

Không chỉ doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn phải đối diện trước thách thức thiếu nhân lực do lao động trở về quê tránh dịch mà tình trạng thiếu lao động cũng đang là nỗi “đau đầu” của các chủ doanh nghiệp tại Thừa Thiên – Huế. Đặc biệt, có 25 doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu trong ngành dệt may có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động làm việc và 5 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay lượng lao động được tuyển dụng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp.

Hiện các doanh nghiệp dệt may lớn như Công ty Scavi Huế tại Khu công nghiệp Phong Điền, Công ty cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam tại thành phố Huế, Công ty cổ phần Dệt may Phú Hòa An tại Khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Công ty cổ phần Dệt may Thiên An Phú tại Khu công nghiệp Phú Đa, huyện Phú Vang… đang cần hàng nghìn lao động làm việc ổn định tại địa phương.

Bên cạnh việc đảm bảo kịp tiến độ các đơn hàng đã đặt trước bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may này đang phải “chạy đua” với các đơn hàng thời trang dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 

Tại Công ty Scavi Huế, các nhà máy liên tục làm việc không kể ngày đêm suốt những ngày qua. Các lao động làm việc tăng ca để kịp tiến độ xuất hàng cuối năm. Do dịch bệnh đang bùng phát tại địa phương nên nhân lực và dây chuyền sản xuất của đơn vị cũng đang bị ảnh hưởng về tiến độ. Vì thế, doanh nghiệp đã tính đến phương án thuê cơ sở, thiết lập các phân xưởng tạm thời; đồng thời, thu hút lao động vào làm việc để đảm bảo hoàn thành các đơn đặt hàng, kế hoạch mục tiêu.

dsc0454-15823424974852112888037-1641295117.jpeg
Ảnh minh hoạ

Theo ông Hồ Phan Minh Đức, Giám đốc phụ trách Kiểm soát An toàn và Truyền thông Công ty Scavi Huế, nhờ sự thay đổi cơ chế hoạt động đảm bảo an toàn phòng, chống dịch từ trước cũng như sự chuẩn bị về cơ sở vật chất nên doanh số của đơn vị trong năm 2021 vẫn đảm bảo tốt. Để chuẩn bị đưa các nhà máy mới vào hoạt động trong trong năm 2022, doanh nghiệp cần từ 5.000-10.000 công nhân may. Tuy nhiên, việc tuyển dụng trong giai đoạn giáp Tết diễn ra khá khó khăn. Theo lộ trình hàng tháng, doanh nghiệp chỉ tuyển dụng được khoảng 50% nhu cầu.

Bên cạnh tuyển dụng công nhân may, Công ty Scavi Huế cũng đang tuyển dụng nhiều vị trí việc làm khác như thợ máy, thợ điện, chuyền trưởng, kỹ thuật chuyền, nhân viên kiểm soát chất lượng (QC) kiểm hàng với tổng trên 600 vị trí làm việc tại ba cơ sở. 

Để thu hút các lao động, doanh nghiệp đã đưa ra rất nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn về lương thưởng cũng như an sinh cho các thành viên mới. Bên cạnh mức lương khởi điểm từ 5,5 - 25 triệu đồng/tháng, các lao động được tuyển dụng được hưởng lương tháng 13 cao gấp từ 1,5-3 lần mức lương hàng tháng, tặng cổ phần và hỗ trợ chỗ ở miễn phí tại công ty và đưa đón miễn phí.

Đặc biệt, nhằm tạo cơ hội cho các công nhân ngành may có tay nghề từ xa trở về làm việc ổn định tại địa phương và các lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị còn có chính sách hỗ trợ nóng từ 5-10 triệu đồng và thưởng thêm vào lương tháng 13 cho các lao động. 

