Khu kinh tế Thái Bình - điểm sáng trong thu hút đầu tư

Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2021, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt kết quả rất tích cực.
quy-hoach-khu-kinh-te-thai-binh-1640343413.jpg
Phối cảnh tổng thể không gian khu kinh tế ven biển Thái Bình

Dự kiến đến 31/12/2021, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình đạt 930 triệu USD. Riêng Khu Kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp đạt 730 triệu USD; trong đó, có một số dự án lớn như: Dự án sản xuất chân kết nối Ram máy tính, cáp nối dùng cho máy tính và thiết bị điện tử của Công ty TNHH Lotes Việt Nam; Dự án sản xuất thiết bị làm vườn của Công ty TNHH Greenworks Việt Nam; Dự án nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình và đồ nội, ngoại thất của Công ty Jeanson.

Khu công nghiệp Liên Hà Thái là khu công nghiệp tiên phong của Khu kinh tế Thái Bình đạt kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư. Chỉ sau 9 tháng được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, vừa giải phóng mặt bằng, vừa đầu tư xây dựng hạ tầng, vừa xúc tiến thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp, đến nay khu công nghiệp này đã có khoảng 400 ha hoàn thành giải phóng mặt bằng. Hiện tại, khu công nghiệp này đã thu hút được hai dự án thứ cấp, hai dự án đang nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 400 triệu USD.

Trong 11 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã thu hút được trên 18.265 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trên địa bàn Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp thu hút được 13.737 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký, tương đương 610 triệu USD, tăng hơn 8 lần so với năm 2020; trong đó thu hút vốn đầu tư FDI là 520 triệu USD. Qua đó, tỉnh Thái Bình đã vươn lên xếp vị trí 17/63 các tỉnh, thành, xếp thứ 9/25 tỉnh, thành phía Bắc và xếp thứ 5 trong các tỉnh đồng bằng sông Hồng về tổng vốn thu hút đầu tư FDI của 11 tháng năm 2021.

Để có được kết quả trên, từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư để giải phóng, khơi thông các nguồn lực; trong đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã rà soát, chỉnh sửa kịp thời các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2021, tỉnh đã tranh thủ được sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, Đại sứ Việt Nam tại các nước phát triển, tổ chức tiếp đón nhiều tổ chức, tập đoàn lớn đến nghiên cứu đầu tư tại tỉnh, nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu quả; đồng thời, đổi mới phương thức hỗ trợ, gắn kết chặt chẽ giữa các ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư quy mô lớn để rút ngắn thời gian, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư; song song với việc thực hiện tốt phòng chống dịch COVID-19 tạo ra các vùng xanh an toàn, để ổ định, phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Bình tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện cả về công nghiệp, thương nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị, kinh tế biển...; hình thành Trung tâm logistics của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thái Bình đã đề ra 9 nhóm giải pháp. Theo đó, hoàn thành rà soát, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong khu kinh tế làm cơ sở thu hút nhà đầu tư; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình; tăng cường giải phóng mặt bằng; đa dạng hóa, chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực quản lý của Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ..../.