“Dù đang trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh nhưng đã có nhiều lao động được công ty tạo điều kiện làm việc thuận lợi, hưởng phúc lợi tốt và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhìn chung đa số các lao động từ xa trở về không mặn mà ở lại lập nghiệp trên mảnh đất quê hương Thừa Thiên - Huế dù các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn. Chính vì vậy, rất mong muốn chính quyền địa phương có phương án tuyên truyền người dân an cư lạc nghiệp và hỗ trợ họ được vay vốn ổn định đời sống, an tâm làm việc”, ông Hồ Phan Minh Đức cho hay.

Tương tự, thời gian qua, bằng những chính sách thu hút lao động hấp dẫn Công ty cổ phần May Vinatex Hương Trà (thị xã Hương Trà) cũng đã tuyển được một số lao động may mặc có tay nghề vào làm việc. Nhưng, con số này chỉ đáp ứng từ 10-12% so với nhu cầu trên 700 vị trí làm việc của doanh nghiệp đang cần mỗi đợt tuyển.

Ông Lê Văn Liêm, Phó Giám đốc Công ty May Vinatex Hương Trà cho hay, hiện nay hệ thống nhà máy của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đang được mở rộng sản xuất. Điều đó kéo theo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về nguồn lao động. Chính vì thế, đơn vị luôn đưa ra các chính sách hỗ trợ, mức lương thưởng tốt, hấp dẫn để thu hút các lao động đến làm việc. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm lao động từ xa trở về; phát huy vai trò tổ chức công đoàn để thường xuyên hỏi thăm, động viên người lao động an tâm ở lại làm việc. 

Qua lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người động, nhiều trường hợp tỏ ra khá hài lòng với mức lương, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ tốt của đơn vị và an tâm ở lại, gắn bó lâu dài tại quê hương Thừa Thiên – Huế.

Từ sau đợt dịch thứ 4 đến nay, có khoảng 73.000 người dân từ vùng dịch trở về Thừa Thiên – Huế nhưng chỉ có khoảng 16.000 người có nhu cầu vay vốn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; trong đó, trên 9.000 lao động có nhu cầu được giới thiệu việc làm.  

Nhờ sự phối hợp ba bên giữa chính quyền, doanh nghiệp và người lao động, các giải pháp nhằm kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tỉnh có trên 16.200 lao động được giới thiệu, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp có việc làm ổn định và trên 3.000 lao động từ xa trở về được giải quyết việc làm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân lực vẫn đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế hiện nay.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Dần, hiện nay, lực lượng lao động trở về địa phương rất nhiều và dồi dào; đặc biệt có nhiều lao động giàu kinh nghiệm, tay nghề cao. Nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp, các bộ phận lao động có tâm lý khác nhau nên không hoặc chưa sẵn sàng “gia nhập” thị trường lao động tại quê nhà. Đa số lao động muốn Nam tiến, Bắc tiến quay trở lại các trung tâm thành phố lớn để có nhiều cơ hội lập nghiệp. Một số khác e ngại, chần chừ đợi qua đợt dịch hoặc chưa quen các doanh nghiệp…

Vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trình UBND tỉnh chương trình "Hành động thực hiện đồng bộ giải pháp giải quyết việc làm do tác động của đại dịch COVID-19 trong tình hình mới". Với chương trình này, tỉnh phấn đấu 100% người lao động trở về địa phương được đào tạo nghề nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp, sớm có việc làm ổn định cuộc sống.

Với nỗ lực phủ rộng tiêm vaccine phòng COVID-19, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực để thu hút nhân lực, tuyển dụng lao động sớm giải quyết các đơn hàng, đảm bảo nhu cầu khách hàng cũng như dần ổn định hoạt động sản xuất.

Việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh đang là nhu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế bởi giai đoạn này được xem là cơ hội quyết định để xem doanh nghiệp có thể “giữ” được khách hàng và thị trường hay không, đồng thời bù đắp phần nào thiệt hại trong thời gian qua.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo được mục tiêu kép đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong lao động, sản xuất đồng thời chuẩn bị nguồn lực, nâng cao trình độ tay nghề của người lao động trước tình hình mới./.